Thôi công chức về quê làm vua thỏ
Trong ảnh: Phạm Văn Dũng đang chăm sóc đàn thỏ sinh sản trong trang trại. Ảnh: Đ.H
Dũng tốt nghiệp đại học và thi đỗ vào công chức công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Điện Biên. Đùng một cái, người thân, bạn bè ngỡ ngàng khi cuối năm 2013, Dũng xin nghỉ việc, thôi công chức về quê lập trang trại. Bố mẹ, vợ con, bạn bè ai cũng can ngăn bởi để có được vị trí công chức đó không hề dễ, với lại trông cái tướng thấp bé, nhẹ cân, “trói gà không chặt” của Dũng ai cũng ái ngại khi anh “đâm đầu” vào làm nông nghiệp-cái nghề vốn bị nhiều thanh niên muốn chán bỏ.
“Thực ra, từ lâu em đã mê làm trang trại. Đọc báo, xem tivi thấy chỗ này, chỗ kia, có bác này, bác nọ làm trang trại hiệu quả em thích lắm. Trước khi quyết định nghỉ công chức, em đã tranh thủ đi tham quan, học hỏi tại nhiều trang trại lớn khắp miền xuôi, miền ngược. Thăm, hiểu rồi lại càng thấy mê hơn…” - Dũng bộc bạch
Đầu năm 2014, Dũng huy động vốn của gia đình, bạn bè, vay mượn thêm bên ngoài được 3 tỷ đồng bắt tay vào xây dựng trang trại tổng hợp trên diện tích 3ha. Ông chủ trang trại tổ chức khu nuôi thỏ sinh sản; nuôi gà thả vườn; khu nuôi cá; vườn trồng đinh lăng; trồng gấc… Ấy mà mới có hơn 2 năm, Dũng đã được nhiều người gọi là “Vua thỏ” ở đất Điện Biên. Khu chuồng thỏ rộng 2.000m2 thiết kế theo hướng chăn nuôi công nghiệp, an toàn sinh học. Hiện, khu chuồng đang nuôi 600 cặp thỏ bố mẹ. Trong 2 năm gần đây, mỗi năm trang trại xuất bán ra thị trường 1.000 con giống và 1,5 tấn thỏ thịt thương phẩm với doanh thu 2,5-3 tỷ đồng/năm.
Phần lớn diện tích trang trại được Dũng trồng gấc và cây đinh lăng. Gấc quả và một số bộ phận của cây đinh lăng sau khi thu hoạch được Dũng sơ chế, bảo quản và sau đó cung ứng cho Công ty Dược phẩm Hapharco (Hà Nội). “Trước khi bắt tay vào làm trang trại, em đã liên hệ, đầu mối các địa chỉ hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Đối với con thỏ, thị trường tỉnh Điện Biên vẫn còn nhu cầu rất lớn. Riêng một số loài đặc sản khác mà em đang nuôi thử nghiệm như con đà điểu thì em sẽ căn cứ vào việc mở rộng đầu mối tiêu thụ để quyết định nâng số lượng, sản lượng khi cần…”-Dũng lý giải.
Khi nói về dự định trong tương lai gần, Phạm Văn Dũng tỏ ra phấn khởi: “Em đang lên kế hoạch mở rộng mặt bằng, khuôn viên trang trại để đầu tư nuôi 2 vật nuôi mới, đó là lợn ngoại và 1 trại bò sinh sản. Trước mắt, em đang tập trung vào xây dựng 1 trại nuôi lợn ngoại với quy mô 200 nái và vài trăm lợn thịt. Diện tích trại lợn khoảng 600-1.000m2. Sau trại lợn, em sẽ xây dựng 1 trại nuôi bò sinh sản với quy mô đàn ban đầu khoảng vài chục con bò mẹ…”.
Những lời của Dũng nếu nói ra trước thời điểm anh bỏ công chức về làm nông dân chắc không ai tin, kể cả bố mẹ, vợ con. Nhưng hiện nay, Dũng nói ra ai cũng tin tưởng. “Năm đầu tiên làm, tự em làm hết các việc từ nuôi, trồng, thu hoạch, sơ chế để định lượng cho việc quản lý. Từ năm thứ 2 trở đi, em thuê lao động còn mình tập trung điều hành, quản lý, phát triển trang trại sao cho hiệu quả nhất…”- chàng nông dân 8x Phạm Văn Dũng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi hươu lấy nhung được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah triển khai từ năm 2013. 3 năm qua, 2 hộ tham gia mô hình được cấp 8 con hươu giống nay đã nâng tổng đàn hươu lên 18 con, bước đầu đã giúp các gia đình có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán nhung hươu.
Mít Thái là loại cây ăn quả dễ trồng, quả sai, múi to, hạt nhỏ, vỏ mỏng, thơm ngon và ngọt. Mô hình trồng mít Thái của gia đình anh Trần Văn Thuận ở xóm Vệ Nông xã Vân Diên (Nam Đàn) cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ năm đang mở ra nhiều triển vọng mới cho các vùng đất bán sơn địa...
Dù không có diện tích để canh tác hay trồng trọt nhưng người tiêu dùng vẫn có cơ hội sở hữu vài cây xoài, thậm chí cả vườn xoài đặc sản ở huyện Cao Lãnh thông qua mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Đây là ý tưởng độc đáo của Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh với mong muốn mang sản phẩm của mình đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.