Điều Chỉnh Chính Sách Tạo Đột Phá Cho Tam Nông
Trao đổi với PV bên lề Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết tam nông, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, nhìn lại 5 năm thực hiện nghị quyết, chúng ta có 8 điểm sáng và 16 mặt còn tồn tại, cần giải quyết.
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường cho biết:
- Sau 5 năm nhìn lại, Nghị quyết tam nông là cực kỳ cần thiết, những vấn đề đặt ra nếu không cơ bản thực hiện được thì không thể đạt được mục tiêu tiến tới nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thực tế cho thấy, khi Ban chỉ đạo xây dựng nghị quyết mới ban hành, nông dân rất hào hứng và kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá, nhưng sau 5 năm, tinh thần ấy đã chững lại. Trong quá trình xây dựng nghị quyết, bối cảnh tăng trưởng kinh tế 7-8%, chưa hề thấy bóng dáng khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, khi triển khai nghị quyết, khủng hoảng kinh tế đã tác động rất lớn đến kết quả của nghị quyết này. Nhận định khái quát những mặt được - chưa được với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tôi có thể tóm lược lại với 8 mặt được và 16 mặt chưa được.
Cụ thể, những mặt làm tốt và chưa tốt khi triển khai nghị quyết là gì, thưa ông?
- Những mặt làm được, đó là: Đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ tăng nhiều hơn 26 lần; cơ sở hạ tầng nông thôn nâng lên rõ rệt; đời sống nông dân cải thiện hơn nhiều kèm theo đó tỉ lệ hộ nghèo giảm; năng suất sản lượng vật nuôi cây trồng tăng lên; quy mô sản xuất của nông dân có dấu hiệu nâng lên, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán, nhỏ lẻ; việc chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông có sự tiến bộ; xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn tới 16 vấn đề tồn tại như: Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp suy giảm (chỉ đạt 2,5%, mục tiêu là 4-5%); quy hoạch thiếu tính hệ thống, thiếu tính liên kết vùng; huy động đầu tư xã hội không những không tăng mà còn giảm đi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào “tam nông” ì ạch; sản xuất bị động với thị trường, tình trạng được mùa rớt giá vẫn thường xuyên xảy ra; trồng lúa và vùng chuyên canh lúa có hiệu quả thấp nhất…
Bên cạnh đó, lực lượng sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở nông thôn hiện là người cao tuổi và trẻ em; vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống vật nuôi, cây trồng cao cấp chủ yếu nhập khẩu, thiếu chủ động; công nghệ sản xuất giống thấp, giống nội địa tốt dưới 3%; công nghệ nuôi trồng thuỷ sản đơn điệu, ít cái tiến; bảo quản chế biến sau thu hoạch còn bỏ ngỏ, chế biến thô…
Theo ông, trong các nội dung trên, vấn đề tồn tại lớn nhất của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là gì?
- Sự suy giảm tăng trưởng nông nghiệp chưa có điểm dừng, hiện năm nay còn 2,8%, trước đây là 3,3 đến 3,8%. Nông nghiệp không thể tăng lên được, dẫn tới hiệu quả của người dân chuyên làm nông nghiệp cũng rất thấp. Do đó, cần có chính sách cho người trồng lúa và an ninh lương thực. Vấn đề tối quan trọng là nâng cao mức sống cho cư dân nông thôn.
Phải chăng nguyên nhân bỏ ruộng của nông dân thời gian qua là do thu nhập từ trồng lúa còn thấp?
- Đúng như thế. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện trên 1 sào ruộng, nếu mưa thuận gió hoà, lợi nhuận của người nông dân chỉ đạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Bởi với giá bán 6.000 đồng/kg thóc, một sào ruộng được 1,2 triệu đồng, trừ chi phí 1 triệu đồng đi thì chỉ còn 200.000 đồng tiền lời nhưng phải mất 4-5 tháng. Trong khi đó, người nông dân có thể làm việc khác mà không cần học như: Xe ôm, phu hồ, ôsin... có thu nhập cao hơn.
Thu nhập thế mà người nông dân không bỏ ruộng mới là điều không bình thường. Đây là vấn đề hết sức cảnh báo. Nếu ai cũng bỏ ruộng như thế thì lấy ai làm nông nghiệp và nền nông nghiệp của chúng ta sẽ đi tới đâu? Đây là một câu hỏi, một hiện trạng xã hội cần các nhà hoạch định chính sách phải điều chỉnh.
Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết về tam nông cho thấy, có rất nhiều chính sách đã được triển khai, theo ông vì sao kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng?
- Đúng là chính sách mình có rất nhiều, nhưng nhiều chính sách vẫn ở dạng nửa vời. Chẳng hạn như Nghị định 41, Nghị định 61. Với Nghị định 41, yêu cầu người vay vốn nộp sổ đỏ mới được vay; hay mua máy móc, nông cụ phải có 60% nội địa thì làm sao mua được, máy móc của mình toàn nhập phụ tùng của nước ngoài, làm gì có sản phẩm nội địa để mà mua.
Hay khi mua sản phẩm, ngân hàng lại bảo phải mua ở các đại lý mà ngân hàng chỉ định... Theo tôi, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chủ trương là có nhưng chưa phát huy được tác dụng.
Để tạo bước đột phá khi triển khai Nghị quyết tam nông trong những năm kế tiếp, theo ông cần có những giải pháp gì?
- Vấn đề quan trọng là phải nhanh chóng điều chỉnh chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sao cho phù hợp, khả thi, phát huy được tác dụng. Nông dân chỉ cần chính sách đúng, chính sách cũng là nguồn lực, để tháo gỡ khó khăn cho họ. Ngoài ra, cần có khâu tổ chức thực hiện chính sách tốt, tôi tin sẽ tạo được đột phá.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
Có thể bạn quan tâm
Vụ đông năm 2014, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT), Trạm Khuyến nông huyện Gia Lâm đã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Kim Sơn triển khai 2 mô hình sản xuất trên đất 2 vụ lúa. Đó là mô hình trồng hoa ly với diện tích 1.000m2 và 8ha trồng khoai tây giống Đức bằng phương pháp làm đất tối thiểu.
Với đồng bào K’Ho dưới chân núi LangBiang này, cây dâu tây còn có một tên gọi khác, giàu ý nghĩa và trìu mến hơn: Cây đổi đời!... Sở dĩ có tên gọi như vậy, bởi chính cây dâu tây đã làm cho diện mạo cuộc sống của đồng bào K’Ho nơi đây thật sự thay da đổi thịt chỉ trong thời gian ngắn.
Tính đến thời điểm này, xã Thái Niên đã trồng được gần 18 ha hai giống cam nói trên, trong đó có 17,3 ha cam V2. Giống cam V2 do Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp; giống cam Canh do Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bảo Thắng cung cấp.
Những ngày này trên vạt đồi của các thôn: Đồng Cống, Hồ Sơn 1, Quất Sơn, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang không khí người dân chăm sóc dứa nhộn nhịp hẳn lên. Những quả dứa lúp xúp đang vươn mình chuyển sang màu vàng làm cho người trồng dứa vui hơn mỗi khi Tết đến xuân về.
Học xong đại học, thay vì đi xin việc làm ở các doanh nghiệp, anh Lê Phan Hữu Hưng ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai lại về quê với quyết tâm mang kiến thức phục vụ quê hương.