Nuôi Lươn - Vốn Ít, Lời Khá
Hơn 3 năm nay, mô hình nuôi lươn được nhiều gia đình người dân tộc Khmer ở xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) thực hiện, bởi mô hình ít tốn chi phí đầu tư và giúp bà con tăng thêm thu nhập.
Anh Danh Sóc là một trong những người tiên phong trong phong trào nuôi lươn ở ấp 4, xã Xà Phiên. Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh gặp lúc anh vừa đi lấy trúm lươn về. Với hơn 100 ống trúm được đặt từ đêm hôm trước, anh đã bắt được trên 2 kg lươn. Anh Danh Sóc cẩn thận phân loại lươn theo trọng lượng. Những con lươn lớn anh đưa cho vợ đem ra chợ bán, còn những con lươn nhỏ thì anh thả vào hồ nuôi.
Chính từ ao nuôi lươn này, đã giúp cho gia đình anh không còn phải lo cái ăn, cái mặc khi mùa nước nổi tràn về. Anh Danh Sóc cho biết: “Gia đình tôi không có đất sản xuất, chủ yếu là đi làm mướn. Đến khi vụ lúa Thu đông kết thúc thì đi mò cua, bắt ốc, đặt trúm lươn sống qua ngày. Khi đi đặt trúm bắt được lươn nhỏ, nếu đem bán cũng không được bao nhiêu tiền, nên tôi giữ lại hết.
Thường mỗi mùa nước nổi, tôi bắt được khoảng 30 kg lươn giống. Hàng ngày, tôi bắt ốc bươu vàng về, phần đầu ốc thì đem ra chợ bán để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, còn phần đuôi ốc thì làm thức ăn cho lươn, đến khoảng 3 - 4 tháng sau thì lươn có thể thu hoạch. Tùy theo trọng lượng mà lươn có giá bán từ 50.000 - 100.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí thì gia đình tôi có lãi từ 3 - 4 triệu đồng. Nuôi lươn như một cách làm xoay vòng, để qua mùa nước nổi thì gia đình tôi đã có một số tiền kha khá để sống đến vụ lúa Đông xuân rồi”.
Có hoàn cảnh tương tự như gia đình anh Sóc, gia đình ông Danh Gương, ở ấp 4, xã Xà Phiên cũng là hộ nghèo, không đất sản xuất và từ mấy năm nay mô hình nuôi lươn đã mở ra một hướng phát triển mới cho gia đình ông trong mùa nước nổi. Ông Danh Gương chân thành cho biết: “Lúc trước, mỗi khi nước lũ về thì tôi ra thị trấn Long Mỹ xin làm phụ hồ, đợi khi tới vụ lúa thì về làm thuê. Từ khi thấy những hộ xung quanh thực hiện mô hình nuôi lươn có hiệu quả, tôi đã đi học hỏi rồi về làm. Dù mới nuôi hai vụ, nhưng lần nào cũng có lãi. Tôi thấy mô hình này không khó thực hiện vì con giống thì mình đi đặt trúm mà có, còn thức ăn thì tận dụng nguồn ốc bươu vàng. Chủ yếu là mình ra sức để lấy công làm lời thôi”. Từ đầu mùa nước lũ đến nay, ông Danh Gương đã đặt trúm được 60 kg lươn giống. Nhìn ao lươn phát triển khỏe mạnh như hứa hẹn một vụ nuôi hiệu quả nữa lại đến với gia đình ông.
Lâu nay, Xà Phiên vẫn được biết đến là xã tập trung nhiều đồng bào người dân tộc, chiếm 1/3 tổng dân số toàn xã với trên 6.000 người. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%. Những đối tượng này thường không có đất sản xuất, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê. Thế nên, khi kết thúc vụ lúa Thu đông thì một lượng lớn lao động thiếu việc làm. Tuy mô hình nuôi lươn mùa nước nổi là phong trào tự phát trong dân, nhưng từ đó đã tạo công ăn, việc làm và tăng thêm thu nhập cho bà con.
Ông Võ Minh Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Xà Phiên, cho biết: “Hiện nay, toàn xã Xà Phiên có hơn 40 hộ gia đình người dân tộc thực hiện nuôi lươn. Mô hình này bà con không tốn nhiều chi phí thực hiện, mà chủ yếu là dựa vào sự siêng năng. Tuy nguồn thu nhập không phải là lớn, nhưng đã giúp cho bà con vượt qua những khó khăn hiện tại. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi lươn và khuyến khích bà con thực hiện. Hy vọng rằng, qua mô hình nuôi lươn mùa nước nổi, bà con người dân tộc sẽ có thêm cơ hội để vươn lên trong cuộc sống”.
Có thể bạn quan tâm
Dự án giao đất giao rừng cho người dân chăm sóc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn của lâm trường Lắk – huyện Lắk – Tỉnh Đắk Lắk đã tạo việc làm cho không ít hộ gia đình trên địa bàn huyện Lắk.
Nhờ tính cần cù, chịu khó và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nông dân Lê Văn Nhang (66 tuổi), thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Làm giàu không dễ nhưng cũng không khó với những người có ý chí và nghị lực như anh Nguyễn Thanh Sơn ở thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
Với nhiều người dân thôn Nhuận Trạch (xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội) thì cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thung là tấm gương vượt khó để làm giàu trên vùng chiêm trũng quê hương.
Xã Mãn Đức huyện Tân Lạc(Hòa Bình )có tổng diện tích tự nhiên gần 1.700ha.