Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Tôm Trước Nguy Cơ Dịch Bệnh

Nuôi Tôm Trước Nguy Cơ Dịch Bệnh
Ngày đăng: 12/08/2011

Những tháng đầu năm 2011, người nuôi tôm Cà Mau rất phấn khởi, có thời điểm giá tôm nguyên liệu tăng lên đỉnh điểm, cao nhất từ trước đến nay. Nhưng niềm vui đó lắng dịu nhanh chóng khi người nuôi tôm mất ăn, mất ngủ vì bệnh mới gan tụy xuất hiện, nhiều hộ đang nợ chồng nợ.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tại cuộc họp giao ban phòng chống dịch bệnh thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa qua, tình trạng tôm nuôi bị teo gan tụy và chết sau thời gian thả giống từ 15 - 40 ngày đang ở mức báo động. Theo thống kê của 8 tỉnh ĐBSCL, từ đầu năm đến ngày 25/7, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 65.593 ha. Riêng tỉnh Sóc Trăng thiệt hại nặng ở diện tích nuôi thâm canh 23.200/35.000 ha.

Đối mặt dịch bệnh

Ở Cà Mau, tính đến thời điểm này, diện tích bị dịch bệnh gan tụy trên tôm sú là 300,66 ha, bệnh đốm trắng 34,24 ha. Thực tế thì con số này còn cao hơn rất nhiều do người nuôi không trình báo với các ngành chức năng về tình hình dịch bệnh xảy ra trên ao nuôi của mình.

Ông Phương Văn No, Chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi tôm ấp Tân Thới, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi cho biết, trong tổ hợp tác có 22 tổ viên với 31 ha nuôi nhưng đến thời điểm này đã bị thiệt hại 28 ha do bị dịch bệnh gan tụy. Những vụ trước nuôi luôn thành công, đến đầu vụ này các tổ viên tập trung cải tạo ao đầm mở rộng diện tích ao nuôi, đầu tư thêm thiết bị. Thế nhưng đợt nuôi này đã bị thiệt hại hoàn toàn, các tổ viên đang điêu đứng, không còn vốn để đầu tư tái sản xuất.

Ông Phan Quang Danh, tổ viên Tổ hợp tác ấp Tân Thới, liên tiếp 6 lần thả con giống trong 12 tháng nuôi đều xảy ra dịch bệnh, bị thiệt hại hoàn toàn. Tuy lần thả thứ sáu này tôm chỉ có 10 ngày tuổi nhưng cũng bị dịch bệnh và thời gian diễn ra dịch bệnh nhanh hơn các lần thả nuôi trước. Điều này lý giải rằng, sự lơ là, xem thường dịch bệnh của người nuôi còn quá lớn; khâu xử lý hóa chất tiêu diệt mầm bệnh còn qua loa; nuôi không cắt vụ khi đầm nuôi đã bị dịch bệnh.

Ngành chức năng thì chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch thời vụ cho người nuôi tôm, chưa quản lý chặt và có biện pháp ngăn ngừa vùng dịch bệnh bởi sự phát triển các ao nuôi hiện nay theo cách tự phát, còn nằm rải rác ở nhiều nơi. Theo đó, tuy khâu chuyển giao kỹ thuật được đẩy mạnh nhưng khâu khuyến cáo người nuôi theo thời vụ, bảo vệ môi trường vùng nuôi còn xem nhẹ nên “điệp khúc” dịch bệnh luôn tái diễn.

Trong khi dịch bệnh đang tiếp diễn, người nuôi tôm còn vốn vẫn cứ cải tạo và thả giống tiếp, cầu mong trúng được vụ nào hay vụ nấy để trả nợ ngân hàng. Người hết vốn thì phơi đầm, chờ có vốn là thả giống ngay. Nhưng càng thả giống thì nạn tôm chết càng đeo bám, nợ càng chồng chất.

Anh Nguyễn Văn Nê, ấp Bà Bèo, xã Lương Thế Trân, ngậm ngùi: “Khâu chuẩn bị cho vụ nuôi tôi đã chuẩn bị chắc chắn từ khâu cải tạo; con giống thì được kỹ sư lựa chọn sạch bệnh. Nhưng qua 2 đợt thả đều chết hết. Hiện gia đình tôi thiếu nợ ngân hàng trên 50 triệu đồng. Chúng tôi yêu cầu Nhà nước có mức hỗ trợ thuốc, hóa chất để diệt khuẩn, và con giống để người nuôi tôm chúng tôi có điều kiện tái sản xuất”.

Lối thoát nào cho người nuôi tôm?

Khi tôm nuôi chết thì người nuôi tôm không chỉ mất tiền mà mất cả công chăm sóc, mất thời gian, mắc nợ, mất ý chí và nghị lực trong quá trình đầu tư tái sản xuất. Việc tái sản xuất càng khó khăn hơn đối với những hộ nuôi tôm công nghiệp ở vụ đầu tiên. Đa số những hộ này đi vay tiền từ ngân hàng để đầu tư cho việc ủi đầm, thả tôm nuôi và một ít từ các đại lý bán thức ăn, phân bón trong tỉnh. Nợ cũ chưa trả thì khó mà đi vay được nguồn vốn mới hay được các nhà đầu tư tiếp tục rót vốn để tái sản xuất.

Ông Phương Văn No cho biết thêm: “Hiện các tổ viên của chúng tôi, một số thì đang chạy vạy vay nóng để tái sản xuất, một số thì đang phơi đầm để đó vì chưa có tiền. Do mắc bệnh gan tụy xảy ra quá sớm, chỉ 15 - 30 ngày tuổi, nên hầu như anh em mất trắng vụ này”.

Khi người nuôi tôm đổ hết tiền của và công sức cho ao nuôi, thì chỉ sau 15 - 30 ngày sau phải đi vớt xác tôm chết. Điều đó đồng nghĩa với việc kết thúc hy vọng trúng đậm vụ này, tan vỡ giấc mơ làm giàu và mắc nợ ngân hàng.

Anh Lâm Thanh Tâm, ấp Tân Ánh, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, với 3,1 ha nuôi tôm quảng canh, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng. Do giá tôm tăng cao nên anh quyết định ủi 3,1 ha thành 7 đầm tôm, cơ sở vật chất đầu tư theo mô hình trang trại; khâu cải tạo cũng được anh đầu tư lớn. Con giống được anh xét nghiệm mô học, đốm trắng, đầu vàng, MBV; các yếu tố môi trường bảo đảm. Anh tiến hành thả nuôi nhưng chỉ 30 ngày sau tôm bị bệnh và chết.

Anh tâm sự: “Thật lòng người nuôi tôm chúng tôi không hiểu được nguyên nhân nào, nguồn gốc từ đâu phát sinh dịch bệnh. Bởi lẽ, các khâu trang thiết bị phục vụ sản xuất, cải tạo, con giống đều được kiểm soát chặt 100% và đạt tiêu chuẩn của ngành. Đây là một thiệt hại lớn mà người nuôi chúng tôi đang gặp phải. Nếu có tiền thì tôi cũng không dám thả nuôi tiếp. Mỗi ngày lội vớt xác tôm chết đỏ cả đầm, tôi cảm thấy có điều gì đó bất an. Để khôi phục lại vụ nuôi tiếp theo, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, và con giống sạch bệnh là điều mà người nuôi tôm chúng tôi đang cần nhất hiện nay”.

Mô hình của anh Tâm là 1 trong 4 mô hình được đầu tư quy mô và đúng tiêu chuẩn trang trại và được UBND huyện Cái Nước công nhận mô hình trang trại cách đây 3 tháng. Nhưng đến thời điểm này, 4 mô hình trang trại trên đều bị dịch bệnh gan tụy, thiệt hại 100% và đang đứng trước khó khăn về vốn để đầu tư cho vụ nuôi mới


Có thể bạn quan tâm

Cá Mú Chết Hàng Loạt Do Ô Nhiễm Nguồn Nước Ở Đầm Cù Mông (Sông Cầu, Phú Yên) Cá Mú Chết Hàng Loạt Do Ô Nhiễm Nguồn Nước Ở Đầm Cù Mông (Sông Cầu, Phú Yên)

Những năm gần đây, nghề nuôi cá mú ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) phát triển mạnh đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, có hộ thu nhập khá. Tuy nhiên, do người nuôi không tuân thủ lịch thời vụ, thả nuôi với mật độ quá dày, không thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi… đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi ngày càng trầm trọng và xảy ra dịch bệnh.

02/05/2013
Mô Hình Ương Cua Bột Lên Cua Giống Biển Trong Ao Vùng Triều Ở Quảng Ngãi Mô Hình Ương Cua Bột Lên Cua Giống Biển Trong Ao Vùng Triều Ở Quảng Ngãi

Nhằm giúp nông ngư dân nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật trong nghề ươm, nuôi cua biển trong ao vùng triều, năm 2012, Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã thực hiện mô hình ương cua bột lên cua giống, tại thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, với qui mô 200 mét vuông.

13/11/2012
Ước Sản Lượng Khoai Lang Cả Năm Đạt 75.000 Tấn Ở Châu Thành (Đồng Tháp) Ước Sản Lượng Khoai Lang Cả Năm Đạt 75.000 Tấn Ở Châu Thành (Đồng Tháp)

Vụ đông xuân và hè thu năm 2013, toàn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) xuống giống được 3.687ha hoa màu, trong đó nhiều nhất là khoai lang với diện tích 2.180ha, chiếm gần 60% diện tích hoa màu toàn huyện, cao hơn cùng kỳ năm 2012 là 136ha.

02/05/2013
Nâng Cao Chất Lượng Con Giống Tôm Càng Xanh Năm 2013 Ở Đồng Tháp Nâng Cao Chất Lượng Con Giống Tôm Càng Xanh Năm 2013 Ở Đồng Tháp

Năm 2012, diện tích nuôi tôm càng xanh toàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 1.285 ha, đạt 58 % kế hoạch, sản lượng hơn 1.600 tấn, năng suất trung bình 1,3 tấn/ha. Tập trung nhiều nhất ở các huyện: Tam Nông, Lấp Vò, Cao Lãnh và TX. Hồng Ngự. Hiện toàn tỉnh có 25 cơ sở sản xuất giống và 10 cơ sở ngoài tỉnh có đủ năng lực và điều kiện sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 353 triệu tôm giống phục vụ người nuôi, chưa xảy ra hiện tượng thiếu hụt con giống.

17/11/2012
Phất Lên Nhờ Nuôi Dê Phất Lên Nhờ Nuôi Dê

Ở xã Phú Thành (Phú Tân - An Giang) nhiều hộ khá lên nhờ nuôi dê. Mô hình này đang được nhân rộng, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

03/05/2013