Nuôi Kết Hợp Cua Xanh Và Tôm Mang Lại Hiệu Quả

Việc nuôi cua xanh kết hợp tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh đang mang lại hiệu quả cao tại xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).
Trái ngược với cảnh đìu hiu 4 - 5 năm về trước, hiện nay, vùng đìa rộng lớn ở các thôn Văn Tứ Đông, Văn Tứ Tây (xã Cam Hòa) đã nhộn nhịp.
Hỏi ra mới biết, 3 năm trở lại đây, nhờ nuôi kết hợp cua xanh với tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh mà người nuôi có lãi khá. Điều này đã giúp nhiều hộ quay lại gắn bó với nghề nuôi thủy sản.
Theo ông Trần Thanh Trung - người nuôi thủy sản, vùng đìa Văn Tứ là vùng chuyên nuôi tôm nên nguồn nước, chất đất cũng phù hợp với tập tính sinh sống của cua, giúp cua phát triển tốt.
Để nuôi cua xanh kết hợp với tôm, ông Trung thả cua trước khoảng 35 đến 40 ngày, sau đó mới thả tôm sú. Thời gian nuôi từ 4 đến 5 tháng, khi cua đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg là có thể thu hoạch cua rải rác, còn tôm thu hoạch sau.
Cách nuôi cua kết hợp với tôm sú của ông Trung tuy nhỏ lẻ nhưng lại cho hiệu quả cao. “Tuy nuôi cua kết hợp với tôm sú theo hình thức quảng canh lãi không nhiều như nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp, nhưng hiệu quả và an toàn hơn.
Bên cạnh đó, nuôi cua cùng với tôm sẽ cải thiện đáng kể môi trường ao nuôi, giúp hạn chế tình hình dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư... 2 vụ nuôi vừa qua, mỗi vụ, gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng nhờ cách nuôi kết hợp này” - ông Trung chia sẻ.
Bà Phan Thị Tuyết Xuân là một trong những hộ tiên phong nuôi kết hợp cua xanh và tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh. Bà Xuân cho biết: “Việc nuôi quảng canh kết hợp 2 đối tượng nuôi này có vốn đầu tư ít.
Cua có thể ăn thức ăn thừa trong ao nên giúp cải tạo môi trường đáy ao, ít đầu tư về thời gian và công chăm sóc, không sử dụng thuốc nhiều như nuôi tôm chuyên canh. Trong khi đó, tôm và cua cũng ít dịch bệnh nên người nuôi có lãi cao”.
Được biết, vụ nuôi năm 2013, gia đình bà Xuân đầu tư chưa đến 100 triệu đồng để thả nuôi 3.000 con cua xanh kết hợp với 18 vạn con tôm thẻ chân trắng. Sau gần 5 tháng nuôi, tôm thẻ chân trắng cho lãi 270 triệu đồng, cua xanh lãi hơn 60 triệu đồng. Vụ nuôi này, bà tiếp tục thả 4.000 con cua xanh, 15 vạn tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, đã gần 3 tháng nuôi, cua và tôm đều phát triển tốt.
Theo các hộ nuôi trồng thủy sản tại vùng đìa Cửu Lợi, trước đây, vùng đìa này là vùng chuyên canh tôm. Tuy nhiên, không ít hộ đầu tư nuôi tôm theo hình thức công nghiệp đã bị trắng tay, vì tôm thường xuyên bị dịch bệnh.
3 năm nay, hầu hết các hộ chuyển sang nuôi kết hợp cua xanh với tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh. Thời gian đầu, giống cua được người dân thu gom trong tự nhiên, gặp cua gì nuôi cua nấy.
Vì vậy, sản lượng cua thành phẩm không đồng đều. Những vụ sau, người nuôi mua cua giống từ các trại sản xuất giống nên kích cỡ cua đồng đều, sạch bệnh, sức đề kháng cao, tốc độ tăng trưởng nhanh...
Ông Trần Vy Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hòa cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 20ha đìa nuôi kết hợp cua xanh và tôm theo hình thức quảng canh.
Thành công của việc nuôi tôm, cua kết hợp đã mở ra một hướng đi mới. Các chủ đìa hiện đang quay lại với nghề nuôi trồng thủy sản. Sắp tới, còn 100ha ở vùng đìa Văn Tứ, người dân cũng sẽ đầu tư chủ yếu nuôi kết hợp cua xanh và tôm; một số ít nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh”.
Có thể bạn quan tâm

Theo Thông báo của UBND tỉnh Bình Thuận từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/7, tỉnh sẽ cấm hoạt động khai thác, thu mua vận chuyển, chế biến và kinh doanh các loài hải đặc sản gồm: Sò lông, Điệp, Dòm nâu, Bàn mai, Nghêu lụa trên toàn vùng biển Bình Thuận để bảo vệ và khôi phục nguồn lợi nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao đang ngày càng bị cạn kiệt.

Trong lúc chăn nuôi lợn, gà gặp rất nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh cùng với giá bán xuống thấp... thì chăn nuôi bò sữa vẫn mang lại thu nhập khá ổn định cho người nông dân. Đây đang là hướng phát triển chủ lực của nhiều địa phương.

Sáng ngày 09/5/2014, tại ấp Tân Lập, xã Tân An. Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu (An Giang) tổ chức Hội thảo mô hình trình diễn giống vịt siêu thịt Super M2, có trên 50 bà con nông dân đến từ các xã trên địa bàn thị xã Tân Châu tham dự.

Không còn giữ lối chăn nuôi theo tập quán lạc hậu, tự cung tự cấp như những năm trước, giờ đây, phần lớn nông dân ở xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã đổi mới tư duy, chú trọng phát triển chăn nuôi theo mô hình tập trung, đầu tư con giống chất lượng, chuồng trại bài bản.

Còn tại phường 12, theo thống kê sơ bộ đã có 3 sào nhà kính đang trồng hoa bị gió lốc đánh sập, hơn 6ha hoa các loại của khoảng 60 hộ dân dọc theo hai bên suối bị nhấn chìm trong nước, làm thất thu nặng. Theo UBND phường 12, ước thiệt hại ban đầu phải trên 1 tỷ đồng.