Nuôi ốc hương mùa mưa
Ốc hương là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ven biển, song nhược điểm của chúng rất nhạy cảm với nước ngọt nên rủi ro cao.
Cty CP Khoa học công nghệ thủy sản Khánh Hòa đã có cách nuôi ốc hương ít bị hao hụt trong mùa mưa. Đây là mô hình do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện III) chuyển giao cho Cty CP Khoa học công nghệ thủy sản Khánh Hòa.
Trại sản xuất ốc giống của Cty CP Khoa học công nghệ thủy sản Khánh Hòa
Mô hình phát huy hiệu quả rõ nhất trong thời gian qua khi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa liên tục mưa lớn, làm ngọt hóa nhiều vùng nuôi gây chết thủy sản hàng loạt. Trong khi đó, tại vùng nuôi ốc hương thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh của Cty này lại không hề thiệt hại.
Ông Hoàng Diện, GĐ Cty CP Khoa học công nghệ thủy sản Khánh Hòa cho biết, để nuôi ốc vượt qua mùa mưa trước tiên người nuôi phải nắm bắt được thời tiết trước đó dự báo mưa từ ngày nào để lên kế hoạch phòng chống bằng cách trữ nước cấp trong ao và vệ sinh môi trường xung quanh ao nuôi.
Mục đích trữ nước trong ao cấp nhằm khi trời mưa lớn sẽ bơm nguồn nước này sang ao nuôi liên tục để giữ độ mặn không bị loãng ra. Không nên cho ốc ăn để tránh ốc ngoi lên mặt đất vừa làm mất năng lượng, vừa dẫn đến ốc bị chết do độ mặn thay đổi đột ngột còn 15 phần ngàn. Sau khi mưa kết thúc việc cho ốc ăn thời điểm nào và chú ý tăng giảm lượng oxy trong ao.
Cũng theo ông Diện, không nên cho ốc ăn liền ngay sau khi mưa kết thúc, mà việc trước tiên cần phải làm là thay nước và xả nước với mức độ vừa phải để ốc thích nghi dần với môi trường, sau đó mới tiến hành cho ăn cũng không muộn.
Cty nuôi ốc hương thắng lợi trong mùa mưa
“Với kinh nghiệm này Cty triển khai rất hiệu quả không chỉ ứng phó trong mùa mưa lớn năm nay mà trước đó chúng tôi cũng thực hiện như vậy giúp ốc ít hao hụt. Với diện tích 56ha ao nuôi, mỗi ao từ 3.000 - 4.500m2 chúng tôi bố trí dành 5ha cho ao cấp và 4ha ao chứa thải. Đồng thời thiết kế hệ thống kênh mương cấp và thoát riêng biệt có cống xả lớn rất thuận lợi cho việc lấy và xả nước cho ao nuôi khi cần thiết”, ông Diện nói.
Qua tìm hiểu được biết, đợt mưa lũ kéo dài từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12/2016 vừa qua đã làm nhiều vùng nuôi ốc hương lân cận của Cty và đặc biệt vùng nuôi ở TP Cam Ranh bị thiệt hại nặng nề.
Theo người nuôi, chi phí đầu tư nuôi ốc rất cao, 1ha lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn, độ mặn trong đìa giảm xuống, ốc sẽ chết sạch, người nuôi trắng tay. Hiện người nuôi lâu năm vẫn chưa có cách gì khống chế chỉ còn biết cầu trời cho mưa ít để ốc khỏi chết.
Tuy nhiên theo chứng kiến của chúng tôi khi mùa mưa kết thúc việc Cty còn có ốc thu hoạch là một điều khá bất ngờ. “Vụ nuôi vừa qua chúng tôi thả 20ha, tương đương khoảng 30 ao. Hầu hết tất cả các ao nuôi đều cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt gần 20 tấn/ha, rất phấn khởi”, ông Diện cho biết thêm.
Sau khi thu hoạch Cty dùng áp lực nước để vệ sinh đáy ao, giúp nuôi hiệu quả vào vụ tới
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, với kết quả mô hình KHCN mang lại trong thời gian tới đơn vị sẽ lồng ghép trong các chương trình dự án khuyến nông để nhân rộng mô hình nhằm giúp bà con nuôi ốc hiệu quả, đồng thời sẽ tiến tới triển khai cho các đối tượng nuôi khác như hải sâm, tôm, cá…
Cty CP Khoa học công nghệ thủy sản Khánh Hòa hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất giống và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ kỹ thuật giống ốc hương. Hiện Cty có 76ha ao nuôi trồng thủy sản, trong đó có 20 trại sản xuất giống, mỗi năm cung ứng ra thị trường cho người nuôi khoảng 60 - 70 triệu con và từ 100 - 200 tấn ốc thương phẩm.
Ngoài ra, Cty còn nghiên cứu cho ra máy đa năng phục vụ nuôi trồng và thu hoạch ốc hương. Máy có năng suất làm việc gấp 50 lao động thủ công.
Có thể bạn quan tâm
Viện nghiên cứu nhiệt đới Panama đã mô tả về hai loài basslet mới được phát hiện ở vùng biển Caribbean ngoài khơi bờ biển phía nam của Curacao.
Chính quyền bang Queensland xác định nguồn gốc dẫn đến sự bùng nổ của dịch bệnh đốm trắng ở tôm càng xanh nuôi ở Đông Nam Queensland.
Gần 20 năm qua, ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn, người mệnh danh vua tôm tại Bạc Liêu) đã có đủ mọi thành công cùng con tôm.