Nuôi Ghép Ốc Hương Và Hải Sâm Cát Bước Đầu Đạt Hiệu Quả
Nuôi ghép ốc hương và hải sâm cát trong ao đất - đề tài khoa học cấp cơ sở của kỹ sư Nguyễn Thị Hương (Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đang bước đầu đạt hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, việc nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương gặp nhiều khó khăn do môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh. Thông qua những biện pháp kỹ thuật nuôi kết hợp các đối tượng hạn chế chất thải và ô nhiễm môi trường, kỹ sư Nguyễn Thị Hương đã xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng kỹ thuật nuôi ghép ốc hương và hải sâm cát trong ao đất tại vùng nuôi TP. Cam Ranh”. Đề tài được triển khai nuôi thí điểm tại một số hộ trên địa bàn.
Theo kỹ sư Hương, thức ăn chính của ốc hương là động vật thân mềm như: Trai, sò, mực, cá và các loại giáp sát như: Cua, tôm, ghẹ… nên thải ra một lượng lớn chất thải hữu cơ dễ gây ô nhiễm môi trường ao, đìa. Về điều kiện môi trường sống, ốc hương thích hợp chất đáy cát hoặc bùn cát pha lẫn vỏ động vật thân mềm.
Nếu không được vệ sinh, xử lý ao, đìa trong quá trình nuôi, ốc hương dễ bị dịch bệnh. Trong khi đó, thức ăn chủ yếu của hải sâm cát là mùn bã hữu cơ, tảo đáy, tảo phù du với phương thức bắt mồi bị động, lấy thức ăn thông qua lọc cát và bắt mồi theo chu kỳ ngày đêm.
Các yếu tố môi trường thích hợp cho sự sinh trưởng của hải sâm cát tuy có chút chênh lệch (như: độ mặn, nhiệt độ, độ pH…) nhưng không nhiều so với ốc hương. Vì vậy, việc triển khai nuôi ghép 2 loại này hoàn toàn phù hợp. Trong quá trình nuôi ghép, hải sâm cát sẽ lọc cặn bã hữu cơ được thải ra từ thức ăn dư thừa của ốc hương, cải tạo được môi trường sống cho vật nuôi chính.
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu của kỹ sư Hương, ốc hương và hải sâm cát thương phẩm được thả nuôi trên diện tích 4.000m2 trong vòng 24 tháng (từ tháng 6-2013 đến tháng 6-2015), chia làm 3 đợt thu hoạch (mỗi đợt từ 6 đến 8 tháng, tùy theo quá trình tăng trưởng của vật nuôi), đạt một số chỉ tiêu như: khối lượng ốc hương khoảng 3,5 tấn, kích cỡ 120 con/kg; hải sâm đạt 1,2 tấn, kích cỡ 300 - 350 con/kg.
Ông Nguyễn Thanh Thử (xã Cam Thịnh Đông) là một trong số hộ nuôi ốc hương theo mô hình kết hợp như đề tài ứng dụng của kỹ sư Hương. Ông Thử nuôi 3 đìa ốc hương với mỗi đìa thả từ 1,8 đến 1,9 triệu con ốc, kết hợp với khoảng 1.000 con hải sâm cát. Nếu cách nuôi trước đây (nuôi ốc hương riêng lẻ), gia đình ông Thử phải tốn khá nhiều chi phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường đìa nuôi, tỉ lệ ốc hương còn sống sau vụ mùa đạt thấp (còn khoảng 40 - 50%); thì sau 6 tháng triển khai ứng dụng việc nuôi ghép ốc hương và hải sâm cát thương phẩm, sản lượng ốc hương thu hoạch đạt hơn 80%.
Hiện nay, giá ốc hương thương phẩm dao động vào khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg (loại 110 - 120 con/kg) và hải sâm cát dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/con. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình ông Thử lãi hơn 1 tỷ đồng. Ông Thử cho biết: “Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi ghép ốc hương và hải sâm cát không chỉ giúp tăng sản lượng ốc hương thương phẩm mà còn giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường ao đìa trong quá trình nuôi”.
Với những hiệu quả tích cực ban đầu, giải pháp nuôi ghép ốc hương và hải sâm cát trong đề tài của kỹ sư Nguyễn Thị Hương đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi đơn lẻ. Lợi nhuận nuôi kết hợp mang lại chủ yếu từ đối tượng nuôi chính (ốc hương), ngoài ra đối tượng nuôi ghép cũng cho thu nhập đáng kể.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình nuôi ghép này còn có ưu điểm là không sử dụng hóa chất trong nuôi trồng nên vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa thân thiện môi trường, mở ra hướng nuôi trồng thủy sản mới bền vững. Ngoài ra, biện pháp kỹ thuật nuôi ghép ốc hương với hải sâm cát còn góp phần giảm thiểu khả năng khai thác nguồn lợi ven bờ, bảo tồn nguồn lợi hải sâm tự nhiên, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho ngư dân vùng ven biển.
Hiện nay, ốc hương và hải sâm cát đang được nuôi nhiều tại một số tỉnh miền Trung như: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… Tại Khánh Hòa, ốc hương được nuôi nhiều ở một số vùng biển Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Ranh với tổng diện tích khoảng 300ha và 809 lồng. Trong đó, tại Cam Ranh có 166ha, tập trung chủ yếu ở xã Cam Thịnh Đông.
Có thể bạn quan tâm
Với số lượng 400 gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp-Thương mại Tây Nguyên năm 2014 với chủ đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững” do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa đã hội tụ nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng của các tỉnh, làng nghề.
Mô hình được hộ ông Phạm Văn Tuyến thực hiện trên diện tích 0,2 ha. Thực hiện mô hình này, ngày 4/6, ông Tuyến đã thả 6000 con cá giống, loại 60 con/kg. Đến nay, tỷ lệ cá nuôi sống đạt 85%, trọng lượng bình quân 0,5 kg/con. Qua tính toán với diện tích mặt nước 0,2 ha, sản lượng cá thu hoạch được là 2.550 kg.
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn, năm 2014 này Chi cục Quản lí chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) tỉnh tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh hỗ trợ bà con nông dân ở một số địa phương các mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình sản xuất rau VietGAP.
Nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm là một trong những yếu tố quan trọng cho những mô hình trang trại, đặc biệt đối với chăn nuôi của người dân ở tỉnh ta hiện nay. Xác định rõ tầm quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân; trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tổng số tiền hỗ trợ cho mô hình là hơn 60 triệu đồng. Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 3-2014, đến nay sau 7 tháng trọng lượng cá đạt 1 - 1,2kg, hạch toán kinh tế đối với mô hình nuôi cá chép lai V1 với giá thị trường hiện nay là 50.000đ/1kg thì lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 đến 4 lần so với nuôi các loại cá truyền thống khác.