Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Giấc Mơ… Tỷ Phú

Nuôi Giấc Mơ… Tỷ Phú
Ngày đăng: 09/12/2014

Nghề nuôi ốc hương có khi thu hoạch được siêu lợi nhuận, nhưng cũng có lúc lắm rủi ro. Tuy nhiên, nghề này luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt, bởi tuy thua lỗ nhưng nhiều người vẫn cố bám trụ với hy vọng một ngày sẽ trở thành tỷ phú…

Vụ mùa bội thu

Men theo con đường nhỏ quanh co đầy vỏ sò, vỏ ốc, băng qua mấy chiếc cầu khỉ dẫn vào khu đìa tôm, chúng tôi mới đến được các vùng đìa nuôi ốc hương ở phường Ba Ngòi, Cam Linh (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)…

Bên hông căn nhà gỗ ven đìa, vợ chồng ông Nguyễn Dạn và bà Đào Thị Mỹ (tổ dân phố Trà Long 2, phường Ba Ngòi) đang băm cá nục để chuẩn bị thức ăn cho ốc hương.

Ông Dạn hồ hởi khoe: “Hàng chục năm theo nghề nuôi tôm, cuộc sống của gia đình tôi bấp bênh. Nuôi ốc hương được 2 năm, gia đình tôi đều có lãi cao. Vụ ốc năm nay, tôi thu được 9,2 tấn, tổng doanh thu 1,8 tỷ đồng, lãi ròng 800 triệu đồng.

Đây là năm ốc hương được mùa, được giá nhất từ trước tới nay, giá dao động từ 195.000 đến 220.000 đồng/kg”. Ngồi cạnh chồng, bà Mỹ tiếp lời: “Nuôi ốc hương khỏe hơn nhiều so với nuôi tôm, chăm sóc cũng nhàn hơn. Vụ ốc gần đây ít dịch bệnh, sản lượng cao, lại được giá nên người nuôi có lãi khá. Ở vùng này, đã có người nuôi ốc thu được tiền tỷ”.

Đi thăm các ô đìa nuôi ốc hương với chúng tôi, ông Phan Thanh Bình - khuyến nông viên phường Ba Ngòi bày tỏ: “Những năm gần đây, ốc hương là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao nên nhiều người chuyển đổi từ nuôi tôm, cá sang nuôi ốc. Diện tích nuôi ốc hương trên địa bàn hơn 10ha. Vụ vừa qua, người nuôi lãi từ 200 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng”.

Tiếp xúc với các hộ nuôi ốc ở phường Cam Linh, chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui của họ về vụ mùa bội thu vừa qua. Được xem là lão làng trong nghề nuôi ốc hương, vụ vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn Lai (84 tuổi, tổ dân phố Linh Xuân) “trúng” đậm. Rót ly trà mời khách, ông Lai khề khà: “Lâu lắm mới thấy ốc hương được giá cao như vậy.

Với sản lượng thu hoạch khoảng 25 tấn (giá bán 200.000 đồng/kg), doanh thu được 4,7 tỷ đồng; trừ chi phí, tôi lãi ròng 2,7 tỷ đồng”. Sau khi thu hoạch ốc hương vụ chính, ông Lai tiếp tục thả nuôi 3,5 triệu con giống và đang hy vọng vụ mùa bội thu.

“Đánh bạc” với trời

Tuy nhiên, không phải ai nuôi ốc hương cũng gặp may như vậy. Cũng như những đối tượng nuôi khác, con ốc hương phụ thuộc vào nguồn nước, thời tiết, dịch bệnh và giá cả thị trường nên rủi ro cũng cao. Chỉ cần một trận mưa lớn, ốc có thể bị sốc nước chết hàng loạt, thiệt hại rất lớn. Tuy đã nhiều năm nuôi ốc hương nhưng ông Lê Sỹ Hoàng (TP. Cam Ranh) vẫn chưa một lần với tay chạm “đích”.

Với ông, giấc mơ tỷ phú vẫn còn xa vời. Ông cho biết: “Đã có lần, tôi tưởng thu bạc tỷ, nhưng ngay lập tức lại thất bại ê chề. Năm đó, thời tiết, con nước thuận lợi, ốc lớn nhanh. 4 tháng, ốc đạt cỡ 200 - 220 con/kg, bỗng dịch sưng vòi xuất hiện. Chỉ trong 3 ngày, cả đìa ốc hơn triệu con, sản lượng gần 4 tấn đi theo bọt nước. Thế là mất cả chì lẫn chài, lỗ nặng 500 triệu đồng”.

Đến nay, người nuôi ốc vẫn sợ chứng sưng vòi hay thoát thân (bỏ vỏ) - những dịch bệnh nguy hiểm do nhiều tác nhân vi sinh vật gây ra, rất khó trị. Mặt khác, do hám lợi, nhiều người nuôi mật độ cao, thả giống dày khiến môi trường nuôi ô nhiễm, dịch bệnh dễ phát sinh.

Đìa ốc bị dịch bệnh nhanh chóng lây lan sang đìa bên cạnh do không thông báo cho nhau, thậm chí còn xả nước chưa xử lý ra môi trường khiến người nuôi bị thiệt hại càng nặng. “Khi đã thả giống xuống là lo lắng từng ngày. Mỗi sáng, chiều phải lặn xuống đìa làm vệ sinh, cho ốc ăn, phòng bệnh… Sáng thức dậy phải lo đủ tiền để mua thức ăn cho ốc”, ông Lai bộc bạch.

Giá cả thị trường cũng là nguyên nhân gây ra sự thăng trầm của nghề nuôi ốc. Nhiều người cho rằng, sản lượng có thể thấp nhưng được giá thì người nuôi vẫn dễ dàng thu bạc tỷ. Tiếc thay, thời gian qua, người nuôi ốc phải chịu cảnh giá cả biến động khôn lường. Tuy đã có nhiều năm trong nghề nuôi ốc hương nhưng ông Lê Sỹ Hiệp (tổ dân phố Đá Bạc, phường Cam Linh) vẫn chưa có niềm vui trọn vẹn.

Vụ này, ông chuyển sang nuôi cá chẻm, tạm gác giấc mơ “tỷ phú”. Chúng tôi nghe trong giọng nói của ông còn chất chứa nỗi niềm riêng: “Ốc hương chỉ tiêu thụ tại thị trường duy nhất là Trung Quốc nên giá cả bấp bênh. Mùa mưa năm ngoái, giá rớt thê thảm, chỉ còn 90.000 đồng/kg. Nếu không bán cho thương lái thì người nuôi cũng không giữ nổi vì kéo dài dễ rủi ro, tốn thêm chi phí mua thức ăn…”.

Khuyến khích, nhưng có điều kiện

Nghề nuôi ốc hương tuy còn nhiều thăng trầm nhưng đang lóe lên niềm hy vọng mới. Ông Cao Văn Hồng (thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) cho hay kỹ thuật nuôi mới (sử dụng con giống lớn, khỏe…) có thể rút ngắn thời gian nuôi từ 7 đến 8 tháng xuống còn 3 - 5 tháng. Mặt khác, sau nhiều năm nuôi ốc, nông dân đã rút được kinh nghiệm trong cách phòng, chống dịch bệnh, hạn chế rủi ro.

Có một người nuôi ốc hương trong vùng sau nhiều năm bị thua lỗ, đã tình cờ phát hiện được cách chữa bệnh sưng vòi, bỏ vỏ theo kiểu tự nhiên. Được biết, người này đã chạy vạy nhiều nơi tìm phương thuốc chữa bệnh cho ốc nhưng vô phương, rồi ông đành phó mặc cho trời. Sau thời gian “bỏ đói”, ông ấy tiếp tục cung cấp thức ăn cho ốc, kết quả khoảng 40 - 50% ốc còn sống và phát triển.

Để phát triển nghề nuôi ốc hương, các ngành chức năng đã khuyến khích người dân phát triển diện tích tại những vùng đã quy hoạch. Ông Võ Văn Tuấn - Phó Trưởng trạm Khuyến nông TP. Cam Ranh chia sẻ, trạm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo về nghề nuôi ốc, từng bước nâng cao trình độ thâm canh cho nông dân, hướng dẫn người nuôi xen canh với các đối tượng nuôi khác như: hải sâm, tu hài để làm sạch môi trường… Tuy nhiên, Trạm khuyến cáo nông dân không nên nuôi dày, cần xử lý tốt môi trường, liên kết trong các khâu sản xuất, tiêu thụ để đảm bảo hiệu quả…

Theo ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ốc hương là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng, nhưng hiện nay chưa thể khuyến khích đại trà, bởi ốc hương sử dụng lượng thực phẩm rất lớn (gấp 4 - 5 lần so với mức tăng trọng), chủ yếu là các loại cá tạp. Nếu khuyến khích đại trà sẽ là cơ hội cho nghề giã cào phát triển, đe dọa nguồn lợi thủy sản và gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Các ngành chức năng đang tiến hành quy hoạch vùng nuôi ốc hương và khuyến khích người dân nuôi tại vùng đã quy hoạch.

Toàn tỉnh có 290 ha đìa nuôi ốc hương, sản xuất 2 vụ/năm, tập trung tại các địa phương ven biển. Nhiều nhất là huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh. Sản lượng ốc hương năm 2014 đạt 2.800 tấn. Tại khu vực Cam Ranh, vùng nuôi ốc hương trải dài qua các xã, phường từ Cam Thịnh Đông đến Cam Nghĩa, diện tích khoảng 30ha, nhiều nhất là phường Ba Ngòi. Với giá trị cao của ốc hương, nguồn thu từ đối tượng này cũng cần được lưu ý cùng với nhiều đối tượng nuôi truyền thống khác như: tôm, cá bớp…

Nguồn bài viết: http://www.baokhanhhoa.com.vn/kinh-te/201412/nuoi-giac-mo-ty-phu-2356379/


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Gà Sinh Học, Tăng Thu Nhập Gia Đình Nuôi Gà Sinh Học, Tăng Thu Nhập Gia Đình

“Tôi vẫn nhớ những tháng ngày lận đận trước đây. Khi đó, nhà nghèo, con nhỏ nên gia đình luôn chịu cảnh thiếu trước, hụt sau…”. Đó là lời nói chân tình của anh Nguyễn Văn Phước - chủ trại nuôi gà sinh học thả vườn ở ấp Phú Long Phụng B - xã Phú Khánh (Thạnh Phú - Bến Tre).

05/04/2013
Nuôi Tôm Trong Nhà Để Cung Cấp Cho Thị Trường Tôm Tươi Nội Địa Nuôi Tôm Trong Nhà Để Cung Cấp Cho Thị Trường Tôm Tươi Nội Địa

James Tran và Peter Howard, chủ trại nuôi tôm chân trắng mang tên Sky 8 của công ty Skyworks Solutions đã được đền đáp xứng đáng trong vụ thu hoạch bội thu đầu tiên vào tháng 3 năm nay và đã có kế hoạch mở rộng quy mô nuôi với hy vọng thu lợi nhờ đáp ứng đúng nhu cầu thực phẩm tươi sống tại chỗ của người dân.

06/04/2013
Tái Diễn Bắp Không Hạt Ở Phú Lập (Đồng Nai) Tái Diễn Bắp Không Hạt Ở Phú Lập (Đồng Nai)

Những năm trước đây ở xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú - Đồng Nai) từng xảy ra tình trạng nông dân trồng bắp nhưng đến mùa thu hoạch lại không có hạt, khiến nhiều người điêu đứng. Gần đây, hiện tượng này lại tiếp tục xảy ra ở các xã Tà Lài và Phú Lập (huyện Tân Phú - Đồng Nai). Nhiều ruộng bắp đã đến ngày thu hoạch nhưng không có hạt hoặc chỉ lưa thưa vài hạt.

06/04/2013
Giá Cá Tra Nguyên Liệu Tăng Ở Giá Cá Tra Nguyên Liệu Tăng Ở

Đầu tháng 4/2013, giá thức ăn nuôi cá tra (loại 26 độ đạm) đã giảm 300 đồng/kg so với tháng trước và hiện đang dừng lại ở mức 11.400 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu (loại trọng lượng 700g – 1,3kg/con) hiện tăng khoảng 1.000 đồng/kg so tháng 3 vừa qua.

08/04/2013
Thoát Nghèo Nhờ Mô Hình Xen Canh Ở Quảng Ngãi Thoát Nghèo Nhờ Mô Hình Xen Canh Ở Quảng Ngãi

Nhiều năm trở lại đây các mô hình thâm canh, xen canh ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Trong đó, mô hình trồng mì xen quế, mì xen keo đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Minh Long (Quảng Ngãi).

09/04/2013
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.