Nuôi Nai Dễ Làm, Lãi Lớn
Hơn 10 năm nay, nhiều hộ nông dân tại xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hoàng (thôn Vinh Đức) với mô hình nuôi nai đạt hiệu quả cao.
Ông Hoàng cho biết: Lúc đầu gia đình ông chỉ làm cà phê, đến năm 2003 giá cà phê xuống thấp, thu không đủ chi. Thấy làm rẫy không mang lại hiệu quả, ông rất lo lắng và suy nghĩ tìm hướng làm ăn mới. Qua tìm hiểu sách báo và anh em bạn bè, ông thấy nuôi nai vừa dễ làm lại cho thu nhập cao, ông liền về bàn bạc với vợ và quyết định chuyển sang chăn nuôi nai.
Năm 2006, gia đình ông bắt tay vào nuôi nai, với số vốn chưa đến 20 triệu đồng, ông đầu tư làm chuồng trại và mua 1 con nai đực của một hộ trong xã, sau 5 tháng nai đã cho cắt nhung, bán được 32,4 triệu đồng. Thấy nuôi nai có hiệu quả, từ đó ông vừa nuôi vừa tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và duy trì nghề nuôi nai.
Theo ông Hoàng, nuôi nai không khó, thức ăn cho nai rất đa dạng, ngoài các loại cỏ, lá cây còn có thể tận dụng các phế phụ phẩm trong gia đình; hơn nữa, nai là loài vật ít bị bệnh nên tỷ lệ sống cao. Hàng ngày ông thường cắt cỏ, lá cây, thu lượm bơ rụng và nhiều phụ phẩm khác trong gia đình để cho nai ăn. Nhưng đến giai đoạn sắp lấy nhung thì phải bổ sung thêm 1 lượng thức ăn giàu dinh dưỡng như bột ngô, bột đậu tương và các loại vitamin hỗn hợp.
Để có thêm thu nhập và nhân rộng đàn, ông đã mua thêm 1 con nai mẹ, sau 9 tháng nai mẹ đã đẻ được 1 nai con. Theo tính toán của ông thì mỗi năm một con nai đực có thể cho 7,2kg nhung, bán được 64,8 triệu đồng. Nai cái đẻ con, nai con 5 tháng tuổi có thể bán. Như vậy, sau 1 năm nuôi không những ông đã thu hồi được số vốn ban đầu mà còn lãi hàng chục triệu đồng.
Ông Hoàng cho biết, chi phí cho 1 con nai từ khi mới đẻ đến khi cắt nhung chỉ mất 1,2 triệu/con/đợt lấy nhung. Nai nuôi 2 năm tuổi thì có thể lấy nhung nếu chăm sóc tốt thì 1 năm cắt nhung 2 lần. Nai cái mỗi năm đẻ 1 lứa, sau 6 năm nuôi, đến nay gia đình ông có 1 con nai đực giống và 5 con nai mẹ.
Tính bình quân mỗi năm gia đình ông đã cắt nhung 2 lần, mỗi lần cắt 1 cặp được 3,6kg. Tổng 2 lần cắt là 7,2kg, với giá bán 9 triệu đồng/kg ông đã thu được 64,8 triệu đồng. Nai cái mỗi năm đẻ 1 lứa, sau 5 tháng nuôi gia đình bán được 52.000.000 đồng/con. Trừ chi phí 21,8 triệu đồng, mỗi năm gia đình anh Hoàng đã thu được từ 90 - 95 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, ông còn tận dụng phân nai, sau khi ủ hoai mục dùng để bón cho 3 ha cà phê, nhờ đó mà đã giảm đáng kể lượng phân hóa học, chi phí đầu tư đã giảm khoảng 10 triệu đồng. Cà phê được bón nhiều phân hữu cơ nên năng suất cao mà lại ít sâu bệnh hại. Với giá bán tại thời điểm hiện nay là 40.000 đồng/kg cà phê, từ 3 ha cà phê mỗi năm ông đã có thu 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 75 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi nai của gia đình ông Nguyễn Minh Hoàng thực sự đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây thực sự là mô hình điểm để cho mọi người có thể tham quan và học hỏi kinh nghiệm.
Được biết dự kiến sắp tới ông Hoàng sẽ mở rộng thêm diện tích chuồng trại và nuôi thêm nai sinh sản để nhân rộng đàn nai, từ đó có thể cung cấp nguồn giống đảm bảo và chất lượng cho bà con trong vùng.
Bà con có nhu cầu tham quan học tập kinh nghiệm hoặc mua giống nai, xin liên hệ ông Nguyễn Minh Hoàng, thôn Vinh Đức, xã Đức Minh, số điện thoại: 01679401814
Có thể bạn quan tâm
Năng động và nhạy bén, bước đầu họ đã thu được những thành công trên con đường làm giàu chính đáng. Thành công của họ không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân mà còn mở ra các hướng làm ăn, tạo việc làm cho thanh niên ở khu vực nông thôn Kiên Giang.
Chỉ với diện tích 1 sào mặt nước, anh Lê Thanh Tịnh ở thôn Hoà Diêm, xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh đã đầu tư sản xuất mang lại thu nhập trên 230 triệu đồng/vụ. Cách làm của anh mới, dễ áp dụng và gần gũi với bà con ngư dân, đó là nuôi ốc hương thương phẩm trong ao đất.
Ngày 15-6, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nguyên nhân cá dìa, kình nuôi xen ghép trên phá Tam Giang bị chết là do năm 2012 thời tiết không xảy ra mưa lũ nên các ao, hồ trước khi thả nuôi con giống không được rửa sạch; nắng nóng kèm theo mưa giông những ngày qua là điều kiện thuận lợi cho các loại ký sinh trùng gây hại sinh sôi. Ngoài ra, các hộ nuôi thả cá với mật độ quá dày 15-20 con/m², trong khi quy định cá dìa, kình thả 2 con/m² khiến cá chậm lớn, bị ngạt và sinh ra dịch bệnh.
Thông tin từ các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sau một thời gian dài thịt heo hơi giảm giá mạnh xuống còn 33 – 34 ngàn đồng/kg, khoảng 10 ngày trở lại đây, giá heo trên địa bàn tỉnh đã tăng trở lại, lên mức từ 37 – 40 ngàn đồng/kg, tăng từ 3 – 5 ngàn đồng/kg.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất (Đồng Nai), hiện toàn huyện có khoảng 700 ngàn con gà, giảm gần 500 ngàn con so với cùng kỳ năm ngoái. Số gà này được nuôi chủ yếu theo hình thức trang trại gia công cho các công ty.