Nuôi Cá Ruộng Lúa
Huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) có diện tích lớn nuôi cá trong ruộng tập trung nhiều ở các xã Thới Hưng, Đông Thắng, Đông Hiệp. Riêng xã Thới Hưng có 1.500 hộ nuôi cá trong ruộng, chiếm 3.300 ha mặt nước.
Ông Lê Văn Trực ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cho biết: Sau khi làm xong vụ lúa TĐ ông thả cá nuôi nhằm tận dụng nguồn nước. Sau gần 3 tháng đàn cá trong ruộng phát triển tốt sắp đến đợt thu hoạch để trả lại mặt bằng xuống giống vụ ĐX. Ước tính vụ cá ruộng năm nay, lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá ruộng tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu rầy cũng như các loại hoá chất khác bừa bãi khi làm lúa. Phải đảm bảo nguồn nước trong ruộng sạch thì mới nuôi được.
Nuôi cá trong ruộng lúa vào mùa lũ để tránh hao hụt cần có lưới bao xung quanh. Năm nay ông Trực thả trên 40 kg cá giống mè, chép, rô phi. Thức ăn cho cá không tốn nhiều. Hàng đêm, ông đốt vài ba bóng đèn lấy ánh sáng dẫn dụ các loại côn trùng, sâu rầy đến để làm mồi cho cá. Nuôi cá mùa này, ngoài việc kiếm thêm thu nhập, còn nhờ cá diệt được mầm mống sâu bệnh và để lại phân, phù sa trên đồng có lợi cho vụ sau.
Ông Lâm Minh Trí, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cờ Đỏ cho biết: Nhiều năm nay mô hình nuôi cá ruộng tăng dần diện tích. Đặc biệt, mùa lũ năm nay diện tích mặt ruộng thả nuôi đã đạt gần 5.000 ha. Mô hình đem lại lợi nhuận không thua gì trồng lúa.
Chỉ cần đầu tư con giống ban đầu, không tốn nhiều công chăm sóc hay tiền thức ăn mà cá vẫn lớn. Đa phần nông dân ở đây nuôi cá ruộng khi hết vụ lúa tận dụng gốc rạ, lúa chét để thả cá.
"Nuôi cá trong ruộng có nhiều cái lợi, vụ sau giảm được lượng phân bón đáng kể từ 20 - 30%. Tuy mô hình đơn giản dễ thực hiện, nhưng đòi hỏi người nuôi phải chăm chỉ thường xuyên kiểm tra cống, bọng, lưới bao xung quanh ruộng để hạn chế sinh vật ăn cá vào ruộng. Đồng thời, đảm bảo cho cá không thất thoát ra ngoài trong suốt quá trình nuôi", ông Trí chia sẻ.
Tại huyện Thới Lai cũng có nhiều hộ nuôi cá hiệu quả. Sau khi thu hoạch vụ lúa TĐ, anh Nguyễn Thanh Long ở ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai đã khép kín 1,3 ha đê bao để thả cá. Trên mặt đê, anh còn trồng kết hợp thêm dưa leo, khổ qua.
Theo anh Long, nuôi cá trên ruộng lúa vào mùa lũ không cần tốn thức ăn. Cá chép sẽ ăn lúa còn sót lại hoặc trùn nước, cá mè ăn rong rêu, cá lóc săn các loại cá nhỏ như lòng tong, cá linh. Nhờ vậy mà anh giảm được chi phí, mỗi vụ thu lời từ 15 - 20 triệu đồng.
Còn anh Nguyễn Văn Hiền, ấp Trường Thọ 1, xã Trường Xuân thì nuôi cá trong vèo. Anh Hiền cho biết: “Đến nay đàn cá được 3 tháng tuổi, nhìn chung phát triển mạnh, ăn khỏe. Dự định 2 tuần nữa có thể thu hoạch trên 1,2 tấn cá. Nếu bán với giá 28.000 - 30.000 đ/kg, lời từ 7 - 8 triệu đồng, còn nếu giá cao hơn tôi kiếm được cũng chục triệu”.
Ông Bùi Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân cho biết: Toàn xã có trên 300 hộ nuôi cá, khu vực nuôi đạt hiệu quả cao nhất là kinh Đôi (ấp Phú Thọ), kế đến là trên kinh Bà Đầm (ấp Trường Thọ 1). Đây là thời điểm dễ kiếm mồi, người nuôi chỉ cần bắt cua, ốc và các loại cá nhỏ làm thức ăn cho cá, ếch. Mỗi hộ ở đây nuôi 2 - 3 vèo, thu nhập bình quân từ 25 - 35 triệu đ/năm.
Có thể bạn quan tâm
Việc nhiều nước, trong đó có những đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Brazil, Ấn Độ, Indonesia hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu đã khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó, nhất là hàng nông, thủy sản.
Tính đến tháng 9/2015, đã có hơn 1.000 sản phẩm phân bón được chứng nhận hợp quy. Với số lượng sản phẩm lớn như vậy, việc kiểm soát, kiểm tra mặt hàng này gặp rất nhiều khó khăn.
Giải thích lý do đầu tư trong thời điểm ngành chăn nuôi chịu sức ép cạnh tranh rất lớn khi Việt Nam tham gia TPP, ông Dương Ngọc Minh cho rằng, nếu đầu tư bài bản và giá thành thấp hơn thì không có gì phải lo ngại.
Những hào hứng khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đàm phán thành công mới đây hiển hiện ở khắp mặt báo, phương tiện truyền thông.
Sự việc một số thương lái nhập khẩu tôm hùm giá rẻ về Việt Nam, sau đó tái xuất sang Trung Quốc đang đe dọa hàng loạt vùng nuôi tôm hùm ở các tỉnh Nam Trung bộ.