Nuôi bò BBB, hướng đi mới giúp chủ động nguồn cung thịt bò trong nước
Hiệu quả từ giống bò BBB
Bò BBB tên gọi đầy đủ Blanc Blue Belgium, có nguồn gốc từ Bỉ. Đây là giống bò siêu thịt nhất thế giới. Lúc trưởng thành, con đực nặng 700 - 800kg, con cái nặng 600 - 700kg. Nếu nuôi trong thời gian từ ba đến bốn năm, có con nặng tới 1,4 tấn.
Thấy được năng suất và hiệu quả của giống bò này, từ năm 2001, Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội (viết tắt công ty Giống gia súc Hà Nội) đã tiến hành nghiên cứu giống bò BBB siêu thịt của Bỉ để phát triển tại Việt Nam.
Ông Vũ Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giống gia súc Hà Nội cho biết, lý do chính để công ty này quyết tâm đưa bằng được giống bò BBB về Việt Nam bởi đây là giống bò siêu thịt của Bỉ đã lai tạo từ 1919, được thế giới công nhận là giống bò tốt nhất hiện nay. Mặt khác, hiện nay, nhu cầu thịt bò trên thị trường Hà Nội còn tương đối lớn.
“Theo khảo sát của chúng tôi, năm 2012, Hà Nội cần hơn 90 nghìn tấn thịt bò, nhưng ở thời điểm hiện tại, lượng bò thịt của thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% so với nhu cầu. Bên cạnh đó, thống kê chưa đầy đủ hiện nay, TP Hà Nội có khoảng 140 nghìn con bò thịt nhưng bò thịt chưa thành nghề và chưa trở thành sản xuất hàng hóa”, ông Hải nói.
Được biết, từ năm 2012, UBND TP Hà Nội đưa mô hình nuôi bò 3B vào nuôi thí điểm tại tám huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phú Xuyên, Đan Phượng, Phúc Thọ và Thạch Thất, bước đầu mang lại lợi nhuận cao khiến người dân vô cùng phấn khởi.
Ông Lê Anh Đức, Khu trang trại xóm Phù Dực, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cho biết: “Mới đầu nuôi giống bò BBB chúng tôi cũng rất lo, nhưng sau một thời gian thấy chúng cũng dễ nuôi, phàm ăn. Cuối năm 2014, tôi mới xuất chuồng bốn con bò BBB nuôi trong tám tháng thu lãi 10 triệu/con. So với giống bò khác, nuôi bò BBB hiệu quả hơn rất nhiều”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Kiên, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Giống gia súc Hà Nội, về tốc độ phát triển, bê giống BBB tăng trọng bình quân tới 25kg/tháng, cá biệt có con tăng trọng 30kg/tháng. Hiện nay, bê F1 sinh ra sau một tháng đã được các thương lái thu mua trả giá tới 8 triệu đồng/con, cao hơn so với bê lai khác từ 2,5 đến 3 triệu đồng/con. Tại thời điểm này, một số bê F1 BBB 18 tháng tuổi đã được thương lái trả từ 36 đến 38 triệu đồng/con, cao hơn từ 14 đến 16 triệu đồng/con so với bò lai khác có cùng tháng tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ thịt xẻ bò BBB rất cao, khoảng trên 60%, trong khi các giống bò khác chỉ đạt 38 - 40%.
Chủ động nguồn cung thịt bò
Thấy được tiềm năng phát triển của bò BBB tại địa phương, ngày 10-2-2012, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò thịt lai sind thành bò lai F1 hướng thịt trên địa bàn TP Hà Nội. Thành phố đã tiến hành bình tuyển phát triển đàn bò cái nền lai sind đồng thời phát triển đội ngũ dẫn tinh viên tại cơ sở để trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi. Người dân được hỗ trợ toàn bộ về tinh giống bò 3B và kỹ thuật chăm sóc bò.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Để khuyến khích các hộ gia đình lai tạo giống bò BBB, thành phố đã có các chính sách: hỗ trợ 100% tinh bò BBB; vật tư, kỹ thuật và công phối giống để các gia đình nhanh chóng tiếp cận với giống bò này”.
Theo thống kê sơ bộ đến hết năm 2014, số bê lai F1 trên TP Hà Nội đạt gần 10 nghìn con. Đây là nguồn cung cấp thịt bò cho thị trường Hà Nội, giúp cải thiện tư duy chăn nuôi bò thịt, giải quyết việc làm cho gần 6000 hộ chăn nuôi, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới tại các huyện ngoại thành Hà Nội.
Như vậy có thể thấy, với sự quan tâm, TP Hà Nội đã thông qua dự án triển khai nuôi bò BBB trên diện rộng đã tạo đòn bẩy cho người dân mạnh dạn cải tạo đàn bò thịt theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, thành phố cũng dần chủ động được nguồn cung thịt bò đáp ứng được nhu cầu còn thiếu trên thị trường.
Mặc dù vậy, theo ông Vũ Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty Giống gia súc Hà Nội, hiện nay việc chăn nuôi bò thịt BBB vẫn còn gặp khó khăn. Đặc biệt về kinh phí, nhiều hộ dân chỉ nuôi bê được 4 - 5 tháng tuổi đã bán trong khi bê nuôi đến 18 tháng tuổi sẽ cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Vì vậy, ông Hải cho rằng, người chăn nuôi bò BBB cần được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, nuôi bê đến 18 tháng tuổi để đạt giá trị kinh tế cao, từ đó từng bước cải thiện chất lượng đàn bò thịt của thành phố.
Được biết, thời gian tới, Công ty Giống gia súc Hà Nội sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình tiêu thụ sản phẩm bê lai F1 BBB theo chuỗi giá trị có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm đưa sản phẩm thịt bò chất lượng cao đến tay người tiêu dùng, đồng thời tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân tham gia chương trình để hạn chế việc thương lái ép giá. Công ty cũng sẽ xây dựng các trang trại thu mua bê F1 BBB (từ 4 đến 6 tháng tuổi) để nuôi gột nhằm vừa giải quyết đầu ra cho sản phẩm bê F1 của người dân vừa tạo vùng nguyên liệu tập trung cho giết mổ gia súc công nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng: “Mặc dù việc chăn nuôi bò BBB cho hiệu quả cao nhưng để xây dựng vùng chăn nuôi và vùng trồng cỏ nguyên liệu phát triển bền vững, các địa phương cần quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi xa khu dân cư và vùng trồng cỏ nguyên liệu. Công ty Giống gia súc Hà Nội cần tăng cường tập huấn về kỹ thuật cho bà con nông dân và hướng dẫn người dân ghi chép sổ sách để hướng tới chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng thương hiệu thịt bò sạch BBB để nâng cao giá trị bán trên thị trường”.
Có thể bạn quan tâm
Năm 1990, khi còn là một cán bộ y tế xã với đồng lương eo hẹp, ông thường nghe cha mình nhắc về loài cây quý cho thớ gỗ mịn, bền chắc, được dùng làm cái rìu, cây cung… nhưng gần như “tuyệt chủng” trên những cánh rừng Ba Tơ. Với mong muốn khôi phục lại loài cây này trên mảnh đất quê hương, ngoài giờ làm, ông tranh thủ đi rừng hái cây mây nước bán, dành dụm tiền mua cây giống về trồng. “Hồi đó ông anh ở thôn Làng Trui vào tít rừng sâu bên Kon Tum nhổ về bán cho mình với giá 2000 đồng/cây. Mình bỏ gom góp tiền mua một trăm cây về trồng”, ông Nấu nhớ lại.
Tham gia mô hình, nông dân được công ty hỗ trợ hoàn toàn giống lúa nguyên chủng, được hỗ trợ kỹ thuật và công vận chuyển khi thu hoạch về nhà máy. Với năng suất trung bình khoảng 350 - 400 kg/công, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân lời 4,5 - 5 triệu đồng. Hiện nay, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam đang tiếp túc mở rộng diện tích của mô hình lúa lai ở xã Long Trị A với diện tích khoảng 50ha trong vụ Đông xuân tiếp theo.
Ngày 12/1, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên công bố thông tin: Qua 10 năm triển khai một đề tài khoa học về cây mắc ca, Viện đã thu thập, tuyển chọn được 20 giống mắc ca, chủ yếu là các giống mắc ca thương mại trên thế giới như H2, 508, OC, 814, 246... và đã trồng thử nghiệm ở nhiều vùng tại Việt Nam.
Theo Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi héc-ta lúa trong cánh đồng mẫu lớn có năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với diện tích ngoài mô hình này; ngoài ra cánh đồng mẫu lớn còn giúp tạo ra các vùng lúa đặc thù phục vụ xuất khẩu gạo cao cấp.
Hiện tại, giá các loại phân bón trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu vụ đông xuân 2014 - 2015. Giá các loại phân bón DAP Trung Quốc tăng từ 10 - 20%, riêng các loại phân bón khác đang giữ mức ổn định. Sự bình ổn của giá phân bón trên thị trường khiến nông dân phấn khởi vì giảm bớt nỗi lo về chi phí đầu tư.