Nuôi bò Úc sinh sản sự nhập cuộc của một ông lớn
Trại bò giống
Đánh giá hiệu quả của việc làm này thời gian sẽ là vị trọng tài công bằng nhất nhưng đã phần nào nhen nhóm lên hi vọng về hướng đi mới…
Cứ địa của bò
Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú tiền thân vốn là nông trường quốc doanh nức tiếng một thời: Phùng Thượng trực thuộc Bộ NN-PTNT.
Đây từng là nơi thử nghiệm nhiều ước mơ táo bạo của ngành chăn nuôi đại gia súc Việt Nam như trâu Ấn Độ lấy sữa, bò sữa rồi bò thịt. Phùng Thượng nổi tiếng đến mức được các lãnh đạo cao cấp nhất lúc ấy như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Võ Chí Công về thăm hỏi, động viên.
Ở vào một địa thế đặc biệt đẹp với trùng điệp những thung lũng và đồi núi thấp tại huyện Nho Quan (Ninh Bình), nơi đây rất thích hợp cho con đại gia súc phát triển. Thế thời, thời thế, bao cấp suy vong, nông trường Phùng Thượng trở thành Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú như ngày nay nằm trong một tập đoàn hùng mạnh là Phúc Lộc.
Cuối năm 2014 tôi về Yên Phú để tìm hiểu chuyện nhập bò Úc đã choáng ngợp bởi hai khu chuồng vỗ béo rộng mênh mông với 3.000 con đứng chen chúc. Đó là những con bò khổng lồ với nhiều sắc màu da nhưng phổ biến là trắng, vàng, nâu sẫm. Hầu hết chúng đều không có sừng.
Sau đó tôi đã viết bài “Bò Úc “húc” bò ta” gióng lên những hồi chuông báo động về chuyện nhập khẩu ồ ạt bò Úc đã “bóp” cho teo tóp tấm thân vốn dĩ gầy guộc của bò nội.
Xin phải nói thêm tiếng là bò nội nhưng giờ đây hầu hết không còn “bò cóc” với trọng lượng trung bình 1,5-2 tạ nữa mà toàn bò lai Sind nặng 2,5-3,5 tạ. Sind hóa đàn bò từng là hướng đi được kỳ vọng, được phổ biến trên phạm vi toàn quốc với sự nhập cuộc rốt ráo của nhiều địa phương.
Tỉnh Vĩnh Phúc từng thể hiện quyết tâm này bằng cách ra hẳn chính sách khuyến khích thiến 10.000 con “bò cóc” đực mỗi năm. Vĩnh Phúc cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa ra sáng kiến dùng kìm cộng lực chuyên dụng để… bấm đứt thừng dịch hoàn làm mất khả năng sinh tinh và dẫn tinh của bò đực cóc.
Thao tác đơn giản, thời gian thiến một con bò đực cóc chỉ mất khoảng 10 phút (so với phương pháp thiến mổ lấy dịch hoàn hoặc thắt ống dẫn tinh phải mất 35-40 phút/con) nên mỗi ngày một kỹ thuật viên có thể xử lý được dăm ba chục con.
Chở thức ăn vào trại
Toàn bộ kinh phí thiến “bò cóc” được tỉnh hỗ trợ đã đành, ngoài ra tỉnh này còn mạnh dạn hỗ trợ luôn cả một phần giá trị của con bò đực, bò cái giống nên tỷ lệ Sind hóa đạt trên 80%...
Nhiều tỉnh khác cũng đua theo Vĩnh Phúc nâng tầm vóc của bò nội nhưng dường như con lai này cũng không thể đấu được với làn sóng nhập ngoại bò Úc đang mỗi ngày một ngập tràn khắp lãnh thổ Việt Nam. Giá mỗi con bò nội trưởng thành hạ 5-7 triệu đồng so với vài năm trước và chiều hướng xấu vẫn còn tiếp diễn.
Hơn nửa năm sau quay lại Yên Phú mắt tôi lại mở to ra bởi những thung lũng, núi đồi toàn bò. Cơ man bò. Đâu đâu cũng bò. Những cặp chân lêu nghêu. Những tấm thân khổng lồ. Những cái đầu rất to. Những cái tai rất lớn. Những tiếng “ụm ò” huyên náo cả núi rừng…
Quy mô hai trại hiện đã nới rộng thêm với số lượng khoảng trên 6.000 con. Mỗi đợt nhập hàng công ty đăng ký cả lô 1.800 - 2.500 con chứ không còn rón rén, nhỏ lẻ như ban đầu. Những chuyến ô tô tải chất ngất ngưởng nào là thân ngô non, cỏ voi, mật mía… rù rì chạy tới, chạy lui.
Từ chỗ tập trung thức ăn được chở đến các máy phay nhỏ rồi lại có những xe ủi với cái lưỡi thép chứa được cả tấn hàng xúc, vét cho bằng sạch. Mỗi ô chuồng nuôi hàng trăm con nhưng chỉ cần có một công lao động bởi tất cả đã có các cỗ máy cực lớn trợ giúp.
Những con bê thuần chủng
Tôi đặc biệt chú ý đến những con bê Úc thuần chủng đẹp lồng lộng đang ngoay ngoảy đuôi đuổi ruồi trong các ô chuồng. Nguyễn Văn Lập - người quản lý trại bò số 1 gồm cả bò thịt và bò sinh sản cho biết đợt nhập bò chửa đầu tiên từ Úc về là năm 2014 với số lượng hàng trăm con.
Đầu năm 2015 công ty lại nhập tiếp 130 con bò ngoại đang chửa 3-6 tháng. Lô thứ nhất hiện đã đẻ xong từ lâu, bê đã khá lớn, trọng lượng lúc 12 tháng tuổi đạt khoảng 200kg, con kỷ lục nhất đạt 225 kg. Lô thứ hai vừa sinh được 7 con bê đang bú mẹ tọp tọp ở trong chuồng.
Trọng lượng sơ sinh của bê Úc thuần không lớn lắm, chỉ 25 kg nên không phải can thiệp bằng phẫu thuật gì cả. Họa hoằn có những trường hợp thai ngược hoặc mẹ đẻ lần đầu thì kỹ thuật viên phải đỡ và lôi theo nhịp rặn đẻ. Bước đầu theo dõi thấy bê sinh ra phát triển rất tốt, chỉ một thời gian là chúng ngốn cỏ voi, thân ngô, thân mía cứ rào rào như tằm ăn rỗi.
Sức chịu đựng thời tiết cũng như bệnh tật của bò ngoại cũng rất tốt. Hè năm 2015 có hai đợt nóng kỷ lục, nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ C mà cả trại không bị thất thoát con nào. Ngược lại, một số bê đến giữa trưa cứ nằm dài ra sân bê tông mà tắm nắng, mà nô đùa.
Theo anh Lập, trại có mấy giống bò phổ biến như Brahman, Limousine, Drought Master trong đó Brahman chịu nóng, kham khổ tốt nhất. Cỏ voi đã đành, rơm rạ quăng vào chúng cũng vẫn nghiến ngấu như thường. Không chỉ nhập bò cái đang chửa, công ty Yên Phú mới đây còn nhập về trên 600 con bê cái giống siêu thịt với đặc điểm dễ nhận dạng là tai nhỏ, chân nhỏ, cơ bắp nổi vồng. Hiện đám bê này đang sinh trưởng, phát triển tốt, một số đã động dục nên được kỹ thuật viên phối tinh nhân tạo.
Khu bò đực giống tuy nhỏ nhưng nổi bật bởi trên 40 con lừng lững như những chiếc xe hơi limousine cỡ lớn trong phim hành động của Mỹ. Trọng lượng trung bình của chúng lên tới 7-8 tạ. Những con đực này phần làm nhiệm vụ thí tình cho bò cái (tạo cơn hứng tình cho bò cái) phần dùng để “nhảy” trực tiếp.
Tất thảy đều nằm trong dự án đầu tư chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Yên Phú với mục tiêu cung cấp bò giống, thịt bò cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Quy mô ban đầu của dự án gồm đàn cái 1.300 con/năm, đàn đực giết thịt: 3.200 con/năm, thịt bò hơi 1.376 tấn/năm, bê cái giống thịt 250 - 300 con/năm. Đi kèm theo đó là nhà điều hành, nhà máy chế biến thực phẩm, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, kho chứa, hệ thống chuồng trại, đồng cỏ 476 ha…
Tổng vốn đầu tư trên 170 tỉ đồng kể đã là kinh. Nhưng trước diễn biến quá nhanh của thị trường, doanh nghiệp này đã xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Ninh Bình cấp ngày 28/8/2013 lên quy mô mới: đàn cái 1.300 con/năm, đàn đực giết thịt 27.000 con/năm, thịt bò hơi 14.850 tấn/năm, bê cái giống thịt 300 con/năm. Đi kèm theo đó là nhà làm việc chuyên gia, hệ thống chuồng trại 29.738 m2… với tổng vốn đầu tư lên đến trên 485 tỉ đồng.
Năm 2014 Yên Phú có 11.000 con bò đạt 38% quy mô dự án. 6 tháng đầu năm 2015 có 15.500 con, đạt 55% quy mô dự án. Ước đến cuối năm sẽ là 25.000 con đạt trên 88% dự án với 13.753 tấn thịt hơi. Riêng về bò giống hiện công ty đã bán được 500 con.
Làm một phép so sánh, năm 2015 toàn tỉnh Ninh Bình ước có trên 46.000 con bò thịt trong khi đó Yên Phú chiếm đến quá nửa. Nếu dự án đi vào hoạt động đủ công suất, trọng lượng thịt xẻ của bò Úc từ Yên Phú cung cấp sẽ gấp đôi đàn bò của toàn tỉnh hiện có. Vì thế mà dự án được Ninh Bình đặc biệt quan tâm.
Có thể bạn quan tâm
Đã có thú vui nuôi cá đĩa từ năm 1996 nhưng mãi năm 2006, anh Thái Văn Hiếu mới chính thức đầu tư nuôi loại cá này để kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Chim khổng lồ - đà điểu là loài dễ nuôi. Để nuôi đà điểu như một nghề mang lại lợi nhuận cao là điều không dễ dàng cho những hộ nông dân thiếu thông tin
Mỗi năm cung ứng cho thị trường trên dưới 10.000 chậu hoa, với giá dao động từ 40 - 400 ngàn đồng/chậu (tùy loại), sau khi trừ chi phí lãi nửa tỷ đồng.
Mô hình nuôi ong mật của gia đình ông Đàm Văn Khoa, tổ 11B, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn mỗi năm thu lãi trên 70 triệu đồng từ tiền bán mật
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang do hạn hán thành vùng sản xuất cây dược liệu