Nuôi dê bằng thảo dược nhàn tênh, nhanh giàu
Từng có việc làm và thu nhập ổn định nhưng khát vọng làm giàu đã hối thúc anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Như Lân, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên) quyết định về quê đầu tư trang trại chăn nuôi dê.
Sở dĩ anh Tuấn chọn con dê để khởi nghiệp làm giàu, vì dê là gia súc đặc sản, dễ nuôi, ít bệnh, phàm ăn, chi phí chăn nuôi thấp, hiệu quả sản xuất cao, có thể chăn thả để dê tự kiếm ăn hoặc nhốt chuồng cho ăn bán công nghiệp.
Nhờ vậy, chỉ sau gần 2 năm nuôi 50 con dê hậu bị bố mẹ, anh Tuấn đã nhân rộng được đàn dê lên hơn 400 con các loại. Từ giữa năm 2017 đến nay đã được bán dê giống và dê thịt, thu lãi bình quân gần 500 triệu đồng/năm, chưa kể nguồn thu từ bán phân dê cũng được vài chục triệu đồng. Chất thải này ủ kỹ với chế phẩm sinh học, rất phù hợp bón các loại hoa, cây cảnh.
Đàn dê về chuồng.
Đạt được thu nhập cao như trên là do, anh Tuấn biết khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của làng quê, có nhiều cỏ non, lá cây mọc sẵn ven đường, bờ ruộng và gần trục các kênh sông... để chăn thả cho dê chủ động tìm ăn.
Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, anh Tuấn còn cho dê ăn thêm một số lá cây thảo dược như cỏ ngọt, cỏ xước, đinh lăng, khổ sâm, kim ngân, ngưu tất, hồng ngọc, bồ công anh... vừa giúp tăng cường khả năng kháng bệnh cho dê, vừa gia tăng chất lượng thịt dê thương phẩm.
Nhờ cách chăn nuôi này, các loại dê của anh Tuấn bao giờ cũng bán được giá cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 10-15%, thậm chí còn đắt hơn nhiều loại dê thịt ở miền núi đưa về.
Kiểm nghiệm thực tế chăn nuôi anh Tuấn đã rút ra: Dê là loại ăn tạp, bên cạnh ăn các loại cỏ non là chính, dê còn ăn cả các lá cây chuối, táo, mít, ổi, xoài, mía, ngô, vối, dâu, so đũa, dâm bụt, sung, lộc vừng, bạch đàn, xà cừ, sanh, si... Đây chính là một trong những lý do để anh Tuấn bổ sung cho dê ăn thêm các lá cây thảo dược nói trên.
Dê đực được nhốt riêng.
Anh Tuấn còn bật mí: Nuôi dê rất nhàn, không bị áp lực thời gian lao động, tiết trời mát mẻ mới mang dê đi chăn, mưa gió, nắng nóng hoặc giá lạnh lùa dê về chuồng, mỗi ngày chỉ cần thả cho dê kiếm ăn 5-6 tiếng là đủ, 2 lao động cỏ thể quản lý được đàn dê 400-500 con, trong đó 1 người chuyên đi chăn, 1 người chuyên tẩy dọn vệ sinh chuồng trại.
Tham quan cơ ngơi khởi nghiệp làm giàu của anh Tuấn chúng tôi thấy: Trang trại ở đây được bố trí rất ngăn nắp và khoa học, có cây xanh chắn gió che nắng, có hồ nước điều hòa tiểu khí hậu, có giàn phun mưa trên mái trại và chuồng sàn cho dê ở, trong đó phân thành nhiều ngăn nhốt riêng dê đực, dê cái, dê thịt và dê nuôi hậu bị, ngoài ra còn có chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ vậy khắp trong và ngoài trại chăn nuôi luôn thân thiện môi trường, sạch sẽ, thoáng mát và không có mùi hôi thối khó chịu.
Nuôi nhốt dê trên sàn.
Mặc dù thường xuyên cho dê ăn thêm lá cây dược liệu, anh Tuấn vẫn định kỳ tẩy giun sán, vacxin phòng dịch đúng lịch thú y trên các bệnh chính (lở mồm long móng, tụ huyết trùng, hoại tử ruột và bệnh đậu). Tránh chăn thả dê ở các khu vực mới phun thuốc trừ cỏ.
Cho dê uống nước sạch sau mỗi lần đi chăn về. Các dụng cụ máng ăn, nước uống đều được tẩy rửa sạch sẽ thường xuyên. Vào các ngày thời tiết khắc nghiệt, không thể đưa dê ra chăn thả ngoài đồng, cần cho dê ăn cám viên công nghiệp chuyên dùng, kết hợp với một số lá cây đã giới thiệu ở phần trên.
Được biết, khi thấy anh Tuấn nuôi dê nhanh giàu, một số hộ ở thôn Lại Ốc (trong xã) đã đến tham quan học tập mô hình và mua con giống về đầu tư chăn nuôi.
“Thịt dê là thực phẩm sạch và bổ dưỡng, nên giá chỉ có tăng hoặc ổn định chứ chưa bao giờ giảm. Theo đó trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng qui mô chuồng trại, nâng số lượng dê nuôi thường xuyên lên 600-700 con, kết hợp giữa chăn thả tự nhiên với nhốt chuồng nuôi thâm canh”, anh Tuấn cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Nonglak xông Anne Anne Thaisin, người sáng lập và CEO của Quality Farm, đã sản xuất tôm thẻ chân trắng ở Thái Lan trong 27 năm
GRP phát triển lớn hơn bất kỳ loài Macrobrachium nào khác . Con cái đạt 25cm trong khi con đực lớn hơn đứng đầu ở mức 32cm, không bao gồm móng vuốt hoặc móng
Qua trao đổi với anh, anh luôn bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các bà con nông dân về kinh nghiệm nuôi cút và lai ghép giống bơ 034.