Nuôi Bò Sữa Trên Đồng Đất Bãi

Một số xã vùng đất bãi thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, người dân đang tận dụng đất bỏ hoang và chuyển một phần đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò sữa. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao và giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu.
Xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) nằm ven sông Hồng, trước đây, người dân chủ yếu sống nhờ cây ngô, cây lúa nên giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn.
Để cải thiện đời sống, nhiều hộ dân xoay sang trồng mía, trồng dâu tằm, nuôi lợn nhưng liên tiếp gặp rủi ro vì sản phẩm không tiêu thụ được. Cuối những năm 90 thế kỷ trước, khi chương trình nuôi bò sữa do Chính phủ Hà Lan tài trợ được phổ biến tại huyện Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc TP Hà Nội), người dân Vĩnh Thịnh nhận thấy, đồng đất phù hợp trồng cỏ voi nuôi bò nên đã sang các địa phương lân cận học tập. Con bò sữa "bén duyên" đất này từ đó.
Người dân Vĩnh Thịnh vốn quen nuôi bò lấy thịt, làm sức kéo nên việc nuôi bò lấy sữa là khái niệm hết sức lạ lẫm. Ban đầu, toàn xã chỉ có vài hộ mạnh dạn đầu tư.
Thấy hiệu quả, đến nay, gần 80% số hộ dân trong xã đã tham gia nuôi bò lấy sữa. Ông Vũ Đức Thọ ở thôn An Lão Ngược, chia sẻ: "Hồi mới dắt con bê khoang đen, khoang trắng về làng, bà con đổ xô ra nhìn. Những ngày đầu vắt sữa còn lóng ngóng, vậy mà nay trở thành nghề chính, nuôi sống cả gia đình. Hiện, gia đình tôi nuôi 11 con bò, trong đó có tám con cho sữa.
Mỗi tháng, gia đình thu về từ 18 đến 20 triệu đồng tiền lãi. Có vốn, gia đình đầu tư mua thêm máy thái cỏ, máy xay xát, máy vắt sữa...".
Toàn xã Vĩnh Thịnh hiện có gần 3.200 con bò sữa, trong đó có 1.440 con đang cho khai thác. Một con bò trong thời kỳ lấy sữa, bình quân mỗi ngày cho từ 18 đến 25 kg sữa. Bình quân một chu kỳ (khoảng 10 tháng) sẽ cho từ 4,5 đến 5 tấn sữa. Với mức giá ở thời điểm hiện tại dao động từ 12 đến 13 nghìn đồng/kg sữa, mỗi con bò sữa cho thu nhập từ 45 đến 50 triệu đồng/năm.
Trừ khoảng 40 đến 50% chi phí đầu vào, nuôi bò sữa vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh Đặng Văn Thành phấn khởi: Từ một vùng đất bãi nghèo khó, năm 2003, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 4,2 triệu đồng/người/năm. Nhờ sự chuyển hướng đúng đắn sang chăn nuôi bò sữa, tính đến hết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đã tăng 24,4 triệu đồng/người/năm. Cũng trong năm 2013, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 197,7 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị thu nhập toàn xã. Trong đó, nguồn thu từ nông nghiệp chủ yếu nhờ chăn nuôi bò sữa.
Chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh cho hiệu quả kinh tế cao là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thuận lợi về quỹ đất để phát triển sản xuất. Trong hoàn cảnh đó, từng hộ dân phải linh hoạt trong sản xuất để duy trì sự phát triển ổn định của đàn bò sữa.
Anh Đặng Văn Chương ở thôn An Lão Ngược, xã Vĩnh Thịnh cho biết: Vùng đất cao ngoài bãi trước đây vốn bỏ hoang, giờ nhà nào cũng trồng cỏ voi nuôi bò. Khi đàn bò phát triển mạnh thì cũng dẫn đến tình trạng khan hiếm thức ăn. Vào thời điểm rét đậm, nhiều gia đình phải sang các vùng lân cận mua lại cây ngô đã thu hoạch và vận chuyển về ủ làm thức ăn dự trữ cho bò. Giờ đây, để tiết kiệm chi phí, sang vụ đông, các gia đình tận dụng đất nhàn rỗi vãi ngô ra ruộng, đến thời điểm khan hiếm cỏ, sẽ chặt cây ngô làm thức ăn nuôi bò.
Bác Nguyễn Văn Thảo, xóm Nông, thôn Phù Dực, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, tâm sự: Ở đây, chăn nuôi chủ yếu trong khu dân cư nên mỗi nhà chỉ nuôi được từ ba đến bốn con bò sữa. Nếu tiếp tục tăng quy mô đàn sẽ gặp khó khăn về quỹ đất và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, chúng tôi chú trọng học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sản lượng sữa. Tuy số lượng nuôi ít nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao.
Một con bò sữa hiện có giá từ 50 đến 60 triệu đồng. Khi xảy ra dịch bệnh, nếu không có sự can thiệp kịp thời, người nông dân có thể mất trắng. Hay việc chăm sóc không đúng cách, chỉ sau từ hai đến ba năm khai thác, bò sẽ không cho sữa. Do đó, vấn đề phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi đúng kỹ thuật có vai trò hết sức quan trọng. Theo Trưởng trạm Phát triển chăn nuôi Gia Lâm Khúc Huy Hoàng, hộ nuôi bò sữa phải được trang bị đầy đủ kiến thức để vừa có thể làm bác sĩ thú y, vừa đảm nhận vai trò làm kỹ sư chăn nuôi. Có vậy, việc nuôi bò sữa mới đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay ở các địa phương, vấn đề đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định. Lượng sữa cung ứng thị trường được các đơn vị chế biến sữa ký hợp đồng thu mua với người nông dân và các trạm thu gom sữa, bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm. Giá thu mua sữa được điều chỉnh phù hợp từng thời điểm.
Có thể bạn quan tâm

Tại nhiều chợ và điểm bán trái cây ở TP Cần Thơ, vú sữa Lò Rèn loại ngon giá bán lẻ đang ở mức 12.000 - 15.000 đồng/kg; vú sữa Cà Na 10.000 - 12.000 đồng/kg. Giá vú sữa Lò Rèn được nhà vườn bán buôn cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 10.000 - 11.000 đồng/kg; vú sữa Cà Na có giá khoảng 8.000 đồng/kg.

Ngày 2-2, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) Lê Văn Thanh cho biết, Tết Nguyên đán 2015 các nhà vườn trong xã cung cấp cho thị trường trên 1,5 triệu trái bưởi (tương đương 1.500 tấn) mang thương hiệu bưởi Tân Triều (ảnh). Trong đó, bưởi da xanh chỉ khoảng 50 tấn, còn lại đa số là bưởi đường lá cam.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết: Huyện đang tập trung các giải pháp thực hiện, trong đó tập huấn cho người dân cách phòng trị sâu bệnh, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, phân bón đúng trên cây ăn trái. Hướng dẫn người dân cách phòng trị bệnh đạo ôn, rầy nâu trên cây lúa và sản xuất theo phương pháp “4 đúng” an toàn trên rau màu.

Sôi động nhất là những loại trái cây được ưa chuộng dùng chưng trên mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên. Cùng với sự “nóng” lên của thị trường tết, trong các vườn, không khí thu hoạch, trái cây tết cũng nhộn nhịp, hối hả.

"Sau khi thu hoạch, tôi sẽ gửi mẫu dưa sang Pháp để thẩm định chất lượng. Trên cơ sở kết quả thẩm định, chúng ta mới biết được giống dưa này có phù hợp với điều kiện của Đà Lạt hay không; và tiếp sau đó là làm việc với bên nước ngoài về vấn đề bản quyền" - kỹ sư Nguyễn Quốc Minh cho biết.