Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Tra Cần Tính Toán Kỹ

Nuôi Cá Tra Cần Tính Toán Kỹ
Ngày đăng: 17/08/2011

Mặc dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra mức giá sàn đối với cá tra nguyên liệu là 26.000 đồng/kg (loại cá 800g/con) và 24.000 đồng/kg (đối với cá quá lứa) nhưng các doanh nghiệp (DN) chỉ thu mua cầm chừng với giá thấp, khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Vì thế, khi đầu tư thả nuôi tiếp, bà con cần tính toán kỹ để giảm thiểu thiệt hại.

Mới đây, ông Be, một hộ nuôi ở ven sông Hậu (Phú Tân - An Giang) bán 50 tấn cá tra quá lứa với giá 19.500 đồng/kg, lỗ gần 2.000 đồng/kg. Ông Be cho biết: "Tháng trước, cá trong hầm đạt 1kg/con thì tôi nghe thông tin giá cá giảm xuống chỉ còn 24.000 đồng/kg, nhưng cá phải có size (cỡ) 800g, còn cá từ 1kg trở lên thương lái không chịu mua. Sau đó, tôi lại nghe thông tin VASEP đưa ra giá sàn 26.000 đồng/kg (size 800g), còn cá quá lứa giá 24.000 đồng/kg, đã mừng thầm. Tuy nhiên, tôi chẳng thấy doanh nghiệp nào thu mua theo giá sàn. Không chờ nữa, tôi đành phải bán cá chợ với giá 19.500 đồng/kg. Nếu giá cá tra cứ thất thường hoài, chắc tôi nghỉ nuôi".

Từ lâu, cá tra đã được xác định là mặt hàng xuất khẩu chiến lược, tuy nhiên nông dân chưa thực sự được hưởng lợi mà vẫn luôn phải chịu thiệt thòi so với các doanh nghiệp. Những năm qua, ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp "căn cơ" để ngư dân có lãi trên ao cá, nhưng vẫn chưa khả thi. Cái vòng luẩn quẩn tăng giá, rồi sụt giảm cứ vây mãi người nuôi.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang, hiện toàn tỉnh có gần 1.000ha cá tra nuôi trong ao hầm, sản lượng đạt trên 172.000 tấn, tuy nhiên, người nuôi đang thiếu vốn tái sản xuất và mở rộng quy mô, trong khi ngân hàng không mạnh tay cho vay như trước bởi tỷ lệ các doanh nghiệp lẫn người nuôi cá tra nợ quá hạn cao. Một số khách hàng cũ được cho vay lại nhưng định mức cũng hạn chế, trong khi đó, chi phí đầu vào liên tục tăng cao, riêng giá thức ăn chăn nuôi thủy sản đã tăng hơn 10%. Nếu giá cá tra không ổn định, người nuôi chắc chắn lỗ.

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang nhận định, một nghịch lý mà lâu nay nông dân phải gánh chịu là VASEP đưa ra giá sàn nhưng các công ty lại chỉ mua theo giá thị trường, nếu hộ nào đồng ý giảm xuống 24.000 đồng/kg (cá size 800g) thì mới mua. VASEP thì cho rằng, các doanh nghiệp tự đầu tư vùng nuôi ngày càng nhiều, do đó giá thành giảm xuống thấp hơn 20%... Nếu thực sự như vậy, nông dân sẽ nghỉ nuôi, bởi đầu tư với giá thành cao hơn so với DN. Tuy nhiên, các vùng nuôi của nhà máy chỉ cung cấp được khoảng 40-50% nguyên liệu, còn lại là do ngư dân cung ứng. An Giang có 17 DN và 23 nhà máy, công suất thiết kế trên 349.800 tấn/năm, công suất thực tế là 323.000 tấn/năm, so với sản lượng cá hiện nay thì hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu cho chế biến xuất khẩu, chứ không thừa. Vậy mà người dân vẫn phải bán cá với giá thấp.

Do đó, để việc nuôi cá tra thực sự bền vững và để người nuôi có lãi, ông Bình kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành Nghị định sản xuất và tiêu thụ cá tra; thiết lập quỹ hỗ trợ giúp đỡ nông dân khi gặp khó khăn và giảm bớt rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng quy chuẩn và quy chế đánh giá công nhận chuỗi liên kết dọc với các tiêu chí rõ ràng, đồng thời ban hành giá sàn cá nguyên liệu trên cơ sở tính giá thành nguyên liệu đầy đủ chi phí, kể cả lãi suất nếu công ty trả chậm 1 tháng. Từ đó, định giá sàn xuất khẩu hợp lý cho từng thị trường. Nếu doanh nghiệp nào xuất khẩu dưới giá sàn thì sẽ xử phạt tương đương giá trị phá giá và đưa vào quỹ bình ổn giá...


Có thể bạn quan tâm

Truyền Thông Australia Thông Tin Tích Cực Về Thủy Sản Việt Nam Truyền Thông Australia Thông Tin Tích Cực Về Thủy Sản Việt Nam

Đài Truyền hình ABC của Australia vừa phát phóng sự về hoạt động nuôi trồng thủy sản trong nước và nhu cầu rất lớn đối với loại mặt hàng này, trong đó đánh giá tích cực về thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.

22/02/2014
Ghép Chồi Cà Phê Ở Ðắk Mil Mang Lại Kết Quả Khả Quan Ghép Chồi Cà Phê Ở Ðắk Mil Mang Lại Kết Quả Khả Quan

Trong những năm gần đây, để cải tạo các diện tích cà phê già cỗi, người trồng cà phê trên địa bàn huyện Đắk Mil đã thực hiện “trẻ hóa” vườn cây bằng cách áp dụng kỹ thuật ghép chồi.

18/03/2014
Cá Da Trơn Của Việt Nam Áp Dụng Tiêu Chuẩn Ngang Đồng Với Hoa Kỳ Cá Da Trơn Của Việt Nam Áp Dụng Tiêu Chuẩn Ngang Đồng Với Hoa Kỳ

Chúng tôi lo ngại những quy định mới trong Luật Nông nghiệp 2014 của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản của Việt Nam cũng như người tiêu dùng Hoa Kỳ

22/02/2014
Bán Đổ, Bán Tháo Gia Cầm Bán Đổ, Bán Tháo Gia Cầm

Dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh và có chiều hướng lây lan nhanh. Thế nhưng, rất nhiều người vẫn tỏ ra rất lơ là, thậm chí tìm cách tuồn gia cầm bệnh ra khỏi vùng dịch bán để tránh bị tiêu hủy.

22/02/2014
Bao Giờ Rau Có VietGAP Bao Giờ Rau Có VietGAP

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam (gọi tắt là VietGAP) được xem là giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích bền vững giữa kinh tế (người sản xuất, người tiêu dùng) và môi trường. Thế nhưng, tại Quảng Ngãi, vấn đề này dường như đang bị bỏ ngỏ…

18/03/2014