Cây độc, con lạ cá hường vện
Ông Tư Lềnh khoe con cá hường vện quý hiếm được nuôi trên sông Vàm Cỏ Đông
Một tay chơi cá cảnh tại Tây Ninh nói:
“Nhiều người săn lùng cá hường vện vì loài cá này đẹp và hiếm vô cùng do có nguy cơ tuyệt chủng.
Giá có khi lên đến cả ngàn USD, hiện chỉ còn rất ít hộ nuôi theo dọc dòng sông Vàm Cỏ Đông”.
Theo hướng dẫn của người này, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Lềnh (ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, H.Châu Thành, Tây Ninh).
Trong căn chòi lá tạm bợ nằm sát mép sông Vàm Cỏ Đông, ông Lềnh kể: “Vào khoảng năm 1998, người ta bắt đầu phát hiện cá hường vện xuất hiện dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông, kéo dài từ xã Phước Vinh, H.Châu Thành sang các H.Gò Dầu, Bến Cầu, đến tận Long An.
Ghe tàu đi đánh bắt dày đặc.
Khoảng năm 2005 thì không còn tìm thấy loài cá này nữa”.
Đến năm 2010, nghe có tin phát hiện cá hường vện bên phía Campuchia, ông Lềnh lặn lội qua tận nước bạn tìm mua được một số con giống rồi mang về Việt Nam nuôi.
Nhưng đến nay dù làm đủ mọi cách, loài cá này vẫn không thể sinh sản được.
Hôm chúng tôi đến, cầm con cá hường vện cỡ 2 ngón tay, ông Lềnh giải thích: “Cá hường vện “xịn” thì sọc phải chuẩn, không lem, đuôi hình chữ V, ôm hầu.
Những con cá như vậy dù giá có cao “trên trời” cũng không đủ bán cho dân mua”.
Ngoài ông Lềnh, ở Tây Ninh còn có hộ ông Nguyễn Văn Mạnh (xã Phước Trạch, H.Gò Dầu) hiện cũng nuôi khoảng 100 con cá hường vện, giống đưa về từ Campuchia.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tây Ninh, cho biết ghi nhận của ngành thủy sản đến nay loài cá hường vện vẫn chưa có người nuôi nào cho sinh sản thành công, trong khi ngoài môi trường sông rạch gần như tuyệt chủng.
Từ đó, loài cá này có giá trị rất cao và còn rất ít người nuôi do nước sông không ổn định, thường xuyên ô nhiễm.
“Trước đây, loài cá này xuất hiện nhiều nhưng do bị đánh bắt tràn lan, không kiểm soát; đồng thời nước sông bị ô nhiễm nên không còn tìm thấy trên sông tại Tây Ninh”, ông Khải nói.
Khi được hỏi về giá trị, ông Khải xác định có thông tin loài cá này giá từ vài triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/con.
Trước nguy cơ tuyệt chủng, cá hường vện được đưa vào Sách đỏ Việt Nam từ năm 1992 để được bảo vệ.
“Trước đây Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã cử cán bộ xuống tìm hiểu mua giống cá này về nghiên cứu nhưng do không thỏa thuận được giá cả nên hiện vẫn chưa nghiên cứu, lai tạo được”, ông Khải nói thêm.
Theo danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển (Ban hành kèm theo Quyết định 82 ngày 17.7.2008 của Bộ NN-PTNT), hường vện cũng là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, cần được bảo vệ.
Có thể bạn quan tâm
Không chỉ được bán ở những nhà hàng, quán ăn đặc sản vùng miền, rau rừng còn được bán kèm với bánh xèo, thịt bò và bắt đầu chen chân vào siêu thị.
Đến thời điểm này, hồ chứa nước Thới Lới ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã xuống đến mực nước “chết”. Còn các giếng nước trên huyện đảo này hầu như bị nhiễm mặn khiến 130 ha hoa màu có khả năng bị hạn…
Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều gia đình ở xã Thụy Liên (Thái Thụy - Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình nuôi cá lóc bông cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình nuôi cá lóc bông của gia đình anh Bùi Sỹ Trạng, thôn Cam Ðoài đang cho thu nhập rất ổn định, bình quân thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười nhìn thấy một biểu giá đi lên của loại thịt đại gia súc này: “Năm 1980, giá thịt bò chỉ bằng nửa giá thịt heo. Năm 1990, giá thịt bò bằng thịt heo. Năm 2000 giá đã gấp đôi, và đến năm 2010 thì đã gấp 4 lần!”.
Mấy năm trước, trong chuyến đi Quảng Trạch (Quảng Bình) nghe giới thiệu giống lúa mới, anh Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình (TCTNNQB) cho biết cùng với giống lúa, công ty đang tìm kiếm giống lạc mới nhằm thay thế giống lạc cũ năng suất quá thấp… Bước đầu công ty đã lai tạo được giống SVL1 bắt đầu trồng thử nghiệm...