Không đòi hỏi diện tích và chi phí cao nhưng lại cho lợi nhuận khá hấp dẫn, nuôi dê thịt đã và đang là mô hình được nhiều hộ tại xã Long Hòa (Phú Tân - An Giang) thực hiện. Cũng nhờ mô hình này mà ông Nguyễn Văn Kìa, ngụ ấp Long Hòa 1 đã có điều kiện cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đi bộ đội năm 1984, sau 3 năm xuất ngũ trở về, ông Nguyễn Văn Kìa bắt tay vào làm kinh tế. Cần mẫn làm ăn, từ nuôi heo, nuôi vịt, đến làm ruộng nhưng không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi. Có lúc ông Kìa gặp khó khăn đến mức phải đi làm thuê, vít đất cho lò gạch để kiếm sống. Tình cờ, ông gặp trong xóm có người nuôi dê, hỏi thăm thấy hiệu quả kinh tế khá cao, kỹ thuật cũng đơn giản nên một lần nữa ông lại quyết chí làm ăn. “Làm gì cũng phải kiên trì, không sợ khó, không sợ thất bại thì mới mong có thành công.
Nghĩ bụng vậy nên tôi cố gắng lắm”, ông bộc bạch. Thời điểm đó, giá dê thịt còn khá rẻ (23.000 đồng/ký), ông mua một lượt 3 con dê cái và 2 con dê con về nuôi. Hàng ngày, vừa rời khỏi lò gạch là ông tranh thủ giấc trưa chạy ra đồng cắt cỏ cho dê ăn. Năm đầu tiên nuôi, 3 con dê cái đẻ lứa đầu 7 con, bán ra được hơn triệu đồng. Hai năm liên tiếp sau đó, số lượng đàn dê tăng lên 20 con, ông luân phiên bán dê con và chừa con cái lại làm giống, và dần dần nghỉ hẳn việc làm thuê để ở nhà phát triển rộng mô hìn
h. Cứ 4 đến 5 tháng, ông lại bán được một lứa với số lượng 5 đến 6 con, giá dê hiện tại đã lên đến 1,6 – 1,7 triệu đồng/con. Chỉ tốn thức ăn nuôi con mẹ nên số tiền này ông Kìa coi như lời trọn.
Cách chăm sóc dê cũng khá đơn giản, với tổng số hơn 20 con trong đàn, mỗi ngày chỉ tốn công cho uống 20 ký cám trộn lẫn với thức ăn. Ngoài ra, dê không kén chọn thức ăn, chúng ăn từ các loại lá cây cỏ đến phụ phẩm nông nghiệp nên rất mau lớn. Tuy nhiên cũng cần thay đổi liên tục vì nếu chỉ ăn một loại thức ăn trong thời gian dài dê sẽ ngán và bỏ bữa. Dê cái nếu được chăm sóc tốt sẽ sinh được từ một đến hai lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 con. Dê con vừa sinh ra sau 10 phút đã có thể đi lại bình thường, bú mẹ trong 20 ngày liên tục và bắt đầu tự tập ăn. Phổ biến nhất trong cách nuôi dê hiện nay là nuôi chuồng khép kín, có thể đóng sàn để thuận tiện trong việc vệ sinh thường xuyên, hơn nữa cũng hạn chế tình trạng dê phá phách vườn.
Tuần tự lứa dê mới ra đời thì ông Kìa đem bán con và chừa lại dê cái để gầy đàn. Đặc biệt vào năm 1998 giá dê tăng cao, kinh tế gia đình ông cũng bắt đầu được cải thiện. Từ một hộ nghèo trong xã, nhờ vào đàn dê gia đình ông Kìa đã được xóa nghèo, có điều kiện cất lại nhà cửa tươm tất. Học hỏi từ thành công của ông, nay trong xã đã có 15 hộ theo nghề nuôi dê thịt. Ông cho biết, thị trường dê thịt và con giống nhiều năm nay được giữ khá ổn định. Đầu ra của các hộ cũng khá thuận lợi nhờ có bạn hàng quen thuộc từ Tân Châu, Sa Đéc (Đồng Tháp) tìm đến mua.