Cà Mau Gieo Cấy Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm Không Đạt Kế Hoạch

Khó khăn lớn nhất hiện nay mà các địa phương gặp phải trong việc sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm là nguồn vốn còn hạn chế để đầu tư các công trình thuỷ lợi khép kín. Bên cạnh đó, thời tiết cũng được xem là yếu tố quan trọng, quyết định thành bại vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh Cà Mau sẽ gieo cấy 43.000 ha lúa trên đất nuôi tôm, ở những nơi có ngăn mặn giữ ngọt, có đủ nguồn nước tưới bổ sung khi cần thiết. Tập trung chủ yếu ở các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và TP Cà Mau. Tuy nhiên, đến nay sắp hết mùa vụ gieo cấy, nông dân chỉ mới xuống giống được gần 20.000 ha. Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi, hệ thống thuỷ lợi chưa kép kín, không chủ động được nguồn nước ngọt khi cần thiết.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Tranh cho biết, theo lịch thời vụ và cơ cấu giống, đến thời điểm này sắp kết thúc vụ gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên, năm nay do nhuần 2 tháng 9 âm lịch, lượng mưa sẽ còn kéo dài, bà con nhiều nơi không còn gieo cấy mà chuyển sang sạ những giống ngắn ngày, diện tích gieo sạ không nhiều.
Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết, đến thời điểm này, toàn huyện chỉ mới xuống giống khoảng 60 ha lúa trên đất nuôi tôm, đạt khoảng 5% so kế hoạch. Nguyên nhân đạt thấp do độ mặn trong ruộng cao, từ 5 - 6%o và độ mặn nước dưới các con sông còn cao hơn.
Trong khi đó, cây lúa chỉ sống được với độ mặn dưới 2%o. Mặt khác, gần đây phong trào nuôi tôm công nghiệp tự phát ngoài quy hoạch, bà con chuyển nhiều diện tích đất sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm sang nuôi tôm công nghiệp. Từ đó làm diện tích gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm đạt thấp.
Do lợi nhuận nuôi tôm cao hơn làm lúa nên phong trào nuôi tôm công nghiệp phát triển mạnh không theo quy hoạch. Ngay trong khu khép kín tiểu vùng sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú và Phú Hưng, huyện Cái Nước, người dân không còn mặn mà với cây lúa mà chuyển sang nuôi tôm.
U Minh là huyện trọng điểm trong tỉnh có thế mạnh sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Thanh Triều cho biết, vụ lúa - tôm đóng vai trò hết sức quan trọng, vừa tạo được nguồn lương thực đáng kể, sau thu hoạch rơm rạ còn tạo ra nguồn thức ăn cho tôm nuôi.
Do đó, ngay từ đầu năm, huyện chỉ đạo bà con tập trung làm cỏ, ban, cuốc bờ vuông, sân, vườn để tiến hành gieo mạ cấy trên đất nuôi tôm.
Ông Ðỗ Văn Kha, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, nhận định: “Năm nay do nhuần 2 tháng 9, mùa mưa sẽ còn kéo dài thêm nên tôi gieo mạ muộn hơn năm trước. Nhờ gieo muộn nên mạ của tôi không bị chết do đợt nắng vừa qua. Tuy nhiên, tôi đang lo không chủ động giữ được nguồn nước ngọt vào cuối vụ”.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, đối với gieo cấy trà lúa trên đất nuôi tôm, điều đặc biệt quan trọng trước nhất là công tác rửa mặn cải tạo đất. Tiếp đến là quan tâm chuẩn bị mạ phải chọn những khu đất cao, đất bờ liếp, bờ xáng để gieo mạ. Sau khi gieo sạ, cần quan tâm phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn trên lá ở giai đoạn đầu.
Có thể bạn quan tâm

Đến thời điểm này toàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm trà lúa hè thu với hơn 36.600 ha. Tuy nhiên, sự thay đổi bất thường của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Cùng với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác đã và đang khiến lúa bị ảnh hưởng khá nặng.

Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Đông đến miền Trung, người dân phá bỏ vườn cao su để chuyển sang các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác do giá mủ cao su giảm mạnh.

Chưa có thanh long chính vụ nào lại được giá cao như thế, như năm ngoái được đánh giá là cao nhất mọi năm cũng dừng ở 18 ngàn đồng/kg. Dù vậy, dân trồng thanh long lại đang lo. Có người phân tích, vì thanh long đang bị nấm trắng, vì để dưỡng sức cho dây nên đợt trái này, trước đó mới ra búp nhiều chủ vườn đã lặt bỏ để bảo vệ cây.

Chỉ cách quốc lộ 20 chưa đầy 20 km, tốn phí qua phà đối với vận chuyển hàng hóa nông sản ra và ngược lại vận chuyển vào vật tư nông nghiệp phân bón thuốc bảo vệ thực vật, lý ra, hàng nông sản của nông dân Thanh Sơn bán giá phải cao hơn để bù đắp chi phí. Thế nhưng, ngược lại, hàng nông sản của họ bị ép giá thấp hơn mức bình thường 10 đến 15%.

Tôi cho rằng đó là vấn đề tư tưởng. Nông dân ta vốn cần cù, chịu khó nhưng tư tưởng nhiều người còn thủ cựu, còn bị kìm hãm. Họ bảo thủ nên khi vận động để làm lợi cho họ mà có khi không làm hoặc làm nhưng ẩu. Làm cho chính mình, có người hướng dẫn ở đó thì đúng nhưng không có là làm sai. Làm cho chính mình nhưng có hỗ trợ mới tích cực còn không thì qua loa, đại khái.