Hiệu Quả Kép Nhờ Sử Dụng Chế Phẩm Sinh Học Xử Lý Môi Trường Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Hưng Yên
Lâu nay, việc xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước nuôi trồng thủy sản luôn là nỗi băn khoăn của nhiều nông dân. Năm 2013, Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện dự án “Sử dụng chế phẩm sinh học TD Bioxide và TD Cleaner để xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản”, kết quả không những cải thiện được môi trường mà còn làm tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích mặt nước.
Tỉnh Hưng Yên có gần 5 nghìn ha ao, hồ, đầm, hơn 4,4 nghìn ha đất nằm tại vị trí có địa hình thấp trũng, phù hợp với việc trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, môi trường nuôi thủy sản tại một số địa phương, nhất là những nơi gần khu công nghiệp, làng nghề... bị ô nhiễm nhưng nông dân chưa quen dùng hóa chất để xử lý môi trường nuôi thuỷ sản, do vậy sản lượng thấp và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, một số nơi nông dân không mặn mà với cấy lúa ở những chân ruộng trũng vì hiệu quả thấp, chi phí sản xuất lớn.
Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản đã triển khai thực hiện dự án: “Sử dụng chế phẩm sinh học TD Bioxide và TD Cleaner để xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản” tại các huyện: Phù Cừ, Văn Giang, Kim Động, Yên Mỹ, Khoái Châu với tổng diện tích hơn 6ha.
Trong quá trình triển khai, ban chủ nhiệm dự án đã tiến hành lấy mẫu, phân tích mẫu nước, đất đáy nền ao nuôi trước và sau khi sử dụng chế phẩm và phân tích mẫu cá để kiểm tra dư lượng của chế phẩm trên cá nuôi, đồng thời hướng dẫn các hộ sử dụng chế phẩm đúng thời điểm, liều lượng: Với TD Bioxide, xử lý 9 lần trong chu kỳ nuôi, định kỳ 10 ngày/lần, liều lượng 1 lít chế phẩm cho 2700-3500 m3; TD Cleaner xử lý 16 lần trong chu kỳ nuôi, định kỳ 7 ngày/lần, liều lượng 1kg cho chế phẩm cho 4500 – 5000 m3 nước ao. Sau các lần xử lý bằng chế phẩm cho thấy, môi trường được cải thiện rõ rệt.
Cụ thể, hàm lượng COD, BOD… trong nước tăng lên, hàm lượng NH4+, H2S giảm nhiều; hàm lượng kim loại nặng trong đất giảm… điều đó rất có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của động vật thủy sản. Đặc biệt, cá chóng lớn, ít dịch bệnh và dư lượng chế phẩm sinh học vẫn nằm trong giới hạn cho phép, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về hiệu quả kinh tế, các hộ sử dụng chế phẩm sinh học TD Bioxide và TD Cleaner bình quân thu lãi 101,6 triệu đồng/ha, cao hơn 32,2 triệu đồng/ha so với không xử lý.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng chế phẩm sinh học TD Bioxide và TD Cleaner xử lý môi trường nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa được nhiều người ứng dụng, song với các hộ tham gia đề tài, kết quả sau một thời gian ngắn đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tất cả các hộ tham gia dự án đều khẳng định khi sử dụng chế phẩm đã cải tạo được môi trường và có lãi cao hơn so với nuôi thả thông thường, trong đó có hộ lãi cao hơn so với nuôi không xử lý gần 100 triệu đồng/ha.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các chủ ao, hồ đều có thâm niên trong nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn không xử lý được vấn đề ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh ở cá. Bà Bùi Thị Nhiên, ở xã Trung Dũng (Tiên Lữ) nhớ lại: “Năm ngoái, cá dưới ao nhà tôi chuẩn bị đến kỳ xuất bán thì mắc dịch bệnh, mặc dù đã dùng nhiều biện pháp cứu chữa tốn kém nhưng hơn 300 con trắm cỏ, tương đương 450kg vẫn bị chết, ước tính thiệt hại kinh tế hơn 13 triệu đồng. Năm 2013, được tham gia dự án, tôi đã sử dụng chế phẩm sinh học TD Cleaner xử lý trong ao nên không thấy cá bị mắc các bệnh như trước, tốc độ lớn nhanh”.
Cũng giống bà Nhiên, vào thời điểm tháng 9 đến tháng 11, cá trắm cỏ dưới ao nhà ông Đào Văn Doanh ở xã Đại Hưng (Khoái Châu) bị mắc bệnh xuất huyết, nấm ký sinh, chết tới 10%-13% nhưng ông cũng đành bó tay. Năm nay, được tham gia dự án, ông đã sử dụng chế phẩm TD Bioxide xử lý nên cá ít bị bệnh hơn hẳn, tỷ lệ chết chỉ còn khoảng 2% - 4%. Theo tính toán của ông Doanh, chỉ tính giảm lượng cá chết so với năm ngoái ông đã có thêm nguồn thu hơn 13 triệu đồng.
Đánh giá hiệu quả dự án, ông Ngô Xuân Thái, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học tỉnh khẳng định: Ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản là phương pháp tiên tiến, đáp ứng yêu cầu cho nuôi thâm canh các loại thủy sản, góp phần nâng cao giá trị và sản lượng thủy sản trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Hiệu quả thiết thực mà dự án đem lại sẽ tạo đà thúc đẩy phong trào nuôi thủy sản phát triển mạnh hơn, giúp nông dân xóa nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi thủy sản đã mở ra hướng sản xuất mới, giúp cho nông dân xử lý môi trường ao nuôi tốt, phù hợp với xu hướng phát triển hiện tại, hạn chế được dịch bệnh cho thủy sản, giảm chi phí so với bơm tát cạn ao sau mỗi kỳ thu hoạch mà hiệu quả phòng trị bệnh cho thủy sản cao, đồng thời giúp chủ ao, hồ xử lý môi trường nuôi thủy sản bị ô nhiễm do các nguyên nhân chủ quan cũng như các nguyên nhân khách quan vào bất kỳ thời điểm nào của quá trình nuôi.
Với hàng nghìn ha mặt nước, trong khi đó nhiều nơi nguồn nước bị ô nhiễm thì việc sử dụng chế phẩm sinh học vào nuôi trồng thủy sản có tác dụng rất lớn, cần phổ biến rộng rãi để bà con trong tỉnh ứng dụng.
Có thể bạn quan tâm
Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NNPTNT), hiện nay cả nước có khoảng 3.700 tổ, đội tàu cá với khoảng 22.000 tàu/140.000 lao động tham gia cùng vươn khơi bám biển.
Từ ngày 15-12-2013 ở Thanh Hóa, trên địa bàn các xã: Xuân Bình, Xuân Hòa (Như Xuân) và Thạch Tượng (Thạch Thành) đã xảy ra bệnh lở mồm, long móng (LMLM) làm 177 con trâu, bò bị mắc bệnh.
Hiện nay, xu hướng sản xuất đa canh, đa con trên cùng một diện tích được nhiều nông dân xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai - Bạc Liêu) áp dụng. Với mô hình lúa - ếch - cá kết hợp, mỗi năm đem về cho người nuôi hàng trăm triệu đồng. Theo đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất.
Từ năm 2008 đến nay, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) thực hiện các mô hình trình diễn đã giới thiệu cho người chăn nuôi về quy trình nuôi gà thả vườn, chuyển giao các giống mới, nuôi gà thả vườn chất lượng tốt theo hướng an toàn sinh học đem lại lợi nhuận kinh tế cao.
Mới đây đến xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên - Quảng Ninh), chúng tôi được nghe giới thiệu về mô hình nuôi “Hà treo dây” của người dân xã. Đây là mô hình phát triển kinh tế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện được nông dân trên địa bàn nhân rộng.