Nuôi Hàu Thương Phẩm Lợi Nhuận Cao
Huyện Duyên Hải có bờ biển dài hơn 55 km, cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt rất thuận lợi để nuôi trồng nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao.
Anh Nguyễn Văn Thiệu, khóm 5, Thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đã mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi Hàu thương phẩm bằng bè trên sông, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngồi vỏ lãi chừng 15 phút mới đến được bè nuôi Hàu của anh Nguyễn Văn Thiệu ở gần vàm Phước Thiện. Khi đặt chân lên bè cảm giác oi bức của cái nắng gay gắt những ngày cuối tháng Tư đã nhanh chóng được xua tan, thay vào đó là cảm giác bồng bềnh giữa sông nước, được tận mắt nhìn những con Hàu vừa được kéo lên khỏi mặt nước.
Với tính cần cù, chịu khó lại thích học hỏi cái mới, anh Nguyễn Văn Thiệu, Khóm 5, Thị trấn Long Thành, là người đầu tiên của huyện Duyên Hải dám bỏ ra 150 triệu đồng đóng bè, mua giá thể để nuôi Hàu thương phẩm trên sông, từ nguồn con giống có trong tự nhiên.
Anh Nguyên Văn Thiệu chia sẻ, cơ duyên đưa anh đến với con Hàu cũng rất tình cờ: “Ra ngoài chỗ ông anh nuôi sò chung đó, ảnh có chiếc ghe ảnh neo giữ sò, mới thấy ảnh rũ đục ăn, thấy nó đeo giáp hết. Thấy vậy mình về mình làm bè mình thả thấy có hiệu quả, mình về mình làm”.
Bè nuôi Hàu của anh Thiệu có diện tích 270 m2, dài 45 mét, rộng 6 mét, khung sắt được lắp đặt và cố định trên 100 chiếc phi nhựa; giá thể là những tấm tol phibrô xi măng để cho ấu trùng Hàu bám vào, sinh trưởng và phát triển.
Sau thời gian chuẩn bị bè, giá thể và chọn vị trí neo bè trên sông, ngày 08/3/2013, anh Nguyễn Văn Thiệu tiến hành đưa 1.200 giá thể, được cắt ra từ 600 tấm tol phibrô xi măng xuống bè, mỗi tấm giá thể hai đầu có dây để treo vào khung sắt. Hơn 1 năm quản lý, chăm sóc, đến giữa tháng 4 vừa qua, anh Thiệu đã thu hoạch 80 tấm gía thể lứa đầu, thu về gần 40 triệu đồng.
Nếu thu hoạch hết thì lợi nhuận sẽ lên đến vài trăm triệu đồng. Anh Nguyễn văn Thiệu phấn khởi cho biết: “Tính trung bình 1 tấm tol nguyên vậy từ 60 đến 70 ký một tấm. Ví dụ mình đục hao bể cũng còn cỡ 50 ký. Giá nó 14.000 đồng ký, năm chục nó cũng bảy trăm ngàn một tấm tol. Tol mới mỗi tấm giá chỉ có bảy chục ngàn”.
Anh Thiệu cho biết thêm, thời gian đưa giá thể xuống bè nuôi thích hợp nhất là từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng Ba. Vì đây là thời điểm ấu trùng Hàu trong môi trường tự nhiên nhiều nhất trong năm. Khi mưa xuống thì lượng ấu trùng Hàu trong môi trường tự nhiên là rất ít.
Trong nuôi Hàu, việc chọn vị trí nuôi là rất quan trọng. Bè nuôi Hàu nên neo ở vùng cửa sông, ít sóng gió, có độ mặn từ 20 đến 30%o, pH từ 7,5 đến 8,5. Nguồn nước sạch, có dòng chảy nhẹ, có nhiều sinh vật phù du. Cần tránh nuôi Hàu ở khu vực có nhánh sông đổ ra trực tiếp. Bè nuôi phải đảm bảo ngập nước cho Hàu khi nước ròng.
Theo tính toán của anh Thiệu, thì đầu tư nuôi Hàu một đồng vốn sẽ thu được 4 đến 5 đồng lời. Qua hơn 1 năm đầu tư nuôi Hàu, nhận thấy được hiệu quả kinh tế từ nuôi Hàu, anh Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục đầu tư hơn 40 triệu đồng, làm mới 1 bè và hơn 1.000 giá thể để nuôi thử nghiệm Hàu trong ao.
Anh Thiệu cho biết thêm, tiềm năng phát triển nuôi Hàu thương phẩm tại địa phương là rất lớn, cần được quan tâm đầu tư khai thác, vừa tận dụng được nguồn Hàu giống trong tự nhiên, cũng như khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước trên các vàm sông, cửa biển. Anh Nguyễn Văn Thiệu, chân tình chia sẻ: “Có một mình làm hơi khó.
Trước đây làm có một mình, bà con người ta hỏng có hùn, làm một mình quản lý cũng khó. Cho nên bà con nào hùn thì cũng làm thêm. Bởi vì nó thì mình chỉ đem thiết bị, dụng cụ xuống mình treo thôi, nó hỏng có giống, hỏng có thức ăn gì hết, chỉ canh giữ nó thôi, thăm chừng nó thôi”.
Cái khó để nhân rộng mô hình nuôi Hàu thương phẩm bằng bè trên sông từ nguồn con giống tự nhiên là chi phí ban đầu khá lớn, nên người dân ngại đầu tư. Để phát triển nghề nuôi Hàu thương phẩm trên sông, cần có sự tham gia của cộng đồng.
Hạt kiểm lâm huyện Duyên Hải đã huy động nguồn vốn tại đơn vị và hộ dân đầu tư đóng bè nuôi Hàu thương phẩm trên sông, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Bè nuôi Hàu được thiết kế theo mô hình dùng phi nhựa làm phao nổi, khung bằng gỗ, giá thể là những tấm phibrô xi măng.
Theo công bố của các nhà khoa học, thịt Hàu tươi là thực phẩm quý, có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất kẽm, chất béo ít, không chứa cholectoron xấu, giảm nguy cơ tim mạch, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Ngoài ra, trong thịt Hàu còn có các Acid amin và nhiều chất hoạt tính đặc biệt chỉ có trong sinh vật biển. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mỗi con Hàu cỡ trung bình có thể chứa 13 mg kẽm.
Thịt Hàu không chỉ giàu dinh dưỡng, mà còn có nhiều tác dụng giúp cơ thể ngăn ngừa được một số bệnh nguy hiểm. Do đó, nhu cầu tiêu thụ Hàu thương phẩm trên thị trường ngày càng tăng, thu hút nhiều người đầu tư phát triển nghề nuôi Hàu thương phẩm.
Nuôi Hàu đang được nhiều hộ dân ở huyện Duyên Hải hướng đến, vì nó có nhiều ưu điểm là kỹ thuật nuôi đơn giản, ít tốn công chăm sóc, ít rủi ro, tốc độ sinh trưởng nhanh, không cần đầu tư con giống, thức ăn, vừa dễ nuôi, lại cho thu nhập cao.
Nghề nuôi Hàu thương phẩm bằng bè trên sông đang mở ra một triển vọng mới; phát triển kinh tế gắn với phục hồi môi trường sinh thái rừng ngập mặn, góp phần giảm nghèo, giải quyết lao động nhàn rỗi, ổn định an ninh xã hội tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, không chỉ có khu vực phía Nam, khi lấy mẫu giám sát ở Hà Nội cũng phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Sau khi tiếp nhận nhiều ý kiến của tiểu thương, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đồng ý gia hạn lệnh cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt đến ngày 1.11.
Mặc dù hiện đang là mùa nghịch, thế nhưng tình hình tiêu thụ chôm chôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long rất èo uột, giá giảm mạnh. Tình trạng này khiến nhiều nhà vườn vô cùng lo lắng.
Với quy mô chăn nuôi trên 12.000 con lợn rừng và 5.000 gà rừng bằng thức ăn tự nhiên, cùng việc chữa bệnh cho vật nuôi bằng cây thuốc nam, trang trại lợn rừng NTC của Công ty cổ phần Phát triển KHKT NTC Việt Nam (NTC) là trang trại chăn nuôi hữu cơ lớn nhất Việt Nam.
Miền núi, trung du hội đủ tiềm năng để phát triển kinh tế rừng, song giá trị mà lĩnh vực này đem lại còn quá khiêm tốn so với kỳ vọng của các địa phương. Làm thế nào để thoát khỏi nền lâm nghiệp nhỏ lẻ, tụt hậu để đủ sức cạnh tranh với các tỉnh, thành lân cận luôn là vấn đề đặt ra.