Nuôi tôm công nghệ cao thắng lớn
Thắng lớn
Chúng tôi tìm đến xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), nơi có những hộ nông dân nuôi tôm trên cát đang cho thu lãi tiền tỷ mỗi năm.
Giữa tiết trời nóng bức, những chiếc máy sục khí vẫn vận hành đều đặn.
Anh Nguyễn Văn Việt, chủ hộ nuôi tôm ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ cho biết, gia đình anh có 2 ao nuôi tôm rộng hơn 5.000m².
Đầu năm nay, anh thả giống ở cả 2 ao với khoảng 2 triệu con giống.
Lúc đó thời tiết còn dịu mát nên tôm phát triển tốt, sau 2,5 tháng nuôi đã thu hoạch hơn 30 tấn tôm; trừ hết chi phí, anh lãi ròng hơn 1 tỷ đồng.
Bước sang vụ thứ 2, do thời tiết vào mùa nóng nên anh chỉ thả bằng 1/4 lượng giống vụ đầu năm.
Nhờ mật độ thả giống thưa, dù nắng nóng gay gắt nhưng con tôm vẫn phát triển và đem về cho anh 200 triệu đồng lãi.
Những ngày chúng tôi đến thôn Tuần Lễ, vụ tôm thứ 3 của anh Việt đã xuống giống gần một tháng nay.
Anh Việt cho biết, vụ này thời tiết mát hơn vụ 2 nhưng vẫn cẩn thận đề phòng thời tiết diễn biến thất thường, đặc biệt khi mưa xuống, độ mặn và không khí ao nuôi dễ bị tác động.
Cách ao nuôi tôm của anh Việt không xa là ao của gia đình ông Trần Văn Gần, người cùng thôn cũng vừa thu hoạch lứa tôm vụ 2 thắng lợi.
Ông Gần cho biết: “Vụ vừa rồi gia đình thả nuôi 62 vạn giống trên diện tích 3.200m², sau 73 ngày nuôi thu hoạch được 11 tấn.
Do tôm đạt cỡ 55 con/kg nên bán nhanh và được giá cao, lời được 600 triệu đồng.
Đây được xem là vụ thắng lợi nhất từ trước đến nay nên gia đình rất phấn khởi và tự tin đầu tư cho vụ tiếp theo”.
Áp dụng công nghệ hiện đại
Lý do để nghề nuôi tôm trên cát tại xã Vạn Thọ thành công, là nhờ người dân nắm vững được quy trình nuôi một cách khoa học, cũng như áp dụng phương thức nuôi hiện đại.
Ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 45ha nuôi tôm trải bạt.
Do chú trọng đầu tư thâm canh nên những năm qua, các vụ nuôi tôm đều có lãi.
Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, người nuôi trúng đậm, nhiều hộ thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Như hộ ông Lê Quang Toàn có 20 hồ nuôi tôm, vừa rồi mới xuất bán từ 8 hồ nhưng tiền lãi thu về đã hơn 4 tỷ đồng.
Còn những hộ nuôi ít hơn, bình quân cũng lãi 500 triệu - 1,2 tỷ đồng/vụ nuôi”.
Theo người dân Vạn Thọ cho biết, nếu như trước đây người nuôi trực tiếp bơm nước mặn từ biển vào ao nuôi, thì nay các hộ đều khoan thêm giếng trên bờ để khai thác cả nguồn nước mặn và ngọt.
Để có nguồn nước nuôi chính thức, trước tiên họ bơm nước mặn vào các bể chứa, sau đó xử lý kỹ để sạch mầm bệnh, rồi mới bơm nước này vào ao nuôi.
Quy trình được lặp đi lặp lại suốt cả vụ nuôi nên nguồn nước khi nào cũng sạch mầm bệnh.
Sau khi hoàn thành công đoạn nước, hệ thống các ao đều phải trải bạt, có xi phông đáy ao và đầy đủ máy móc cần thiết, kể cả máy sục khí theo công nghệ Mỹ.
Ưu điểm của công nghệ này là tạo oxy rất tốt, xáo trộn các tầng nước và đồng nhất chất lượng nước.
Việc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao rất tốn kém, trung bình với ao nuôi có diện tích 4.000m², người nuôi phải bỏ 600 - 800 triệu đồng, tuy nhiên đổi lại là ít gặp rủi ro và đạt năng suất rất cao.
Có thể bạn quan tâm
Trước yêu cầu khống chế các loại dịch bệnh gây hại trên lúa, đặc biệt là dịch rầy nâu, ngành nông nghiệp đề ra giải pháp gieo sạ đồng loạt, tập trung để né rầy. Điều này kéo theo là thời vụ thu hoạch lúa cũng tập trung, trong khi đó máy gặt đập liên hợp trong vùng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của nông dân
UBND tỉnh Bến Tre vừa có văn bản cho phép các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, người nuôi tôm… trong tỉnh được phép nhập tôm giống và thả nuôi tôm trở lại kể từ ngày 1-6. Như vậy sau hơn 1 tháng tạm ngưng thả giống do tình trạng dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt, nay môi trường nuôi đã ổn định, thời tiết thuận lợi… nên tỉnh cho phép thả nuôi nhằm tăng cường nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trong thời gian tới.
Nhiều nơi ở Mỹ, nông dân đã thực hiện việc tiêu diệt côn trùng gây hại cây trồng bằng các biện pháp tự nhiên, thay vì dùng hóa chất thuốc trừ sâu.
Sản phẩm từ dừa cũng giống như các loại hàng hóa trên thị trường, giá cả của nó tuân theo quy luật cung - cầu. Khi giá dừa đột nhiên xuống thấp, người đầu tiên bị giảm thu nhập, đời sống khó khăn là nông dân trồng dừa.
Đến hẹn lại lên, tháng 6 này, người dân thôn Bách Tính, xã Nam Hồng (Nam Trực, Nam Định) lại háo hức đón chờ Euro đúng vào vụ thu hoạch lúa đang ở cao trào .