Nuôi bò Úc tại Đồng Nai
Phong trào này đang phát triển khá nhanh vì giống bò Úc cho chất lượng tốt, tỷ lệ thịt cao hơn hẳn giống bò nội địa.
Trang trại bò giống Úc tại huyện Trảng Bom.
Bò Úc khá thích hợp với khí hậu của Việt Nam, thức ăn chủ yếu là cỏ tự nhiên nên cũng không khác nhiều với cách nuôi bò nội địa.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số nông dân đang nuôi bò Úc, giống bò này khó “chiều” hơn giống bò nội địa, để nuôi tốt cần tìm hiểu, nắm rõ kỹ thuật chứ không nên chạy theo phong trào.
Thay chất con giống
Hiện không thiếu doanh nghiệp cung cấp các giống bò nhập khẩu từ Úc, như: Angus, Brahman, Droughtmaster...
Hình thức bán giống cũng rất đa dạng, bò con, bò mẹ đang mang thai hoặc chọn bò cái trưởng thành rồi sử dụng dịch vụ phối tinh cũng do doanh nghiệp bán giống bò cung cấp.
Tuy nhiên, đa số khách hàng chọn mua giống bò mẹ để đầu tư theo hướng nuôi bò sinh sản. Vì 1 con bò cái này có thể tiếp tục sinh sản thêm nhiều lứa bò con khác, đáp ứng nhu cầu mua giống tự nhân đàn của nông dân.
Ông Nguyễn Cao Trí, Phó giám đốc Công ty cổ phần con giống Vinacattle (TP.Hồ Chí Minh, doanh nghiệp chuyên cung cấp bò giống nhập khẩu từ Úc, cho biết các giống bò Úc cho hiệu quả cao hơn hẳn giống bò nội nên phong trào nuôi giống bò này đang lan nhanh trong cả nước.
Vài năm trở lại đây ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu giống bò Úc về cung cấp nên giá con giống cũng hạ nhiệt dần chứ không còn cao ngất ngưởng như giai đoạn đầu. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã đầu tư 2 trang trại cung cấp bò giống tại Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) và huyện Trảng Bom, chủ yếu cung cấp giống cho khu vực phía Nam. Ông Nguyễn Cao Trí so sánh:
“Giống bò Úc chỉ nuôi từ 18-22 tháng là có thể xuất ra thị trường với trọng lượng khoảng 700kg, thời gian nuôi ngắn hơn nhưng trọng lượng và quan trọng nhất là tỷ lệ thịt cao hơn hẳn so với giống bò nội.
Thức ăn của bò Úc chủ yếu là cỏ tươi nên các hộ dân có thể nuôi thả tự do, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên như bò nội. Nuôi bò Úc tại chỗ cũng có lợi thế cạnh tranh về giá hơn hẳn so với việc nhập khẩu con bò Úc thương phẩm”.
Ông Bùi Văn Duẩn, một khách hàng đang chọn mua bò tại trang trại cung cấp giống của Vinacattle, nhận xét:
“Khi thấy thị trường giới thiệu giống bò Úc, tôi đã mua 1 cặp con giống bò Úc về nuôi thử nghiệm. Tôi cũng chăn thả ngoài tự nhiên như các giống bò nội địa”.
Tuy là giống ngoại nhập nhưng con bò Úc thích nghi rất tốt với khí hậu Việt Nam, trọng lượng tăng nhanh hơn hẳn so với giống bò nội. Bò chưa xuất chuồng nhưng thương lái đến xem đã đặt hàng trước vì con bò này cho tỷ lệ thịt cao. Hiện ông Duẩn đang mua thêm con giống để nhân rộng đàn bò.
Không nên chạy theo phong trào
Theo đánh giá của doanh nghiệp cung cấp bò giống, tiềm năng thị trường con giống của Đồng Nai còn rất lớn vì Đồng Nai là tỉnh trọng điểm về chăn nuôi, nguồn thức ăn cho bò là các phụ phẩm nông nghiệp rất dồi dào, nông dân lại giỏi tay nghề để phát triển đàn bò.
Tuy nhiên, theo một số nông dân có kinh nghiệm nuôi giống bò Úc, tuy giống bò này sinh trưởng tốt trong điều kiện môi trường, khí hậu Việt Nam, nhưng người nuôi mới không nên đầu tư ồ ạt theo phong trào mà trước khi nuôi phải tìm hiểu kỹ để nắm vững kiến thức, kỹ thuật nuôi giống bò mới này.
Trong đó, người nuôi phải tìm hiểu kỹ tập tính, điểm khác biệt của bò Úc so với bò nội địa để chăm sóc cho đúng cách.
Ông Bùi Phước Cường, chủ trang trại nuôi bò Úc tại huyện Vĩnh Cửu, cho biết bò Úc ở nước ngoài chủ yếu được nuôi thả với diện tích đồng cỏ lớn.
Tuy cũng ăn cỏ tự nhiên nhưng giống bò này kén chọn hơn nhiều so với bò nội địa.
Ông Cường dẫn chứng:
“Tuy tôi đầu tư trang trại có khuôn viên để thả bò nhưng không thể đáp ứng yêu cầu rộng cả hécta/con như cách nuôi thả của người Úc. Vì chủ yếu nuôi nhốt nên phải rất chú ý đến vấn đề sức khỏe, phòng bệnh cho bò, nhất là khâu chăm sóc vì chỉ cần khẩu phần không đủ chất dinh dưỡng sẽ chựng lại ngay”.
Có thể bạn quan tâm
Trong tiến trình phát triển nông nghiệp, tỉnh Cà Mau chia thành 2 vùng kinh tế chủ đạo mặn và ngọt. Tuy nhiên, thời gian qua, khi cây trồng chủ đạo của vùng ngọt là lúa lại không mang đến lợi nhuận cho người dân thì vật nuôi mũi nhọn vùng mặn là con tôm có xu hướng lấn áp.
Nhằm khai thác và tận dụng triệt để tiềm năng của đất đai, người dân xã Cao Trĩ (Ba Bể, Bắc Kạn) đã trồng xen cây rau bồ khai dưới tán cây cây hồng, đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Đây cũng được xem là một hướng phát triển kinh tế có nhiều triển vọng của địa phương.
Trứng gà của cơ sở Minh Đạt (Tiền Giang) đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm nay, xây dựng thương hiệu "Trứng gà Minh Đạt" hướng đến sản xuất trứng gà an toàn, sạch. Đặc biệt, trứng gà sạch thương hiệu Minh Đạt đã có mặt tại Siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho và trở thành sản phẩm trứng gà địa phương duy nhất ở siêu thị này.
Được đưa vào trồng từ năm 2006, đến nay, đu đủ đã trở thành cây trồng chủ lực nhằm chuyển đổi cơ cấu, nâng cao hiệu quả canh tác của người dân xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Thời điểm này, người trồng đu đủ xã Dị Nậu bước vào mùa thu hoạch.
Năm nay được coi là năm thành công đối với những nông dân trồng ớt. Vào thời điểm thu hoạch vụ ớt Đông Xuân thì giá ớt luôn nằm từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/kg ớt tươi. Trừ chi phí thì mỗi công (1.000m2) ớt, người nông dân lời trên dưới 10 triệu đồng.