Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Ở Cái Nước Gặp Khó Ở Cà Mau

Loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) đang được ngành chức năng ở huyện Cái Nước (Cà Mau) khuyến cáo nông dân thực hiện. Chỉ tiêu đặt ra cho năm 2014 là 9.000 ha, thế nhưng, trước tình hình giá tôm tăng cao, loại hình nuôi tôm công nghiệp phát triển ồ ạt, diện tích nuôi tôm QCCT khó có thể đạt theo kế hoạch.
Hiệu quả bền vững
Năng suất của mô hình nuôi tôm QCCT trên địa bàn huyện từ 3 năm trở lại đây khá hơn nhiều so với mô hình nuôi quảng canh truyền thống, từ việc thả tôm không diệt cá tạp, không quản lý môi trường nước, không yêu cầu khắt khe xét nghiệm tôm trước khi thả.
Đặc biệt, nhiều hộ nuôi tôm QCCT bằng việc cải tạo lại kinh mương, phơi đầm, bón vôi, thậm chí nhiều hộ còn khép kín diện tích khoảng từ 1.000-2.000 m2 đầu tư chạy quạt, cho ăn như hình thức nuôi tôm công nghiệp đã cho hiệu quả kinh tế rất cao, rủi ro ít và bền vững.
Cũng thực hiện mô hình này, ông Nguyễn Bé Năm, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng thực hiện 2 hình thức nuôi QCCT cho ăn dặm và 2 ao có chạy quạt với diện tích mỗi ao 1.000 m2. Chỉ sau 4 tháng nuôi, mỗi vụ trừ chi phí ông thu lãi trên 100 triệu đồng.
Ông Năm chia sẻ, cách làm này không tốn nhiều công chăm sóc, ít đầu tư vốn nhưng hiệu quả bền vững và không lo lắng tình trạng ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh như hình thức nuôi tôm công nghiệp…
Ông Phan Văn Tèo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hưng, cho biết: “Mô hình nuôi tôm QCCT đã mang lại thu nhập bền vững cho hội viên nông dân và từng bước vươn lên khá, giàu.
Tuy nhiên, trước áp lực giá tôm thẻ chân trắng cao và vòng nuôi ngắn nên nhiều hộ chưa đủ điều kiện, kỹ thuật phát triển ngay mô hình nuôi tôm công nghiệp. Do đó, diện tích nuôi tôm QCCT sẽ khó đạt trong năm 2014 này”.
Khó khăn và thách thức
Mặc dù không vượt trội như ở huyện Phú Tân nhưng mỗi năm bình quân năng suất tôm QCCT của huyện Cái Nước đạt trên 400 kg/ha. Có được kết quả này là do người dân ý thức hơn trong việc tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nên có khoảng 80% số hộ dân tham gia mô hình nắm bắt được kỹ thuật nuôi. Đặc biệt các hộ tham gia mô hình này trong vùng lúa - tôm hiệu quả cao và ổn định hơn.
Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết: “Với quy trình phơi đầm, thả tôm nuôi cắt vụ trên loại hình chuyên tôm và lúa - tôm nên mô hình này thành công và bền vững trong thời gian qua. Cùng với việc lựa chọn con giống qua kiểm dịch và kích cỡ tôm nuôi lớn nên thu nhập của người dân cũng cao hơn so với các loại hình nuôi khác”.
Với hiệu quả trên, năm 2014 huyện Cái Nước được tỉnh giao thực hiện mô hình nuôi tôm QCCT với diện tích 9.000 ha. Đây là con số khó đạt được do áp lực người dân đẩy mạnh phong trào ủi ao nuôi tôm công nghiệp.
Trong khi đó, các kinh cấp nước chưa đủ đáp ứng cho loại hình nuôi tôm công nghiệp thì mô hình QCCT sẽ càng khó khăn hơn. Vấn đề quản lý môi trường vùng nuôi cũng sẽ gặp khó khăn bởi nước ao nuôi tôm công nghiệp thải ra có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo kế hoạch, Sở NN&PTNT hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho loại hình này 100 lớp cùng với 60 lớp từ đề án nâng cao năng suất chất lượng tôm - lúa của huyện. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân thực hiện mô hình phù hợp với khả năng, trình độ hiện có của mình. Có như vậy mới có khả năng đạt được kế hoạch 9.000 ha nuôi tôm QCCT tỉnh giao.
Để khắc phục vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Giảng cho biết thêm, năm 2014 tỉnh đầu tư 3,9 tỷ đồng và huyện khoảng 1,2 tỷ đồng nạo vét hệ thống kinh thuỷ lợi để đáp ứng nguồn nước cho người dân nuôi tôm. Nơi nào người dân có đủ điều kiện nuôi tôm công nghiệp thì xã, huyện xác nhận mới tiến hành cho làm, với mục đích giảm thiệt hại cho bà con và bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Hoạt động khai thác tôm hùm con, mà chủ yếu là nghề bẫy bắt để phục vụ nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua đã phát triển mạnh tại vùng ven biển Bình Thuận. Việc này đã gây ảnh hưởng đến nguồn lợi tôm hùm trong tự nhiên. Đồng thời việc giăng mắc ngư lưới cụ cố định để bẫy bắt tôm hùm con tràn lan trong các khu vực ven bờ đã cản trở hoạt động đi lại của tàu thuyền cũng như hoạt động tắm biển, vui chơi, giải trí tại các khu du lịch ven biển, gây tranh chấp ngư trường đánh bắt, làm ảnh hưởng an ninh trật tự vùng ven biển.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, hợp đồng bao tiêu sản phẩm sữa tươi giữa Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) với 54 hộ nông dân huyện Đức Trọng lần lượt được triển khai trong thời hạn 3 năm. Đây là hợp đồng mở rộng sau thành công của một liên minh thuộc hợp phần Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012.

Chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam chỉ mới đáp ứng 25% nhu cầu thị trường nhưng người nông dân chăn nuôi bò sữa lại đang có xu hướng chuyển sang những ngành kinh doanh khác do ở những khu vực chăn nuôi bò sữa chủ yếu hiện nay, quỹ đất dành cho chăn nuôi không còn nhiều lại đang có xu hướng đô thị hóa, dẫn đến lợi nhuận thu được từ việc sử dụng đất để trồng cỏ nuôi bò dần dần sẽ không hấp dẫn bằng kinh doanh các ngành nghề khác…

Nông dân ngày nay rất sáng tạo, có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Trong đó có nhiều mô hình nuôi rắn giúp nông dân làm giàu, phát triển kinh tế gia đình.

Tính đến nay, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh Đồng Tháp là 1.943 ha, đạt 89,3% kế hoạch năm. Sản lượng cá tra 386.910 tấn, đạt 110,46% kế hoạch, năng suất trung bình 366 tấn/ha.