Nuôi Tôm Sinh Thái Hướng Mở Kinh Tế Vùng Rừng Ngập Mặn
Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, mô hình tôm sinh thái đang mở ra một hướng đi mới cho người dân vùng rừng ngập mặn. Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả của huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Hiện nay, huyện đã có trên 5.270ha được công nhận tôm sinh thái, còn lại khoảng 5.000ha đang đề nghị công nhận trong thời gian tới.
Để giúp người dân nắm bắt quy trình nuôi tôm sinh thái (NTST) đúng chuẩn quốc tế, huyện Ngọc Hiển đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân trên địa bàn, riêng trong năm qua đã mở trên 25 lớp với trên 781 hộ tham gia.
Mô hình NTST xuất hiện ở Cà Mau cách đây hơn 10 năm. Đầu tiên là dự án do Đại sứ quán Thụy Sĩ tài trợ được triển khai tại Lâm ngư trường 184 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển. Tiếp theo, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn làm đối tác để bao tiêu sản phẩm tôm sinh thái cho gần 350 hộ dân trong khu vực rừng phòng hộ Kiến Vàng với diện tích hơn 2.500ha.
Mới đây nhất, Dự án khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững ở Cà Mau (Dự án MAM) tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển) do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tài trợ, phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thực hiện, được triển khai cho hơn 780 hộ dân trong tổng số gần 2.000 hộ gia đình đang sinh sống trong lâm phần.
Người dân đã được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm sú sinh thái kết hợp việc bảo vệ và trồng mới rừng. Để bảo đảm lợi nhuận cao nhất cho người dân, trong tháng 3-2013, SNV đã đàm phán với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cam kết mua toàn bộ sản phẩm tôm được chứng nhận với giá cao hơn giá thị trường 10%.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, Minh Phú là một trong những đơn vị xuất khẩu thủy sản có uy tín trên thế giới, với hơn 40 thị trường. Năm 2013, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn nhưng Minh Phú vẫn phấn đấu đạt mức 500 triệu USD. Hằng năm, Minh Phú mua khoảng 130.000 tấn tôm nguyên liệu.
Theo Ban Chỉ đạo Dự án MAM, đến thời điểm này đã xây dựng được 27 tổ hợp tác NTST tại Nhưng Miên, nhằm nâng cao năng lực, kỹ thuật và liên kết sản xuất hộ. Chương trình đã hỗ trợ gần 800 hộ nuôi tôm tại rừng ngập mặn và sẽ được chứng nhận là tôm sinh thái vào năm 2014; hỗ trợ 40 hộ NTST trồng thêm rừng để đạt tiêu chuẩn tối thiểu về trồng rừng vào năm 2013 và có kế hoạch cho những năm tiếp theo.
Để bảo đảm số lượng các hộ dân được cấp chứng nhận lớn nhất có thể, đã có 27 nhóm nông dân được thành lập, mỗi nhóm khoảng 30 - 40 người. Việc chứng nhận sẽ được tiến hành theo nhóm hộ dân thay vì từng hộ để giảm chi phí và tăng cường sự tuân thủ đúng các tiêu chuẩn đã đề ra.
Chương trình “Chứng nhận tôm sinh thái Minh Phú - Nhưng Miên” đang được hình thành và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực trên vùng đất ngập mặn Ngọc Hiển, được xem là một hướng mở mới cho ngành Thủy sản Cà Mau. Ông Lương Bá Truyền, ấp Kinh Ráng, xã Viên An Đông, chia sẻ: Với 4ha NTST kết hợp trồng rừng, năm qua, gia đình thu lãi vài chục triệu đồng từ cây đước, sau đó trồng rừng lại theo đúng thỏa thuận, Song song với đó là phát triển nhanh diện tích tôm nuôi theo hình thức sinh thái. Nhờ đó mà những năm qua kinh tế gia đình được cải thiện và nâng lên một bước đáng kể.
Hiện, toàn tỉnh Cà Mau có diện tích đất lâm nghiệp tập trung trên 114.164ha; diện tích có rừng 102.741ha, rừng ngập mặn 72.887ha. Sau một năm triển khai Dự án MAM, đến nay, kết quả thực hiện khá tốt. Tôm rừng Cà Mau do được chứng nhận, đã nâng cao giá trị và tăng cường khả năng vươn xa trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc bảo đảm đầu ra ổn định với giá thành tốt nhất cho nông dân là vấn đề cần được các ngành chức năng, doanh nghiệp và đối tác quan tâm trong thời gian tới.
Ngoài ra, SNV còn tổ chức tập huấn cho 1.000 hộ dân nuôi tôm, trong đó 783 hộ đồng ý đăng ký tham gia dự án. Từ mô hình nuôi tôm sinh thái, có hàng trăm hecta rừng ngập mặn chất lượng thấp được phục hồi bằng việc tái trồng và bảo vệ rừng từ dự án này. Đây là lợi ích kép mô hình NTST mang lại.
Trong kế hoạch phát triển rừng vùng ngập mặn và NTST thời gian tới, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, để bảo vệ rừng ngập mặn, tỉnh đã tận dụng nhiều nguồn vốn và sự tài trợ phát triển mô hình NTST dưới tán rừng, khoán rừng cho các hộ gia đình trồng mới và kết hợp kinh doanh.
Tỉnh phấn đấu mở rộng việc chứng nhận tôm sinh thái đạt 20.000ha nuôi tôm kết hợp trồng rừng và trên 43.000ha tôm - lúa vào năm 2020. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng một vùng sản xuất tôm sạch được chứng nhận với giá trị cao, vừa bảo vệ rừng vừa hạn chế tác động của biến đổi khí hậu như triều cường, nước biển dâng.
Có thể bạn quan tâm
Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam vừa lên tiếng cảnh báo đang có tình trạng nhiều thị trường đầu cơ nông sản.
Để vững bước gia nhập TPP, Việt Nam phải tìm cách liên kết vào chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ nông nghiệp hiện đại.
Thời vụ thích hợp trồng chuối tiêu hồng vào mùa xuân (tháng 2 - 4) và mùa thu (tháng 8 - 10). Mật độ trồng: Hàng cách hàng 2,2 m, cây cách cây 2,5 m, tương đương 60 - 70 cây/sào (sào Bắc bộ 360 m2).
Bà Lê Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hương Giang (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, toàn xã hiện có trên 50% số hộ chăn nuôi đủ điều kiện đã được xây dựng, lắp đặt bể khí biogas.
Với gói kỹ thuật đồng bộ gắn với phương pháp canh tác theo hình thức làm đất tối thiểu, năng suất ngô vụ đông có thể tăng bình quân từ 4,5 tấn lên 6 tấn/ha, giảm được ít nhất ½ chi phí SX.