Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Lời gan ruột của Vua tôm

Lời gan ruột của Vua tôm
Tác giả: Trần Hiếu
Ngày đăng: 17/01/2017

Gần 20 năm qua, ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn, người mệnh danh vua tôm tại Bạc Liêu) đã có đủ mọi thành công cùng con tôm. 

Trong ảnh: Vua tôm Sáu Ngoãn

Nhưng trước thực trạng khó khăn trong nuôi tôm hiện nay, vua tôm không khỏi băn khoăn cho số phận con tôm trong tương lai.

Đã nghe tiếng ông Sáu Ngoãn từ rất lâu. Vừa qua, chúng tôi có chuyến công tác tại Bạc Liêu để tìm hiểu về con tôm của địa phương mới có dịp trò chuyện cùng ông. Nghe ông giãi bày tâm sự về con tôm bằng cả tấm lòng mà chúng tôi không khỏi khâm phục cái chí, cái tâm của người nông dân có trình độ.

Mở đầu câu chuyện, ông Sáu thẳng thắn nêu thực trạng: Nuôi tôm ngày càng khó thành công. Đặc biệt, trong nuôi tôm thâm canh, nhiều người phải bỏ ao đầm. Thậm chí, nhiều gia đình phải tha hương cầu thực vì con tôm. “Người nông dân hiện nay như cá nằm trên thớt, bị “chặt chém” đủ đường. Họ không chủ động được đầu ra, sản phẩm bị ép giá đã đành. Đầu vào lại quá cao, còn đầy rẫy sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng”, vua tôm than thở.

Trách nhiệm của nhà cung cấp giống

Theo phân tích của vua tôm Sáu Ngoãn, chủ yếu thất bại của người dân là do yếu tố đầu vào. Trong đó, quan trọng nhất là con giống. Môi trường nuôi có ổn định, cơ sở hạ tầng đầy đủ, trình độ kỹ thuật cao đến đâu nhưng con giống mang mầm bệnh, đố ai có thể nuôi thành công được.

Để biết giống sạch bệnh hay không, chỉ duy nhất 1 cách, phải mang mẫu đi xét nghiệm. Chi phí để xét nghiệm rất cao, nhưng người dân sẽ làm. Không người nuôi tôm nào muốn rước giống trôi nổi về để mang thiệt hại vào thân, còn gây ô nhiễm môi trường, hại cả người khác. Vấn đề là, nên chăng đơn vị cung cấp giống phải chia sẻ với bà con

Trong vấn đề con giống, các doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm với người nuôi tôm

Doanh nghiệp và người nông dân hãy cùng đi xét nghiệm, nếu tôm sạch bệnh, ký hợp đồng, tiền xét nghiệm dân trả. Tôm có mầm bệnh, đương nhiên người dân không lấy, tiền xét nghiệm doanh nghiệp tự thanh toán. Công bằng giữa mua và bán.

Nhưng chưa hẳn giống người dân lấy đi xét nghiệm và giống mang về thả đã có chất lượng như nhau. Vậy doanh nghiệp cung cấp giống hãy thể hiện trách nhiệm của mình với nông dân.

“Doanh nghiệp nào cũng nói giống của mình tốt, chất lượng. Vậy tại sao họ không cam kết với người nông dân, chia sẻ rủi ro với bà con bằng cách bán giống phải có bảo hành. Trong thời gian bảo hành, nếu thiệt hại phải hỗ trợ cho người nông dân theo hợp đồng cam kết”, ông Sáu nêu quan điểm.

Nông dân bây giờ trình độ có thừa để đảm bảo điều kiện nuôi tối ưu ban đầu. Không ai thất trách với hàng trăm triệu đồng mà mình bỏ ra cả. Trong khi, tôm giống chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30% đầu tư ban đầu thôi. Ràng buộc như vậy không chỉ giúp các doanh nghiệp chân chính phát triển mà còn loại trừ được những trại giống làm ăn dối trá và giảm được cả gánh nặng quản lý cho ngành chức năng.

Nói về vấn đề đầu vào ông Sáu Ngoãn còn băn khoăn đến chất lượng thuốc thú y thủy sản hiện nay. Theo chia sẻ của vua tôm, các đại lý thuốc ở các xã, các huyện bây giờ rất ít bán các loại sản phẩm mang thương hiệu, có chất lượng. Đa phần họ chạy theo lợi nhuận, được hoa hồng cao sẽ bán. Có những công ty chiết khấu cho các đại lý rất khủng, lên tới 50 – 60%, thậm chí còn bán 1, tặng thêm 1. Từ đó, dễ dàng đánh giá chất lượng các loại thuốc đó ra sao?

Phải xử lý hình sự

Theo cách ví von của lão nông, buôn bán thuốc thú y thủy sản bây giờ chẳng khác nào kinh doanh “heroin” được hợp thức hóa, giết nông dân mà không cần dùng hung khí. Trong khi đó, pháp luật xử vấn đề này cũng chưa đủ nghiêm minh

Theo ông Sáu Ngoãn, thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang tàn phá người dân nuôi tôm (trong ảnh: Một số sản phẩm thuốc thú y thủy sản giả được cơ quan chức năng Cà Mau thu giữ)

Ông Sáu Ngoãn dẫn ví dụ, kẻ trộm tài sản giá trị vài triệu đồng có thể bị xử phạt bỏ tù. Còn các công ty thuốc thú y thủy sản làm hàng giả, hại là tới cả cộng đồng. Đặc biệt, trong nuôi tôm công nghiệp hậu quả rất nặng nề, mất hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, chỉ phạt vài chục triệu như phủi bụi.

Theo vua tôm Bạc Liêu, phạt như vậy không công bằng, cũng không khắc phục được tệ nạn hàng giả, kém chất lượng. “Hình phạt phải thích đáng hơn. Không chỉ phải bồi thường cho người bị thiệt hại mà còn phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Thiên tai nặng nề cỡ nào cũng khắc phục được, còn nhân tai làm hại người nông dân hiện đang hoành hành, vẫn chưa giải quyết được. Cần phải mạnh tay mới mong giảm bớt”, ông Sáu Ngoãn nói.

Đứng ở góc độ người nông dân, vua tôm Sáu Ngoãn nhìn nhận: Người nuôi tôm hiện nay phải trông chờ đầu tư các công ty hoặc đại lý. 

Chính vì vậy, có dùng phải thuốc giả, họ cũng chẳng dám tố cáo. “Nói ra đau lòng lắm! Nếu bà con mình mà vùng lên vì quyền lợi cộng đồng, đưa ra pháp luật, vụ mùa sau chỉ lên kêu ông trời đầu tư thôi. Vì miếng cơm manh áo, họ kêu nín là phải nín, kêu câm là phải câm. Chỉ mong cơ quan có thẩm quyền vào cuộc quyết liệt, có hình thức xử lý thích đáng mới mong nông dân ngóc đầu lên nổi”, ông Sáu Ngoãn xót xa nêu thực trạng.


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu từ nuôi tôm thẻ chân trắng Làm giàu từ nuôi tôm thẻ chân trắng

Với tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu, anh Nguyễn Hữu Phước đã đưa HTX trở thành đầu tàu trong lĩnh vực nuôi tôm thẻ chân trắng

17/01/2017
Phát hiện hai loài cá Basslet mới tại vùng biển Caribbean Phát hiện hai loài cá Basslet mới tại vùng biển Caribbean

Viện nghiên cứu nhiệt đới Panama đã mô tả về hai loài basslet mới được phát hiện ở vùng biển Caribbean ngoài khơi bờ biển phía nam của Curacao.

17/01/2017
Australia tìm nguyên nhân gây dịch bệnh đốm trắng ở tôm Australia tìm nguyên nhân gây dịch bệnh đốm trắng ở tôm

Chính quyền bang Queensland xác định nguồn gốc dẫn đến sự bùng nổ của dịch bệnh đốm trắng ở tôm càng xanh nuôi ở Đông Nam Queensland.

17/01/2017