Nuôi Heo Thời @
Người nuôi heo thời nay không còn trông chờ vào “lộc bà” (cách gọi quen thuộc của một số người nuôi heo ở vùng nông thôn khi bán heo được giá) nữa. Không chỉ nắm chắc kiến thức trong chăn nuôi, người nuôi còn thành thạo việc tiêm ngừa phòng dịch bệnh cho đàn heo, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.
“Bác sĩ thú y" mát tay
Mới thoáng nhìn qua cứ ngỡ đây là một ngôi nhà vừa xây dựng xong, được cài cửa hẳn hoi. Nhưng bước chân vào khu vực chăn nuôi heo của gia đình chị Trương Thị Thu Nhi, ở thôn Cù Và, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), chúng tôi không khỏi xuýt xoa trước sự sạch sẽ của chuồng trại. Càng bất ngờ hơn khi chị Nhi cho hay, mô hình chăn nuôi heo này đã thực hiện được 3 năm rồi.
Khách đến thăm được thay những đôi dép riêng để sẵn trước cửa. Chuồng nuôi heo được xây dựng trên phần đất cao, cách nhà ở hơn chục mét. Lý giải điều này, chị Nhi cho biết, việc chăn nuôi cần phải đảm bảo môi trường vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Chuồng nuôi heo hướng về phía đông, buổi sáng có ánh nắng mặt trời rọi vào và tránh những cơn nắng gắt vào buổi chiều.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng nữa góp phần rất lớn vào hiệu quả chăn nuôi đó là công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc. Ý thức được điều này, trước khi đầu tư chăn nuôi, chị Nhi đã tham gia khóa học 3 tháng về Phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm.
Không ngại vất vả, chị Nhi đảm nhận vai trò của một “bác sĩ thú y” trong gia đình thực hiện tất cả các quy trình khép kín của việc chăn nuôi như phun thuốc khử trùng, chủ động tìm hiểu biểu hiện của các loại dịch bệnh và cách phòng tránh, trực tiếp tiêm ngừa cho đàn heo...
Có lần, một con heo trong chuồng nổi dấu vuông trên da. Ngay lập tức chị đi tìm hiểu từ các trại nuôi heo khác, cộng với kiến thức đã học, chị Nhi xác định đó là bệnh đóng dấu lợn. Lặn lội khắp nơi để tìm mua đúng thuốc trị bệnh, lần đấy chị Nhi không chỉ chữa dứt bệnh cho heo mà còn tránh lây lan trong chuồng.
Ngoài ra, chị Nhi đều tiêm phòng những loại vắc xin tốt nhất cho đàn heo của mình. “Nhiều người cứ nghĩ một liều vắc xin tính cả triệu đồng là đắt tiền, nhưng thật ra pha theo đúng liều lượng có thể tiêm cho cả chục con heo nái, heo thịt. Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh mà”, chị Nhi chia sẻ.
Mở rộng mô hình chăn nuôi
“Khu nuôi heo được chia làm 3 trại. Thợ đang xây dựng thêm một khu trại nữa, tôi để dành được 10 con heo giống rồi”, chị Nhi giới thiệu.
Nhờ “mát tay” nên đàn heo của chị Nhi lúc nào cũng mạnh khỏe. Dù giá heo các nơi có sụt giảm thay đổi thì các thương lái luôn ưu ái giá tốt nhất cho heo thịt của gia đình chị. Tháng nào, chị Nhi cũng xuất bán khoảng 2 tấn heo thịt, trừ các chi phí còn lãi 30 triệu đồng.
Hiện trong chuồng trại nhà chị Nhi đang nuôi 80 con heo béo tốt. “Chất thải từ chăn nuôi heo được chuyển xuống hầm biogas xây dựng kiên cố bên cạnh chuồng trại. Từ hầm biogas này, cả xóm cùng dùng làm chất đốt mà không hết năng lượng đấy”, chị Nhi cười giòn giã kể.
“Nhờ sự động viên của người thân và được tiếp cận với dự án hỗ trợ con giống của Nhà nước, vốn vay giải quyết việc làm, tôi mới dám làm đấy chứ. Mình không sợ khổ, ngại khó mà vấn đề cơ bản là phải tìm hiểu cách thức nuôi heo, kinh doanh như thế cho hiệu quả thì mới bắt tay vào làm”, chị Nhi cho biết.
Khi đã gặt hái được thành quả lao động, chị Nhi cùng những phụ nữ khác góp vốn cho các chị em phụ nữ khó khăn trong địa phương vay, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng nỗ lực thoát nghèo. Bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tịnh Giang cho biết, không chỉ siêng năng làm ăn, chị Nhi còn rất năng nổ trong các hoạt động Hội, nhiệt tình giúp đỡ các hội viên khác cùng nỗ lực sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Từng mang lại đời sống sung túc cho hàng trăm ngàn hộ công nhân và vùng trồng cao su, bỗng chốc cây trồng chủ lực này của Tây Nguyên và nhiều tỉnh trong cả nước lại bị chủ nhân quay lưng, thậm chí nhiều nơi đốn hạ không thương tiếc. Tất cả chỉ vì một lý do: Giá.
Tờ Nikkei Asian Review cho biết, tập đoàn Kitoku Shinryo của Nhật Bản sẽ đầu tư 3,36 triệu USD để phát triển giống lúa chất lượng cao tại Việt Nam.
Từ ngày 14 - 16/10/2015, hơn 100 nhà hoạch định chính sách và chuyên gia về lúa gạo đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tham dự Diễn đàn Tương lai lúa gạo khu vực Đông Nam Á 2015 tổ chức tại Việt Nam.
Các vụ lúa gần đây, ngành nông nghiệp sản xuất thành công một số giống lúa chống chịu sâu bệnh, kháng rầy lưng trắng. Tuy nhiên, việc áp dụng vào sản xuất vẫn còn hạn chế.
Những ngày này, nhiều hộ dân ở các xã ven sông của huyện Duy Xuyên đang khẩn trương thu hoạch vụ tôm cuối cùng trong năm 2015 nhằm tránh thất thoát do mưa lũ gây ra. Hiệu quả kinh tế của vụ nuôi này không cao do sản lượng sụt giảm cùng giá bán thấp hơn các vụ trước.