Nuôi Gà Lai Đông Tảo Theo Hướng Công Nghiệp
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê mà quanh năm người dân chỉ gắn bó với hai vụ lúa cho thu nhập bấp bênh, với mong muốn làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, Nam bỏ công đi tìm hiểu, tham quan các mô hình phát triển kinh tế để học hỏi kinh nghiệm. Khi biết đến giống gà lai Đông Tảo có tiếng trên thị trường nhờ chất lượng thịt thơm ngon, được nuôi nhiều ở xã Yên Hòa (Yên Mỹ), Tân Dân (Khoái Châu), anh tìm đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm và quyết tâm đưa về nuôi tại gia đình.
Năm 2007, với số vốn tiết kiệm được, Nam mạnh dạn đầu tư xây dựng 150m2 chuồng trại khép kín và mua 1.000 con gà giống về nuôi thử. Kết quả, anh thu lãi trên 40 triệu đồng ngay trong năm đầu tiên. Sau đó đàn gà cứ tăng dần. Đến nay, trang trại của gia đình anh có khoảng 2.000 con gà, trong đó có 1.200 con gà thương phẩm và 800 con gà đẻ.
Đối với gà thương phẩm, mỗi năm anh xuất chuồng 1 lứa, sản lượng trên 2 tấn, với giá bán 110.000- 120.000 đồng/kg. Đối với đàn gà đẻ, năng suất đạt trên 400 quả trứng/ngày.
Cứ 3 ngày anh lại mang khoảng 1.200 quả trứng lên lò ấp ở xã Yên Hòa (Yên Mỹ) thuê ấp, sau 21 ngày, gà giống được xuất bán ngay tại lò với giá 10.000- 14.000 đồng/con. Từ việc bán gà thương phẩm và gà giống, trừ chi phí, gia đình Nam thu lãi trên 110 triệu đồng.
Có được thành công như vậy là nhờ Nam đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi khép kín theo quy trình nuôi công nghiệp, trong đó yếu tố phòng, chống dịch bệnh và chế độ dinh dưỡng được đặt lên hàng đầu. Gà giống ngay khi vừa ra khỏi lò ấp đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh Marek.
Sau đó, gà lần lượt được tiêm và cho uống các loại vắc-xin phòng bệnh viêm phế quản truyền nhiễm, Newcatson chủng lasota, Gumboro, đậu, cúm H5N1, hội chứng sưng phù đầu, hội chứng giảm đẻ (đối với gà đẻ)… Nếu không may gà bị bệnh thì phải điều trị theo đúng quy trình, chỉ dùng kháng sinh từ 3- 5 ngày và phải được uống thuốc bổ kèm theo. Cùng với việc phòng, chống dịch bệnh cho gà, Nam còn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình giữ gìn vệ sinh khu vực chăn nuôi.
Anh sử dụng trấu trải xuống nền chuồng và định kỳ một tuần phun 2 lần thuốc sát trùng trộn với men vi sinh Balasa No1 để bảo đảm chuồng sạch sẽ, phân gà sẽ phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường. Sau mỗi lứa gà anh dọn lại chuồng trại, phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột khử trùng và để trống chuồng khoảng 20 ngày trước khi nuôi lứa mới để bảo đảm chuồng trại sạch sẽ, ngăn ngừa dịch bệnh.
Chế độ dinh dưỡng cho gà thương phẩm và gà đẻ cũng khác nhau. Gà thương phẩm cho ăn các loại thức ăn thẳng, cám hỗn hợp cho đến khi xuất chuồng. Đối với gà đẻ, khi được 3 tháng, Nam cho ăn thức ăn thẳng hậu bị trộn với thóc theo tỷ lệ 50:50, mỗi con gà chỉ được ăn 70g/ngày cho đến khi 5 tháng tuổi.
Giai đoạn này cứ 10 ngày kiểm tra cân nặng của gà một lần xem có tăng cân bất thường không, nếu gà tăng cân nhiều thì phải giảm khẩu phần ăn sao cho mỗi con gà chỉ đạt 1,5 - 1,7kg và không bị béo. Khi gà đẻ được 5,5 tháng tuổi thì bắt đầu cho trứng, giai đoạn này cho gà ăn cám dành cho gà đẻ và thóc ngâm mầm theo tỷ lệ 50:50 với mức 100g/con/ngày.
Ngoài trang trại nuôi gà, gia đình Nam còn đảm đương 2 mẫu ruộng và mua 2 máy làm đất, 1 máy tuốt lúa liên hoàn để làm dịch vụ cho người dân trong xã. Không chỉ làm giàu cho gia đình, Nam còn tận tình hướng dẫn, chia sẻ nhiều kinh nghiệm về chăn nuôi cho người dân trong thôn, xã để giúp họ phát triển kinh tế gia đình.
Chia sẻ bí quyết thành công, Nam nói: “Gà lai Đông Tảo có chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng, tuy nhiên rất khó nuôi bởi gà dễ bị mắc dịch, bệnh. Bởi vậy, tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng trừ dịch bệnh cho gà, phải nắm rõ các bệnh, dịch mà gà trong vùng thường xuyên mắc phải để kịp thời phòng tránh.
Bên cạnh đó, tôi chỉ tin tưởng sử dụng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi của những nhà sản xuất có uy tín. Để nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các buổi hội thảo do địa phương, các công ty thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tổ chức và tham khảo tài liệu trên sách, báo”.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, sản lượng cá nước lạnh toàn huyện đạt 195 tấn, bên cạnh đó, lượng cá đến kỳ thu hoạch ở các cơ sở vẫn còn khoảng 20 tấn. Như vậy, ước tính tổng sản lượng cá nước lạnh cả năm sẽ đạt hơn 200 tấn.
Nhằm thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trên diện tích đất vườn đồi tại các xã miền núi huyện Quỳnh Lưu, mấy năm trở lại đây, bà con nông dân đã chủ động đưa vào trồng cây nguyên liệu hương bài. Đây được coi là cây trồng phù hợp loại đất đồi cao, khó khăn về nguồn nước, dễ trồng, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Tấn Sỹ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mương Ðường, xã Tạ An Khương, bộc bạch: “Phương pháp nuôi tôm của tôi chủ yếu là phơi đầm, bón vôi, thả tôm giống và định kỳ bắt tôm hằng tháng. Ðó là những gì học được từ 4 lớp tập huấn. Thế nhưng, rủi ro vẫn còn, thu nhập chưa bền vững, chưa thể lấy sổ đỏ về nhà”.
UBND huyện Thăng Bình vừa ban hành kế hoạch hành động để thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Mục tiêu chung của kế hoạch là chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ phân tán sang tập trung, nâng cao chất lượng, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
Khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc nhưng cá hồng Mỹ còn xa lạ với người nuôi ở Khánh Hòa. Vì thế, đề tài cấp tỉnh “Chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá hồng Mỹ tại Khánh Hòa” được thực hiện nhằm phát triển thêm đối tượng nuôi mới cho người dân địa phương.