Xây Dựng Mô Hình Nuôi Bò Thịt Chất Lượng Cao Tại Ba Tri (Bến Tre)
Bến Tre có tổng đàn bò phát triển khá lớn, trên 155.000 con. Chất lượng đàn bò ngày càng nâng lên, trọng lượng bò đực trên 700kg, tốc độ tăng trọng nhanh từ 650-850 g/ngày, tỷ lệ xẻ thịt cao từ 49%-51%. Công tác thụ tinh nhân tạo được người nuôi ngày càng quan tâm.
Trước đây, phần lớn người nuôi chỉ chú trọng hình thức bên ngoài như màu sắc, xoáy tích khi chọn bò giống nhưng nay đã quan tâm nhiều đến chất lượng con giống.
Để xác định tổ hợp lai từ các giống bò thịt, đẩy mạnh việc ứng dụng các giống bò mới, cần có đề tài so sánh con lai F1 giữa các giống bò Brahman, Red Angus, lai Sind phối với bò cái nền địa phương.
Do vậy, đề tài đã chọn Ba Tri làm mô hình bởi huyện này có tổng đàn bò lớn nhất tỉnh, khoảng 70.000 con. Hơn nữa, trong nhiều năm qua, huyện cũng là điển hình trong phong trào cải tạo đàn bò tốt nhất trong tỉnh.
Hiện đàn bò trong huyện đã được Sind hóa 100%, tạo phong trào nuôi bò thịt khá tốt, tăng thu nhập đáng kể cho người nuôi.
Nhằm xác định công thức phù hợp, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài “So sánh con lai F1 giữa các giống bò Brahman, Red Angus, lai Sind trên nền đàn bò địa phương và xây dựng mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao”.
Theo đó, số bò cái được tuyển chọn tham gia thí nghiệm theo tiêu chuẩn đề tài là 169 con. Sau khi phối giống 3 tháng, tiến hành khám thai và số bò cái có chửa là 95 con, chiếm tỷ lệ bình quân là 57%.
Tuy nhiên, số bê được sinh ra và nuôi sống là 89 con, chiếm 94%. Qua quá trình khảo nghiệm hiệu quả kinh tế, các nhóm bò thịt nuôi, bò đực vỗ béo đã rõ. Doanh thu nuôi bò đến 22 tháng tuổi (cả bò đực 18 tháng tuổi, bò đực nuôi vỗ béo) cho thấy, bò lai Red Angus cho lợi nhuận cao nhất 33,805 triệu đồng so với 2 nhóm bò còn lại Brahman 32,340 triệu đồng và lai Sind 33,256 triệu đồng.
Tuy vậy, hiệu quả kinh tế nuôi bò đực vỗ béo các nhóm bò nuôi thí nghiệm trong 4 tháng thì nhóm bò lai Sind có hiệu quả nhất, 20,666 triệu đồng, kế đến là bò lai Brahman 15 triệu đồng, thấp nhất bò lai Red Angus 13,156 triệu đồng.
Theo đánh giá của dự án, nguyên nhân trước nhất là do bò giống: các giống bò chuyên thịt có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn hơn giống bò địa phương. Nếu trong điều kiện nuôi dưỡng tốt, với nhóm bò chuyên thịt ôn đới thì thời gian nuôi thịt khoảng 15-16 tháng là tốt và thời gian nuôi vỗ béo thêm 3 tháng nữa sẽ có hiệu quả kinh tế cao.
Với các giống bò chuyên thịt nhiệt đới Brahman thì thời gian nuôi thịt khoảng 17-18 tháng và nuôi vỗ béo thêm 3 tháng. Riêng đối với nhóm bò laiSind thì thời gian nuôi thịt là 18 tháng và 3 tháng nuôi vỗ béo. Nguyên nhân thứ hai là sự sinh trưởng tuân theo qui luật sinh trưởng bù trừ.
Quan sát trên đàn bò thịt khi chọn đưa vào giai đoạn nuôi vỗ béo thì bò lai nhóm Red Angus có trọng lượng cao nhất, bình quân 411,9kg, bò lai Brahman 403kg, lai Sind 302kg. Vậy, so với 2 nhóm bò chuyên thịt thì bò lai Sind có điều kiện thuận lợi nhất để sinh trưởng bù.
Trong đó, 2 nhóm giống bò chuyên thịt có trọng lượng xuất phát khi vỗ béo khá cao nên khả năng sinh trưởng sẽ bị hạn chế. Trong 2 tháng cuối của giai đoạn vỗ béo, năng suất sinh trưởng giảm do bò sinh trưởng tích lũy mỡ.
Kết quả thử nghiệm cho thấy: tinh bò Angus với bò cái lai Sind là có hiệu quả kinh tế tốt nhất. Tỷ lệ phối giống đậu thai cao nhất trong nghiên cứu tinh bò Brahman với bò cái lai Sind là 71,43%; tinh bò Red Angus với bò cái lai Sind là 66,67%; tinh bò Angus với bò cái lai Sind địa phương là 54,76%; bò đực lai Sind với bò cái lai Sind địa phương là 33%. Khối lượng bình quân giai đoạn sơ sinh của từng nhóm bò lai lần lượt là 23,46kg, 30,96kg, 31,23kg, 22,49kg.
Giai đoạn 18 tháng tuổi lần lượt là 287kg, 330kg, 384kg, 262kg, tăng trọng bình quân là gram/con/ngày lần lượt là 780kg, 808kg, 921kg, 690kg.
Hiện đề án đang tiếp tục nghiên cứu so sánh với các giống bò chuyên thịt với nhau như Angus, Charolaise, BBB, Limousine. Cần thử nghiệm số lượng lớn tinh bò thịt Angus phân biệt giới tính mới đánh giá đúng hiện quả; nghiên cứu sơ chế, dự trữ thức ăn sẵn có tại địa phương như bắp, đậu phộng.
Có thể bạn quan tâm
Chiều nay, 18/5, Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV do TƯ Hội NDVN tổ chức đã bế mạc tại Hà Nội.
Nhằm đẩy mạnh công cuộc xoá đói giảm nghèo ở địa phương, trong những năm gần đây xã Cư Yên, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao đến bà con nông dân những tiến bộ KHKT mới vào sản xuất nhằm tăng năng xuất, sản lượng.
Trong những năm trở lại đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện CưM’gar - Đắk Lắk đã thuần hóa nuôi dưỡng thành công nhiều loại động vật hoang dã như: cá sấu, nhím, lợn rừng, gà sao, chồn hương và đã đem lại hiệu quả cao.
Những năm qua, việc mở rộng diện tích sản xuất vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được các cấp, các ngành và người dân trồng vải ở Lục Ngạn quan tâm thực hiện.
Triệu Vân từng là xã nghèo của huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Nhưng vài năm lại đây, nông dân Triệu Vân vượt qua đói nghèo, nhiều người giàu lên, với lợi nhuận mỗi năm từ 500 - 700 triệu đồng.