Nuôi Tôm Thẻ Trong Vùng Nước Ngọt Lợi Trước Mắt, Thiệt Lâu Dài!

Nếu như những năm qua tôm thẻ chân trắng (gọi tắt tôm thẻ) chủ yếu được nuôi ở vùng nước lợ thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL, nay nhiều nông dân ở Đồng Tháp, An Giang… nảy sinh “sáng kiến” khoan giếng tìm nước mặn để nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt. Điều bất ngờ khi có một số hộ trúng đậm, đã cuốn hút nhiều hộ khác làm theo.
Bỏ tôm càng xanh
Huyện Tam Nông là vùng nuôi tôm càng xanh nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp nhưng gần đây nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tôm thẻ với hy vọng đổi đời. Đi dọc các xã Phú Thành B, thị trấn Tam Nông… đâu đâu cũng thấy người dân thả nuôi tôm thẻ.
Bà Lâm Thị Thu, ở ấp Phú Bình, xã Phú Thành B, bộc bạch: “Nghe nói tôm thẻ đang “lên đời” nên tui mạnh dạn chuyển 3ha tôm càng xanh và đất lúa sang nuôi tôm thẻ. Để nuôi được tôm thẻ trong vùng nước ngọt quanh năm như Tam Nông, tui thuê người khoan tìm nước mặn và sử dụng thêm muối rải xuống ao nhằm tăng độ mặn, giúp tôm thẻ sống được”.
Ông Đỗ Văn Nhì, cũng ở xã Phú Thành B vừa chuyển 1ha ao nuôi tôm càng xanh sang nuôi tôm thẻ. Ông Nhì áp dụng khoan cây nước tìm nước ngầm, kết hợp rải muối xuống ao để biến “nước ngọt” thành nước mặn. “Sáng kiến” này đã giúp tôm thẻ sống “khỏe” trong hơn 1 tháng nay.
Ông Trương Văn Nhỏi, ở xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, cho rằng tôm thẻ có lợi thế là thời gian nuôi ngắn, giá bán cao, lời nhiều… nên nhiều hộ bỏ tôm càng xanh để chạy theo tôm thẻ.
Tại An Giang, phong trào nuôi tôm thẻ cũng đang phát triển. Ông Nguyễn Hữu Trinh, ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tâm sự: “Tui từng nuôi tôm càng xanh ròng rã 10 năm, nhưng gần đây thua lỗ liên tục do nguồn giống bị thoái hóa. Thấy tôm thẻ “dễ ăn” nên tui xuống Trà Vinh học kinh nghiệm, sau đó về nuôi tôm thẻ trên diện tích 5.000m². Đến nay, tôm thẻ được 2 tháng tuổi và phát triển tốt, dự kiến không đầy 1 tháng nữa sẽ thu hoạch. Vụ đầu tiên này coi như chắc chắn có lời”.
Nguy cơ phá vỡ quy hoạch
Theo Chi cục Thủy sản An Giang, không chỉ người dân ở huyện Châu Phú mà nhiều hộ ở huyện Châu Thành đã và đang tiếp tục nuôi tôm thẻ bằng nguồn nước ngầm pha muối hạt, rất đáng lo ngại.
Tại Đồng Tháp, thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT cho thấy, toàn tỉnh có 44 hộ ở huyện Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự tự phát nuôi tôm thẻ với diện tích gần 47ha. Trong đó có 7 hộ đã thu hoạch gần 4,2ha, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha; giá bán từ 120.000 - 149.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời từ 50.000 - 80.000 đồng/kg.
Trước thực trạng người dân ồ ạt nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt, sáng 1-4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức cuộc họp với các ngành liên quan bàn giải pháp chấn chỉnh.
Ông Như Văn Cẩn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, nhìn nhận: “Chúng tôi rất lo cho việc người dân tự ý khoan cây nước để khai thác nước ngầm phục vụ nuôi tôm thẻ và xả thải nước mặn ra bên ngoài sẽ dẫn tới ô nhiễm môi trường, nước bị nhiễm mặn sẽ nguy hại cho việc trồng lúa và nuôi các loài thủy sản nước ngọt khác. Chưa kể, tôm thẻ là đối tượng dễ phát sinh và lây lan mầm bệnh, vì vậy nếu phát triển diện tích quá lớn sẽ nguy cơ gia tăng dịch bệnh. Vấn đề này rất đáng lo ngại”.
Lãnh đạo Sở TN-MT Đồng Tháp cảnh báo, trữ lượng nước ngầm ở tỉnh rất hạn chế, chỉ tạm đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của người dân; nếu ào ạt khoan nước ngầm để nuôi tôm thẻ sẽ dẫn đến cạn kiệt. Theo quy định, nếu khoan cây nước phải xin phép cơ quan chức năng, song nhiều hộ vẫn lén lút làm.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: “Nuôi tôm thẻ là vấn đề mới phát sinh và không nằm trong cơ cấu phát triển thủy sản của tỉnh. Do đó, không thể vì lợi ích trước mắt mà để phát triển tràn lan dẫn tới phá vỡ quy hoạch lâu dài.
Quan điểm của tỉnh là khuyến cáo không nuôi tôm thẻ ở vùng nước ngọt, bởi nguy cơ ảnh hưởng đến tôm càng xanh, lúa, các loại thủy sản nước ngọt khác. Trước mắt, tỉnh yêu cầu các sở ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm soát chặt các hộ đang nuôi tôm thẻ, hướng dẫn kỹ thuật để bà con không thải nước mặn tràn lan ra bên ngoài, tránh xảy ra ô nhiễm.
Không để người dân tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ mới. Đối với những hộ đang nuôi thì vận động sau vụ này sẽ không nuôi tôm thẻ nữa, nên quay lại nuôi tôm càng xanh hoặc nuôi các loài thủy sản khác. Kiểm tra ngay việc khai thác nguồn nước ngầm và không cho khoan thêm cây nước nhằm nuôi tôm thẻ…”.
Tại An Giang, bà Phạm Thị Hòa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, khẳng định: “Tôm thẻ không nằm trong quy hoạch nuôi cũng như định hướng phát triển tới đây của tỉnh. Vì vậy, tỉnh đang tuyên truyền người dân không nuôi tôm thẻ với mọi hình thức. Đối với những hộ đang nuôi, sau khi thu hoạch thì không được thả tiếp nhằm tránh những nguy hại có thể xảy ra sau này”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn: "Hiện tại không khuyến khích nuôi tôm thẻ tại các vùng nước ngọt, bởi tôm dễ bị bệnh mềm vỏ, tỷ lệ sống thấp; sử dụng nước mặn lâu dài sẽ ảnh hưởng tầng nước ngầm, tạo nguy cơ nhiễm mặn trong vùng nước ngọt…".
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Tính ở xã Long Trung (Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết: “Tôi trồng công 5 sầu riêng Ri 6 cho trái rải vụ bán từ đây tới tết Nguyên đán. Vừa rồi bán được 2 tấn thu lời trên 100 triệu đồng. Mấy năm nay hầu như năm nào sầu riêng vụ nghịch giá rất cao, có khi giá cao gấp đôi so với chính vụ. Tuy nhiên, vườn nhà tôi mới thu hoạch cách mấy ngày mà giờ giá còn tiếp tục tăng làm tui mất mấy chục triệu đồng tiền lời”.

Qua thời gian công tác, đội ngũ này đã và đang hoạt động ngày càng hiệu quả, trở thành “cầu nối” nhịp nhàng cho việc tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao các kiến thức khoa học, kỹ thuật đến nông dân, góp phần vào việc phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng chất lượng cao.

Được biết, giống bơ boot 7 ra hoa vào tháng 1 đến tháng 3 hằng năm và cho thu hoạch vào tháng 10 đến tháng 12. Ưu điểm của loại bơ này là quả to và đều, trung bình khoảng 3-5 quả/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao. Vỏ bơ dày nên thuận lợi cho vận chuyển, bảo quản sản phẩm. Hơn nữa, trồng bơ boot 7 tương đối nhàn, không tốn nhiều công chăm sóc. Bình quân mỗi cây có thể cho từ 200-250 kg quả, với giá thị trường hiện tại là 55.000 đồng/kg.

Với gần 482 tổ, hợp tác xã hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên, kích thích nền kinh tế tập thể phát triển mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đa dạng hóa ngành, nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Hiện các hộ dân tích cực vệ sinh vườn thanh long sạch, thông thoáng, tỉa bỏ và tiêu hủy triệt để mầm bệnh bằng cách thu gom các bộ phận cây, quả bị nhiễm bệnh đem chôn sâu hoặc dồn đống sau đó rắc vôi và tủ bạt, không để các tác nhân gây bệnh phân tán trong không khí. Qua thực hiện chiến dịch giúp nông nhận thức rõ hơn về bệnh đốm trắng và tích cực phòng trị theo phương pháp tổng hợp IPM.