Nuôi Cua Đồng Trên Ruộng Ở Đồng Tháp

Tận dụng trong mùa lũ nguồn cua đồng ngoài tự nhiên dễ tìm và giá thấp, nhiều nông dân ở ấp Khánh Nhơn và Khánh An, xã Tân Khánh Trung đầu tư mua cua và nuôi giữ đợi đến thời điểm giá cua lên cao mới thu hoạch. Hầu hết những nông dân thực hiện mô hình này đều có kinh nghiệm nuôi cua từ một vài năm trước nên có sự chuẩn bị tương đối tốt cho vụ nuôi năm nay.
Ruộng nuôi cua được chuẩn bị có bờ bao xung quanh và được rào kỹ bằng cao su để tránh cua di chuyển ra ngoài. Trong ruộng nuôi trồng nhiều rau muống, thả lục bình hoặc tàu dừa và giữ mực nước phù hợp để cua có nơi trú ẩn và phát triển thuận lợi. Hàng ngày theo dõi, quan sát xung quanh ruộng nuôi đề kịp thời phát hiện những nơi rò rỉ, những chỗ cao su bị rách, từ đó có hướng khắc phục kịp thời để cua không bị thất thoát ra bên ngoài. Định kỳ từ khoảng 5 ngày cho cua ăn một lần bằng khoai mì, ngoài ra có thể cho cua ăn thêm cám.
Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân thì để nuôi đạt hiệu quả cần mua cua giống cỡ lớn và cứng vỏ, bên cạnh đó cần thả nuôi tập trung trong thời điểm từ tháng tám đến giữa tháng chín âm lịch. Không nên thả giống kéo dài để tránh có quá nhiều lứa cua trong ruộng, dễ dẫn đến cua tấn công trong lúc lột xác, làm hao hụt lớn.
Hiện nay tại các ruộng nuôi, cua đang phát triển thuận lợi và hầu hết các hộ nuôi đều nhận định tình hình sẽ khả quan hơn so với năm 2011. Được biết các ruộng nuôi cua năm nay sẽ được thu hoạch vào giữa tháng 12 âm lịch hoặc tháng giêng năm 2013 vì theo nông dân thời điểm đó cua có giá cao nên sẽ đạt được hiệu quả khả quan.
Thiết nghĩ, hiện nay nhu cầu về cua đồng trên thị trường khá lớn và giá cua khá cao nên nuôi cua đồng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao nên nông dân có thể nghiên cứu học tập kinh nghiệm để đầu tư thực hiện trong mùa lũ năm 2013.
Có thể bạn quan tâm

Tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) có gần 18.500 con. Bà con nông hộ thường chọn nuôi các giống bò ngoại như: Bradman, RedShinhi, Sahiwal, Lymousine và bò lai tạo từ bò địa phương với các giống bò ngoại, phân bố tập trung tại các xã An Thạnh, Thành Thới A, Đa Phước Hội và Tân Trung.

Ông Lưu Xuân Mộc, ấp Bùng Binh 1, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, là người thành công nhất trong xã về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “bậc cao” nhờ áp dụng những cải tiến kỹ thuật trong cách nuôi.

Qua 2 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) đã xây dựng 11 mô hình sản xuất nhân giống lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản; thành lập 124 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với 398 lao động tham gia.

Phú Yên đang có dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc ở một số xã. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các ngành chức năng đã cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch. Tuy nhiên lại rất khó kiểm soát phân bò khi nó đang là mặt hàng được mua bán khá rộ.

Những năm gần đây, nông dân các xã Phước Long, thị trấn Phước Long, Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) mở rộng diện tích trồng màu và phát triển mô hình đa canh trên đất bờ bao vuông tôm. Việc làm này vừa hạn chế cỏ mọc xung quanh bờ bao, vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.