Nuôi Gà Nòi Lai Thoát Nghèo
Những đợt cúm gia cầm vừa qua khiến không ít hộ nông dân ở TP Cà Mau loay hoay tìm mô hình kinh tế thích hợp để sản xuất. Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Hoá, xã Hòa Thành, vẫn tự tin chọn gà nòi lai làm hướng phát triển kinh tế.
Gia đình chị Huỳnh Thị Hằng thuộc diện hộ nghèo, chỉ có 4.000 m2 đất thả nuôi ít tôm - cua. Để có tiền nuôi 3 đứa con ăn học, vợ chồng chị làm lụng rất vất vả. Từ năm 2007 - 2010, mỗi ngày chị Hằng phải đẩy xe bán chè theo xóm khoảng 13 km. Khi sức khoẻ yếu đi, không thể đẩy xe bán chè được nữa, chị quyết định chọn gà nòi lai làm hướng phát triển kinh tế gia đình.
“Với diện tích khoảng 100 m2 đất vườn, tôi cất chuồng gà bằng lá dừa nước, bao lưới mành, nền rải trấu, xung quanh chuồng là khoảng đất trống để gà sưởi nắng”, chị Huỳnh Thị Hằng chia sẻ.
Vụ nuôi gà nòi lai đầu tiên là vào năm 2011. Chị Hằng vay gần 3 triệu đồng từ nguồn Quỹ hùn vốn của Tổ phụ nữ ấp Tân Hoá thả nuôi 100 con gà nòi lai và đầu tư chuồng trại. Hằng ngày chị cho gà ăn no, chịu khó vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc-xin phòng ngừa cúm gia cầm, tẩy giun theo định kỳ. Với cách chăm sóc như thế, qua 3 tháng nuôi, mỗi con gà nòi lai của gia đình chị Hằng có trọng lượng từ 1,3 - 1,6 kg.
Thấy nuôi gà nòi lai có lời mà công chăm sóc lại ít, không đòi hỏi kỹ thuật cao, sau khi bán hết số gà đầu tiên, chị Hằng mạnh dạn mua 400 con gà nòi lai về thả nuôi.
Chị Hằng tính toán: Một con gà nòi lai giống có giá từ 11.000 - 14.000 đồng. Để gà nòi lai đạt trọng lượng 1,3 - 1,6 kg khi xuất chuồng, tiêu tốn khoảng 45.000 đồng chi phí thức ăn. Với giá thị trường 72.000 đồng/kg gà thương phẩm, trừ hết chi phí đầu tư, mỗi con gà nòi lai bán ra, chị lời khoảng 50.000 đồng.
Hiện tại, chị Hằng đang xuất bán đợt gà nòi lai thứ 3. Vì gà nòi lai chất lượng thịt ngon, chắc thịt nên đầu ra rất dễ dàng. Thị trường tiêu thụ gà nòi lai của gia đình chị là các quán điểm tâm, quán cơm và nhà hàng.
Không chỉ chịu thương, chịu khó làm kinh tế, nhiệt tình với công tác hội, tham gia tích cực vào các phong trào hành động cách mạng ở địa phương và các phong trào của hội, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Tân Hoá Huỳnh Thị Hằng còn tần tảo nuôi 2 người con tốt nghiệp đại học.
“Chị Hằng thực sự làm tấm gương để chị em phụ nữ học tập", Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Thành Nguyễn Thị Ngọc Thể nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, tình hình nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi cộng với dịch bệnh kéo dài, một số nông dân trên địa bàn huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã bước đầu chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng hải sản khác như: nuôi hàu, ghẹ, cá… nhưng nổi bật hơn là mô hình trồng rong nho (hay còn gọi là rong cầu lục bi).
Ông Phan Thanh Sơn ở ấp Quý Thạnh xã Tân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được nhiều người dân biết đến bởi sự cần cù, siêng năng, chịu khó. Từ 2 bàn tay trắng, ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, một mái ấm gia đình nhiều người mơ ước nhờ nuôi gà nòi thả vườn.
Sau khi Philippines hủy thầu mua 500 ngàn tấn gạo (đợt đấu thầu ngày 27/8) do giá bỏ thầu cao hơn so với giá trần, những tưởng giá lúa gạo ở Việt Nam sẽ giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, giá lúa gạo ở nước ta không những không giảm mà vẫn vững ở mức cao.
Trước tình hình bệnh đốm nâu đang gây hại cây thanh long trên diện rộng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát vừa ra quyết định thành lập Tổ chỉ đạo phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long, do ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV làm Tổ trưởng.
Mồng tơi có thể trồng quanh năm, tốt nhất là từ tháng 8 năm nay đến tháng 4 năm sau. Cây có thể sinh trưởng tốt tại những nơi đất thấp trong vùng nhiệt đới lên đến độ cao 500m so với mặt biển, thậm chí có thể mọc cả ở những khu vực cao 3.000m trong vùng ôn đới. Nhưng trong điều kiện ngày dài trên 13 giờ, mồng tơi sẽ không ra hoa.