Nuôi Cá Tầm Ở Tây Giang Người Dân Bắt Đầu Hưởng Lợi
Sau bước đầu nuôi thí điểm thành công giống cá tầm xứ lạnh của Nga, giờ đây người dân khu vực Tr’Lêê (thôn Agrồng, xã A Tiêng, Tây Giang - Quảng Nam) đã bắt đầu hưởng lợi từ mô hình này, mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng cao.
Vào đầu tháng 1.2013, Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang chuyển giao kỹ thuật nuôi cá tầm cho người dân khu Tr’Lêê để họ trực tiếp quản lý, chăm sóc ao cá trong suốt quá trình nuôi đến khi thu hoạch đã góp phần tạo ra nguồn sinh kế mới cho người dân địa phương.
Gặp chúng tôi khi vừa cho cá tầm ăn xong, anh Bling A Hùng - cán bộ Mặt trận thôn Agrồng cho biết: “Sắp tới người dân khu Tr’Lêê sẽ được hưởng lợi từ việc nuôi cá tầm, vì đây là loại cá có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao và đang được thị trường ưa chuộng nên người dân hăng hái tham gia nuôi. Khu Tr’Lêê có 11 hộ dân, mỗi hộ một ngày thay phiên nhau chăm sóc cá. Đàn ông phụ trách cho cá ăn và bơm xả nước, còn phụ nữ thì dọn vệ sinh ao cá, mỗi người một phần việc. Cá nuôi tới khoảng cuối năm nay thì sẽ thu hoạch”.
Lượng giống cá tầm thả nuôi trong lần này là 600 con, dự kiến tỷ lệ hao hụt là 16% và thời gian nuôi từ 12 - 14 tháng, khi cá đạt trọng lượng từ 2 - 2,5kg/con là có thể xuất bán được. Hiện mỗi ký cá trên thị trường có giá khoảng 150 - 200 nghìn đồng, với mức giá này thì lợi nhuận có thể thu được trên 50% vốn đầu tư, vượt xa so với đầu tư các loại giống thủy sản khác trên địa bàn. Bà Blúp Thị Mêếh (khu Tr’Lêê, thôn Agrồng) phấn khởi chia sẻ. “Nhà nước đầu tư ao, cá giống, thức ăn và đầu ra cho sản phẩm, bà con chúng tôi chỉ việc chăm sóc và hưởng thành quả.
Chính vì thế mà bà con ở đây vui mừng và phấn khởi lắm. Khó khăn ban đầu của bà con là kỹ thuật, nhưng giờ thì không phải lo nữa bởi cán bộ phòng nông nghiệp hướng dẫn rất kỹ. Nhìn những con cá ngày càng lớn chỉ chờ ngày bán, chúng tôi tin đây sẽ là hướng giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.
Hiện tại, cá tầm nuôi tại ao nước tự chảy rộng 200m2 phủ bạc ni lông tại suối đầu nguồn khu Tr’Lêê để tránh các tác động do con người gây ra. Các hộ nuôi phải thực hiện công tác quản lý chăm sóc cá theo đúng quy trình chuyển giao nuôi cá tầm nước lạnh như: thay nhau trực, xử lý tình huống, cho cá ăn đúng giờ, trực quản lý ao cá 24/24 giờ…
Ông Hồ Đắc Vinh - Phó phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết: “Điều kiện tự nhiên của Tây Giang rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của giống cá tầm.
Sau khi lứa đầu tiên nuôi thành công và được xuất bán với giá trị cao, chúng tôi bắt đầu chuyển giao kỹ thuật cho người dân khu Tr’Lêê để họ tự chăm sóc, quản lý và hưởng lợi. Hiện tại, cá sau khi được chuyển giao cho người dân đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Dự kiến khoảng cuối năm 2013 sẽ cho xuất ao”. Trong tương lai, Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cũng dự kiến nhân rộng mô hình nuôi cá tầm theo hướng gia trại, trang trại và kêu gọi sự đầu tư từ các doanh nghiệp bên ngoài để phát triển thêm mô hình này nhằm tận dụng nguồn lao động hiện có tại địa phương, mở ra hướng thoát nghèo cho Tây Giang.
Có thể bạn quan tâm
Vụ hè thu này toàn tỉnh Trà Vinh có gần 800 ha trồng khoai lang tím nhật, tập trung chủ yếu ở Duyên Hải, Cầu Ngang và huyện Trà Cú, đến nay thu hoạch được gần 80% diện tích, số còn lại đã quá ngày thu hoạch nhưng vẫn không tìm được người mua.
Mô hình được thực hiện với diện tích 1ha trên chân đất vàn, tầng canh tác dày tại xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải. Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình chịu tránh nhiệm tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân, với hình thức gieo mạ non trên nền đất cứng.
Thời gian qua, nhiều hộ dân trên tuyến bờ bao thuộc ấp 12, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) tận dụng diện tích bờ bao lâm phần để trồng khoai môn. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên hầu hết diện tích khoai môn của người dân đều phát triển tốt. Hiện bà con đang bước vào vụ thu hoạch, trúng mùa nên ai nấy đều phấn khởi.
Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Gò Công tại ấp Tân Xã, xã Long Hòa (thị xã Gò Công, Tiền Giang) hoạt động từ ngày 21-8-2006 chủ yếu là sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Từ đó đến nay, HTX không ngừng lớn mạnh, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định được thương hiệu, trở thành cầu nối giữa nông dân và người tiêu dùng.
Những ngày gần đây, thanh long tại các nhà vườn trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An đang hút hàng. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 100 xe container, xe tải từ Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tiền Giang… chạy về Châu Thành để lấy hàng đi xuất khẩu.