Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người nông dân thành công với nghề nuôi cút

Người nông dân thành công với nghề nuôi cút
Tác giả: Tạ Minh Đức
Ngày đăng: 26/12/2019

Với trang trại nhỏ trên sườn đồi rộng 4.000m2, người nông dân chuyên cần ấy cặm cụi chăm sóc hai trại cút rộng 400 m2 và hơn 200 cây bơ giống 034 đang cho quả trĩu cành. Anh chính là Nguyễn Văn Lâm hiện cư trú tại thôn 4, xã Đam Bri, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Anh Lâm chăm sóc cút nuôi trong trang trại của mình. Hội Cựu chiến binh Bảo Lộc, Lâm Đồng

Tôi được nghe giới thiệu về anh Lâm là người nông dân cần mẫn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm qua các buổi tập huấn khuyến nông, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ gia đình văn hóa, các buổi tuyên dương tấm gương nông dân sản xuất giỏi. Tôi thầm thán phục và quyết gặp anh bằng được.

Theo lời hẹn, tôi đến nơi khi anh Lâm đang kỳ cầm với cái máy cưa, máy hàn, đo đo, vẽ vẽ để thiết chế các vật tư tiện lợi cho việc chăn nuôi, trồng trọt của mình. Thấy tôi trêu đùa về việc thợ cơ khí mất nghề vì anh, anh nói vui lại: “Nông dân thời đại 4.0 mà, phải biết tư duy sáng tạo, áp dụng kiến thức khoa học, đưa công nghiệp cơ khí vào chăn nuôi, trồng trọt để tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm”.

Quay lại câu chuyện về quá trình sản xuất của mình, anh Lâm chia sẻ: năm 1987, anh vào Lộc Thắng – Bảo Lâm công tác với các nhiệm vụ như trưởng ban thông tin văn hóa, văn phòng của Ủy ban nhân  dân, Hội Nông dân, rồi Mặt trận xã. Năm 2008, anh mua 4 sào vườn ở xã Đam Bri để trồng dâu nuôi tằm, đến năm 2015 thì nghỉ việc và quyết định chuyển về sinh sống hẳn ở Đam Bri để mở trang trại chăn nuôi cút đẻ trứng. Dù vợ con không tán thành nhưng anh vẫn quyết tự đi học hỏi kinh nghiệm nuôi chim cút tại một số trang trại có tiếng trong địa bàn.

Qua nghiên cứu về cút đẻ trứng, anh nhận thấy giống cút rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, sớm cho thu nhập, vòng đời quay nhanh, 3 tháng từ khi nhập con giống là đã có thể thu hoạch trứng, sau khi đã khai thác khoảng 8 - 9 tháng có thể bán cút thịt cho thị trường chế biến các món ăn rất khoái khẩu với nhiều người tiêu dùng. Từ đó, anh mạnh dạn thế chấp đất đai để vay vốn sản xuất với lãi suất 0,97%/năm, thậm chí anh còn vay thêm ngoài với số vốn tổng cộng hơn 500 triệu đồng. Anh chi cho việc xây dựng một trại cút rộng 150 m2 400 triệu đồng, còn 100 triệu đồng để xây hàng rào bảo vệ xung quanh vườn. Sở dĩ anh có thể hạ giá thành đầu tư cho trại cút vì phần cơ khí anh tự làm lấy, chỉ thuê nhân công xây.

Số lượng giống ban đầu là 800 con chim cút giống, sau 3 tuần cút đẻ trứng với tỷ lệ 90 - 93%, sản lượng trứng thu được dao động ở mức 70 - 75 kg trứng/ngày. Với giá thấp nhất là 35 nghìn/kg, thu nhập lúc đó của anh ở mức khoảng trên 25 triệu đồng/tháng.

Đến nay anh cũng tích lũy được một số vốn và thấy nghề mình chọn là đúng hướng nên anh quyết định xây dựng thêm 1 trại cút rộng 250 m2, tăng đàn lên 20 nghìn con. Sau 40 ngày anh đã có thu hoạch, tỷ lệ cút đẻ vẫn giữ ở mức 90 - 93%, anh thu 1 ngày 2 tạ trứng với giá 35 nghìn, có lúc tới 40 nghìn/kg. Tính ra, bình quân 1 ngày anh thu được gần 7 triệu đồng, trừ chi phí anh lãi gần 2,5 triệu đồng/ngày. Ngoài ra anh còn trồng thêm 200 gốc bơ giống 034, như vậy trong 1 năm, cộng cả thu hoạch bơ gia đình anh cũng có thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Tất cả các khâu cám, thu mua trứng đều do các đại lý đến tận trại cung cấp và thu mua. Khi cút hết thời kỳ thu hoạch cũng có đại lý bao tiêu luôn, làm thịt tại cơ sở rồi đông lạnh và vận chuyển tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi lần khoảng 3,5 tấn, giá cút thịt là 45 - 50 nghìn đồng/kg hơi, anh cũng thu về một lượng vốn kha khá để tái đàn.

Anh nói vui với tôi rằng: “Cút chẳng vứt đi đâu tí nào, mình mượn nó đẻ lấy trứng bán, khi hết chu kỳ đẻ bán làm thực phẩm, lông chim ủ làm phân, phân thu dọn chuồng bán cho bà con trồng cà phê và cũng được 10 triệu đồng/tháng.”

Trong quá trình chăn nuôi gần 5 năm nhưng anh chưa bị thất bại lần nào vì  anh làm khâu vệ sinh và công tác phòng bệnh của anh rất tốt. Ngoài ra, anh còn cho cút ăn thêm những thức ăn giàu dinh dưỡng như vitamin C và canxi. Đặc biệt anh không sử dụng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi và trồng cây bơ.

Vào thăm trại cút của anh, tôi không khỏi thích thú với vườn bơ giống 034 xanh tốt đang kỳ cho trái, các cành đều trĩu quả. Với giá bơ hiện nay khoảng 75.000 đồng/kg, anh thu năm thứ hai khoảng 7 tạ cũng được hơn 50 triệu đồng. Anh chia sẻ, cây bơ xanh tốt và nhìn “mỡ màng” là nhờ được chăm sóc chu đáo và luôn bón phân hữu cơ (phân cút ủ vi sinh).

Với người nông dân cần mẫn, thông minh như anh, thành quả mang lại là điều hiển nhiên. Anh đang sở hữu một căn biệt thự sang trọng với đầy đủ tiện nghi, một chiếc xe hơi đời mới và những chậu hoa cảnh làm đẹp thêm khuôn viên sân vườn. Anh cũng đi đầu trong việc hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Anh đã đóng góp hơn 6,5 triệu đồng để làm đường liên thôn và tự bỏ ra hơn 70 triệu đồng cộng với nhiều ngày công để đổ bê tông 1 con đường ngang xóm rộng 5 mét để bà con đi lại được thuận tiện và sạch sẽ.

Qua trao đổi với anh, anh luôn bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các bà con nông dân về kinh nghiệm nuôi cút và lai ghép giống bơ 034.


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu từ cá lóc bông Làm giàu từ cá lóc bông

Nhờ mạnh dạn đầu tư, chi Trần Thị Hòa cư ngụ tại ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành công và có thu nhập tiền tỷ nuôi cá lóc

20/12/2019
Làm thế nào để đi đầu trong nuôi tôm Làm thế nào để đi đầu trong nuôi tôm

Nonglak xông Anne Anne Thaisin, người sáng lập và CEO của Quality Farm, đã sản xuất tôm thẻ chân trắng ở Thái Lan trong 27 năm

23/12/2019
Tôm sông khổng lồ: một cách tiếp cận mới cho nuôi tôm toàn cầu? Tôm sông khổng lồ: một cách tiếp cận mới cho nuôi tôm toàn cầu?

GRP phát triển lớn hơn bất kỳ loài Macrobrachium nào khác . Con cái đạt 25cm trong khi con đực lớn hơn đứng đầu ở mức 32cm, không bao gồm móng vuốt hoặc móng

25/12/2019