Nuôi Bò Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Những năm gần đây, người chăn nuôi tỉnh Tiền Giang phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò (bò thịt và bò sữa). Hằng năm, Tiền Giang có hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn chăn nuôi và phát triển đàn bò...
* Con bò - vật nuôi chủ lực
Trong những năm gần đây các dự án đầu tư vào chăn nuôi bò và phong trào chăn nuôi tự phát của người dân Tiền Giang phát triển mạnh theo nhiều hình thức khác nhau, đem lại hiệu quả kinh tế cao và được Ban xóa đói giảm nghèo của tỉnh chọn là vật nuôi chủ lực giúp người chăn nuôi có thêm điều kiện phát triển kinh tế.
Tính đến nay, tổng đàn bò (bò thịt và bò sữa) ở tỉnh Tiền Giang đạt trên 80.000 con. Nhiều trang trại chăn nuôi cũng xuất hiện, bình quân mỗi trang trại có từ 5 đến 20 con.
Gia đình ông Lê Văn Bé Ba ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo đang nuôi 8 con bò sữa. Ông Ba cho biết: "Tui chỉ mới nuôi bò vài năm nay. Qua báo, đài, thấy mọi người nuôi có hiệu quả nên tui cũng mạnh dạn đầu tư". Đầu tiên ông lên Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh mua một con bò mẹ về chăm sóc và nhân rộng đàn.
Nếu bò mẹ đẻ ra bê cái, ông để nuôi, còn đẻ bê đực thì ông bán. Với 8 con bò sữa, mỗi ngày ông thu trên 100 kg sữa, trung bình 14.000 đồng/kg. Đây là nguồn thu đáng kể cho gia đình ông. "Với 7 con đang mang bầu, dự kiến đàn bò sữa của tui sẽ tăng gấp đôi trong thời gian tới" – ông Ba vui mừng chia sẻ.
Hiệu quả từ chăn nuôi bò lan rộng. Theo đó, nhiều mô hình, tổ hợp tác, tổ chăn nuôi bò ở Tiền Giang cũng ra đời. Đây là nơi để người dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn lẫn nhau để phát triển kinh tế.
Ông Phạm Văn Minh ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, chia sẻ: "Thấy được lợi nhuận từ việc nuôi bò, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để nuôi. Tổ của chúng tôi có 52 người vay Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nuôi bò. Riêng gia đình tôi vừa mua thêm 2 con, giờ đàn bò là 7 con bò thịt".
Gia đình ông Cao Văn n ở xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho thoát nghèo từ việc chăn nuôi bò sữa. Ông n chia sẻ: Nuôi bò sữa phải tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng và thời gian cho ăn hằng ngày. Bò sữa nuôi trong vòng 2 năm bắt đầu cho sữa.
Để đảm bảo chi phí đầu vào và mức lãi, ông n đã linh hoạt phối trộn nguồn thức ăn hỗn hợp gồm: xác bia, bã đậu và thức ăn chăn nuôi. Mỗi ngày, trung bình 1 con bò sữa tiêu tốn khoảng 12kg hỗn hợp thực phẩm và kết hợp cho bò ăn thêm cỏ tươi. Nói về hiệu quả kinh tế, ông n phấn khởi: "Chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập hằng ngày.
Hiện nay, giá sữa tăng cao và không còn bấp bênh như những năm trước. Với mức giá này, bò sữa đang mang lại thu nhập ổn định hơn hẳn so với các ngành chăn nuôi khác". Hiện tại, ông n đã phát triển được 8 con bò sữa, trong đó có 5 con đang cho sữa. Bình quân mỗi ngày ông n thu lãi trên 600.000 đồng từ việc bán sữa .
* Trợ lực cho nông dân
Hội Nông dân huyện Châu Thành đã triển khai thực hiện dự án chăn nuôi, đã giải ngân cho 30 hộ nông dân xã Long An có nhu cầu vay vốn chăn nuôi từ nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Tổng tiền vốn 700 triệu đồng (mỗi hộ vay từ 20 - 30 triệu đồng), thời hạn 3 năm trả nợ (2012 - 2015).
Anh Nguyễn Văn Thuận ngụ ấp Long Thạnh, vay 30 triệu đồng, cho biết: "Gia đình tôi trước đây nuôi được 1 con bò đực. Sau khi nhận được vốn vay, tôi mua 1 con bò cái sinh sản giống tốt. Số tiền còn dư tôi xây hầm ủ khí biogas nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau đó tôi bán con bò đực, cộng thêm một ít tiền dành dụm để mua 2 con bò sữa nuôi thịt vỗ béo.
Hiện con bò cái của dự án đã sinh sản 1 bò con. Tôi quyết tâm nhân rộng đàn bò trong thời gian tới". Kỹ sư Nguyễn Văn Thành, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, cho biết: Nhằm giúp nông dân cải thiện tầm vóc đàn bò, ngành đã chọn lọc "tinh giống bò cao sản" như bò: Brashman, Limousin và Red Angus.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Chợ Gạo vận động nguồn Quỹ "Ngày vì người nghèo" hỗ trợ hộ nghèo mượn vốn không tính lãi nuôi bò, huyện đã thực hiện được 6 dự án nuôi bò ở các xã: Bình Ninh, Lương Hòa Lạc, Tân Bình Thạnh, Bình Phan, An Thạnh Thủy và Song Bình với số vốn 400 triệu đồng.
Năm 2011, Ban vận động Quỹ "Ngày vì người nghèo" huyện tiếp tục hợp đồng giải ngân cho 40 hộ ở các xã Bình Phục Nhứt, Tân Thuận Bình, Long Bình Điền và Trung Hòa với tổng vốn 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chợ Gạo, cho biết: Qua 5 năm hỗ trợ vốn, Ủy ban MTTQ huyện thường xuyên kiểm tra hiệu quả. Theo thống kê đến nay có khoảng 60% hộ đã thoát nghèo từ dự án chăn nuôi bò này. Những năm tới đây nguồn vốn sẽ tiếp tục xoay vòng đến các xã khác trong huyện.
Ngoài ra những dự án chăn nuôi bò cũng phát triển mạnh trong các ban ngành, đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh….với nhiều hình thức như: góp vốn xoay vòng, vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi tạo điều kiện tối đa để bà con có thể thoát nghèo một cách bền vững nhất. Theo trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hoàn thiện hệ thống giống và dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi đáp ứng nhu cầu con giống, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh.
Ðối với người chăn nuôi, muốn nuôi bò thịt có hiệu quả đòi hỏi phải bỏ tập quán chăn thả tự nhiên, chuyển sang chăn nuôi thâm canh, với mức đầu tư cao, theo đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài đầu tư con giống, chuồng trại, người chăn nuôi còn chú ý đầu tư thức ăn tinh hỗn hợp vỗ béo cho bò trước khi bán thịt, nhất là việc trồng cỏ để bảo đảm thức ăn thô xanh.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng sẽ chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân viên dẫn tinh và đầu tư giống bò thịt theo chương trình phối tinh nhân tạo và nhân giống trực tiếp bằng bò đực giống thuần nhằm đạt mục tiêu đưa tỷ lệ đàn bò lai chiếm 70% tổng đàn vào năm 2015.
Hy vọng thời gian tới, đàn bò tỉnh Tiền Giang tiếp tục góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và giúp người dân thoát nghèo một cách hiệu quả nhất.
Có thể bạn quan tâm
"Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình" (Paraff) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng dự án "Huy động sự tham gia của người dân bảo vệ môi trường phá Tam Giang" tại xã Quảng Thái và Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.
Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT mới đây đã công bố số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ ngư dân tại buổi tập huấn về tình hình Biển Đông hiện nay.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc cho biết: Thời tiết biển những tháng đầu năm nay khá thuận lợi cho ngư dân đánh bắt trên ngư trường. Huyện tập trung phát triển khai thác thủy sản theo hướng vươn ra khơi xa, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Người nuôi tôm, cá tra nếu gặp khó khăn thì được cơ cấu lại nợ, không bị thu lãi quá hạn, miễn giảm lãi vay… Điều này phần nào xuất phát từ thực tế là người nuôi tôm, cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.
QI/2014, XK tôm sang EU tăng mạnh với 98% so với cùng kỳ năm 2013 đạt 112 triệu USD, trong đó XK sang 5 thị trường đơn lẻ lớn nhất trong khối này gồm Đức, Bỉ, Pháp, Anh và Hà Lan đều tăng mạnh.