Thị trường cần, nông dân đáp ứng
Bắt “tín hiệu” sản xuất
Cam xoàn là loại cây có múi, vỏ dầy, trái tròn, ít hột, thơm ngon và ngọt nhất trong các loài cam hiện nay. Do vậy, cam xoàn rất dễ tiêu thụ, có bao nhiêu thương lái cũng đặt cọc mua hết. Thời điểm này, giá bán lẻ cam xoàn tại chợ Long Xuyên từ 55.000 – 60.000 đồng/kg. Khi đạt 3 năm tuổi, bình quân mỗi công cam xoàn cho ít nhất 5 – 6 tấn trái/năm (2 vụ), lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa.
Thấy được lợi thế trên, gia đình ông bảy Tánh (xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới) đã đi đầu trong phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển từ trồng bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc sang trồng cam xoàn rất hiệu quả. “So với các loại trái cây khác, cam xoàn hiện nay rất dễ tiêu thụ mà giá cũng cao. Ở Lai Vung (Đồng Tháp), Mỏ Cài Bắc (Bến Tre), Châu Thành A (Hậu Giang)… người ta đã chuyển sang trồng cây cam xoàn hơn 5 năm nay. Nhiều người nhà không có đất, đi thuê hàng héc-ta đất để đầu tư trồng cam xoàn và hiệu quả rất cao” – ông Tánh chia sẻ.
Không trông chờ định hướng của ngành Nông nghiệp, thời gian qua, gia đình ông Tánh đã tự đi tìm thông tin về sản phẩm, thị trường qua internet, kết nối thương lái để tổ chức sản xuất, đáp ứng đơn hàng cho những đầu mối trái cây ở Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh. Từ trồng xoài Đài Loan để xuất khẩu sang Trung Quốc, trồng cam xoàn xuất khẩu qua Ấn Độ hay bán cam đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc… hiệu quả sản xuất trên mỗi công đất vườn của ông Tánh đã lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. “Người nông dân sản xuất theo tín hiệu của thị trường không phải dễ, đòi hỏi sự nhanh nhạy về mặt nắm bắt thông tin, rồi tổ chức sản xuất. 5 năm qua, chúng tôi tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm, một công việc rất vất vả nhưng phải làm. Nhà nước dù có định hướng cơ cấu cây trồng thì cũng thường chậm hơn nhu cầu thực tế nên chúng tôi không trông chờ được” – ông Tánh bộc bạch.
Cần thông tin dự báo
“Cam xoàn mỗi năm thu hoạch được 2 đợt trái. Từ khi ra bông đến khi thu hoạch khoảng 9 tháng, trung bình từ 3 - 4 trái/kg. Cam xoàn rất dễ trồng, cây càng lớn năng suất càng tăng. Từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, cam bước vào thời điểm chính vụ, giá bình lại. Vào những tháng mùa nghịch, cam xoàn có giá bán tại vườn từ 35.000 - 45.000 đồng/kg nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhà vườn có bao nhiêu thương lái cũng đặt cọc thu mua hết, cam loại 2 và loại 3 không xuất đi được mới mang ra bán lẻ bên ngoài” – ông Vương Văn Mến (xã An Hảo, Tịnh Biên) thông tin.
Hiệu quả kinh tế của cây cam xoàn đến thời điểm này đã được khẳng định. Ở ĐBSCL, tỉnh có diện tích trồng cam xoàn nhiều nhất là Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Riêng An Giang, nông dân các huyện: Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, TP. Long Xuyên mới chỉ trồng khoảng 30 héc-ta. Dự báo thời gian tới, diện tích trồng cam xoàn của tỉnh sẽ tăng lên vì tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, nếu ai cũng chuyển từ trồng lúa, trồng rẫy sang trồng cam thì liệu thị trường tiêu thụ có còn tốt nữa không? “Cái mà nông dân chúng tôi đang cần là dự báo trong 3 năm nữa, thị trường tiêu thụ cam như thế nào? Dự báo này ngoài khả năng của người nông dân. Chúng tôi rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu vấn đề này để từ đó có quy hoạch, định hướng cho nông dân” – ông Trần Văn Tiến (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) đề nghị.
Nông dân trong tỉnh đang tiếp cận dần với khái niệm kinh tế thị trường. Đây là tín hiệu đáng mừng. Để tạo thuận lợi hơn cho nông dân, thiết nghĩ, Hội Nông dân và ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nông dân hiểu sâu sắc những cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; ngành Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh cần đẩy mạnh công tác dự báo thị trường cho những sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới, tỉnh định hướng và tổ chức lại sản xuất cho nông dân đạt hiệu quả cao hơn.
“Chúng tôi suy nghĩ hai từ “thị trường” một cách rất đơn giản. Thị trường là mình làm ra sản phẩm bán được có lời. Nông dân ít khi đi ra khỏi lũy tre làng thì làm sao biết được ở Ấn Độ, Châu u cần mua gì, tiêu chuẩn ra sao, điều kiện giao hàng, điều kiện thanh toán, thời vụ nhập hàng… Cái này chỉ trông nhờ vào các doanh nghiệp và Nhà nước mà thôi” – ông Nguyễn Văn Son (nông dân xã Long An, TX. Tân Châu) nói.
Có thể bạn quan tâm
Vụ hè thu năm nay, nông dân ở các huyện Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và Tân Thạnh (tỉnh Long An) trồng lúa nếp lãi 30 - 40%, cá biệt có hộ lãi hơn 50%.
Tin từ Bộ NNPTNT cho biết, diễn biến bất thường của thời tiết như hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ hè thu 2013 tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long...
Kết hợp các mô hình “Dân vận khéo” để huy động sức dân trong phát triển kinh tế được phường Tân Thành, TP Cà Mau, coi là chìa khoá thành công trong công tác xoá đói giảm nghèo, đưa kinh tế phát triển xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương.
Luật Đất đai năm 2003 quy định thời hạn giao sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 20 năm; thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 50 năm.
Với 1.057 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, những năm qua, Hội Nông dân T.P Điện Biên Phủ luôn là một trong những cơ sở hội thực hiện tốt các phong trào phát triển KT – XH tại địa phương.