Nuôi cá trong ruộng
Tự đó tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập.
Đây là mô hình vừa góp phần tăng thu nhập cho nông hộ vừa bảo vệ môi trường sinh thái trên đồng ruộng.
Mùa nước nổi là thời điểm mà nhiều hộ nông dân không làm lúa thu đông ở xã vùng sâu Tân Phú bắt đầu cho cuộc sống mưu sinh từ việc trồng nấm rơm, thả lưới để kiếm thêm nguồn thu nhập và đặc biệt hơn là phát triển mạnh mô hình nuôi cá ruộng.
Với hơn 7 năm kinh nghiệm trong thực hiện mô hình 2 lúa 1 cá, vụ nuôi cá ruộng năm nay ông Trần Minh Châu, ấp Tân Hưng 2, xã Tân Phú thả 60 kg giống cá sặc rằn con.
Theo ông Châu, nuôi cá ruộng không khó, điều quan trọng nhất trong thực hiện mô hình này là phải gia cố bờ bao xung quanh thật vững chắc để tránh thất thoát.
Ở vụ nuôi cá ruộng đợt rồi với khoảng 1 ha thực hiện mô hình nuôi cá sặc rằn, cùng giá bán dao động từ 55.000 - 60.000đ/kg, sau khi trừ hết các khoản chi phí, đem lại lợi nhuận cho gia đình trên dưới 40 triệu đồng.
Ông Trần Minh Châu cho biết: “Tôi nuôi như vậy tới rằm tháng 7 là thu hoạch lai rai một ngày vô 200 ngàn. Nếu như diện tích ruộng của gia đình mỗi vụ tôi lời khoảng hai mươi mấy triệu, nếu tính ra nuôi cá lời bốn mươi mấy triệu mà nhẹ công hơn so với làm lúa”.
Theo bà con nông dân, hình thức nuôi cá này sẽ không tốn chi phí đầu tư nhiều, bởi cá khi sống trên ruộng sẽ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cua, ốc bươu vàng, sâu rầy, rong, rêu; khi thu hoạch lại cho năng suất cao.
Với đặc thù là xã vùng sâu, đất nhiều lung, trũng là điều kiện thuận lợi để người dân nơi đây thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng.
Những năm trước đây ông Huỳnh Văn Đỏ thường chọn thực hiện mô hình nuôi cá trong ao. Sau khi được đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước cũng như sự giúp đỡ về cách thức nuôi từ cán bộ khuyến nông xã nên vụ này thu hoạch lúa hè thu xong, ông mạnh dạn thả nuôi 100 kg cá giống chủ yếu là mè trắng, rô phi, sặc rằn, mè Vinh. Hy vọng vụ cá ruộng năm nay sẽ thu được nguồn lợi nhuận khá.
Nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa nước nổi thay vụ lúa thu đông kém hiệu quả là một tín hiệu đáng mừng, ý thức của nông dân đã dần được thay đổi từ SX độc canh 3 vụ lúa/năm, chuyển sang hình thức luân canh lúa - cá mang lại lợi ích kinh tế cao.
Ngoài ra, ưu điểm của việc nuôi cá trên ruộng là người dân chỉ đầu tư con giống ban đầu, giảm được chi phí về thức ăn, không tốn nhiều công chăm sóc mà cá vẫn lớn bình thường do ăn thức ăn sẵn có trong ruộng, chỉ sau 3 - 4 tháng là thu hoạch.
“Nuôi cá đồng tự nhiên thấy cũng có lợi, cắt lúa xong mình rào lại thì nó đẻ hoài. Vốn bỏ ra không nhiều song cá mau lớn, lợi nhuận cũng cao”, ông Huỳnh Văn Đỏ cho biết thêm.
Xác định nuôi cá ruộng trong mùa nước nổi là một trong những mục tiêu phát triển đa dạng ngành nuôi thủy sản nước ngọt, thời gian qua chính quyền xã Tân Phú đã tích cực hướng dẫn bà con cải tạo bờ bao thủy lợi, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, con giống…
Ngoài kiếm thêm thu nhập, mô hình nuôi cá ruộng còn giúp nông dân diệt được phần nào mầm mống sâu bệnh cho lúa ở những vụ sau. Hằng đêm, những hộ có điều kiện sẽ đốt vài bóng đèn lấy ánh sáng dẫn dụ các loại côn trùng, rầy đến để làm mồi cho cá.
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp vụ lúa tiếp theo giảm chi phí về phân bón. Nhờ vậy mà diện tích nuôi cá trên ruộng trên địa bàn Tân Phú không ngừng tăng lên.
Theo thống kê, hiện toàn xã có 195 ha nuôi thủy sản, trong đó nuôi ao mương 75 ha và nuôi theo hình thức dưới ruộng 100 ha.
Theo ông Lâm Anh Tuấn, cán bộ khuyến nông xã Tân Phú: “Cái lợi lớn nhất của mô hình nuôi cá ruộng không chỉ ở thu nhập mà quan trọng là làm cho đất màu mỡ và nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Có một số nguyên nhân dẫn đến nuôi cá ở vụ 3 làm đất nhiều dinh dưỡng hơn ở vụ sau. Đó là khi bơm nước vào để nuôi, đất có thời gian nghỉ ngơi, bồi lắng lại dinh dưỡng từ phù sa, thêm vào đó khi cá ăn thức ăn sẽ thải lại lượng phân, rất có lợi cho việc tăng phì nhiêu cho đất”.
Có thể bạn quan tâm
Sáu tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 252,9 triệu USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2014. Kinh tế Nhật Bản vẫn chưa cải thiện nhiều khiến nhu cầu tiêu thụ tôm giảm. Đồng yên mất giá so với USD cũng làm giảm NK tôm vào Nhật Bản.
Mặc dù sản phẩm thủy sản Việt Nam được thị trường các nước đón nhận, đánh giá cao. Song theo giới chuyên môn, ngành thủy sản cần đổi mới phương thức đánh bắt và nuôi trồng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu về chất lượng. Đặc biệt, những quy chuẩn mà thị trường các nước đưa ra…
Trạm Khuyến nông TP Quy Nhơn (Bình Định) vừa tổng kết mô hình “Vỗ béo bò thịt” năm 2015 tại xã Nhơn Hội. Có 5 hộ tham gia mô hình, mỗi hộ nuôi vỗ béo 1 con bò. Các hộ được tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò được Nhà nước hỗ trợ 100% giống cỏ Mulato - tương ứng hỗ trợ 300kg cỏ giống/hộ và 30% vật tư gồm thức ăn tinh, thuốc thú y...
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi heo tại BR-VT phát triển mạnh, kéo theo vấn nạn ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn đang từng bước ứng dụng hầm biogas tại trang trại và đã mang lại hiệu quả, nhưng mô hình này chưa được nhân rộng.
Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động nhập khẩu sản phẩm động vật đang tồn tại nhiều bất cập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nông sản trong nước đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, nội tại ngành chăn nuôi vẫn đang có rất nhiều yếu kém...