Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nữ Tỷ Phú Vùng Cam

Nữ Tỷ Phú Vùng Cam
Ngày đăng: 03/01/2015

Từ quyết tâm thoát nghèo, bằng ý chí và nghị lực kiên cường, chị Lâm Thị Nụ, tiểu khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đã mạnh dạn đầu tư vào cây cam. Vượt qua những khó khăn và thất bại, sau 10 năm gắn bó, cây không phụ lòng người, giúp gia đình chị thoát nghèo và trở thành tỷ phú.

Không nản lòng trước thất bại

Được sự giới thiệu của Hội phụ nữ huyện Cao Phong, chúng tôi tới thăm mô hình trồng cam gia đình chị Lâm Thị Nụ. Tại quầy hàng của gia đình, lối nói chuyện giản dị, gương mặt người phụ nữ đứng tuổi hơn ở tuổi thật của chị - 44 tuổi, toát lên vẻ cương nghị, rắn rỏi.
Vốn là hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trước kia, gia đình chị Nụ tập trung trồng mía. Cây mía tuy cho thu nhập khá nhưng chỉ là cây thoát nghèo.
Là công nhân của Nông trường Cao Phong (Công ty TNHH MTV Cao Phong hiện nay), được sự định hướng của công ty, năm 2004, chị Nụ chuyển sang trồng cam. Khởi điểm 4.000 m2 từ đất hợp đồng giao khoán của công ty, chị bắt tay trồng cây cam Xã Đoài.
Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, sau 4 năm, cây cam bắt đầu cho thu hoạch. Niềm vui chưa kịp bao lâu, sau 2 năm cho thu hoạch khá, sang năm thứ ba, cây cam bỗng dưng bói quả lưa thưa, tốt lá. Nhìn hàng trăm gốc phải chặt đi, chị đau như cắt từng khúc ruột, bao nhiêu tâm huyết tan trong chốc lát.
Nhắc lại thất bại này, chị Nụ bùi ngùi chia sẻ: Thời đó, quyết định đầu tư “cây nhà giàu” là một sự mạo hiểm bởi cây cam là cây cần chăm sóc cẩn thận, phòng trừ sâu bệnh đúng cách. Lần đầu tiên trồng cam, phần do không mua được giống có chất lượng, phần vì chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên thành công chưa mỉm cười.
Khi thất bại ở vụ cam thứ nhất, gia đình tôi rơi vào khủng hoảng kinh tế, vốn vay ngân hàng chưa kịp hồi lại phải gánh thêm khoản nợ mới để đầu tư tiếp. Tuy nhiên, tôi quyết không chịu đầu hàng trước thất bại, xót xa chặt hàng trăm gốc cam cũ đi, tôi chấp nhận làm lại từ đầu.
Sau lần đó, gia đình tôi lấy giống cam tại Nông trường Cao Phong và đầu tư vào hai giống cam Xã Đoài và cam lòng vàng. Mạnh dạn vay vốn ngân hàng Ngân hàng CSXH, NN & PTNT, Qũy tín dụng để thu gom đất trồng mở rộng diện tích, tôi quyết định đánh cược với cây cam một lần nữa.
Nỗ lực được đền đáp
Thất bại đã cho chị những kinh nghiệm quý báu. Ngược xuôi học hỏi kinh nghiệm, luôn luôn tìm tòi sách vở và tiếp thu những kiến thức KH -KT mới. Chị Nụ tâm sự: Khó chồng khó khi tôi bắt tay khởi nghiệp với cây cam; thất bại ập tới thực sự là cú sốc lớn, song cũng là bài học lớn cho tôi trong những thành công canh tác và phát triển cây cam sau này.
Tôi luôn tâm niệm trồng, chăm sóc cây cam và bảo đảm chất lượng cho quả cam để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất. May mắn qua mấy năm, đất không phụ người cộng với điều kiện khí hậu thuận lợi ở Cao Phong, cây cam phát triển tốt, cho quả đều và sai. Sau 6 năm làm lại với cây cam, mấy năm đầu, tiền thu được từ lãi cam chị trả nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích.
Tới nay, với diện tích 3 ha, gia đình chị trồng các loại cam như: cam Canh, Xã Đoài, cam lòng vàng, quýt dẹt, quýt đường, trong đó, đang cho thu 2 ha, còn 1 ha sẽ cho thu vào năm sau. Vụ cam năm 2013, gia đình chị thu hơn 1 tỷ đồng, theo chị nhẩm tính năm 2014, tuy không được mùa nhưng gia đình chị vẫn dự kiến thu khoảng 35 tấn cam và 15 tấn quýt, cho tổng thu khoảng 1, 3 tỷ đồng.
Nhân lên hy vọng trên miền đất trù phú
Hiện tại, gia đình chị Nụ có 4 nhân khẩu, hai vợ chồng nuôi hai con đang học đại học. Việc chăm sóc cây cam và trông nom vườn đều phải thuê, tới vụ đều phải thuê nhân lực thu hoạch cam. Với nỗ lực vừa làm, vừa tự học, chị Nụ nhen nhóm ý định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đất và trồng thêm giống cam V2.
Đứng giữa vườn cam của gia đình, tay nâng những quả cam vàng đều, tròn trịa và tự hào về những thành quả bao năm mình gây dựng, chị Nụ chia sẻ: Mấy năm nay, cam Cao Phong được mùa, chất lượng và giá thành sản phẩm cũng theo đó được nâng lên nông dân chúng tôi mừng lắm. Từ nay, cam Cao Phong đã có chỉ dẫn địa lý, gia đình tôi cũng như những người trồng cam khác yên tâm sản xuất và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tăng trưởng nhẹ Xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tăng trưởng nhẹ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu (XK) nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đạt giá trị 25 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, EU là thị trường nhập khẩu (NK) lớn nhất của nhuyễn thể 2 mảnh vỏ Việt Nam (chiếm tỷ trọng 69%) đạt giá trị 17,6 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

06/06/2015
Hơn 89% lượng sắn xuất khẩu sang Trung Quốc Hơn 89% lượng sắn xuất khẩu sang Trung Quốc

Là nước XK sắn lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan, nhưng đến nay ngành sắn Việt Nam vẫn phát triển khá bấp bênh khi có tới hơn 89% lượng sắn chủ yếu XK sang thị trường dễ dãi nhưng thiếu ổn định là Trung Quốc.

06/06/2015
Khi cơn đại hạn đi qua Khi cơn đại hạn đi qua

Mới đây, UBND tỉnh đã công bố hết hạn hán trong vụ Đông Xuân 2014-2015 trên địa bàn phía Tây và trung tâm của tỉnh.

06/06/2015
Không lo thiếu vật tư, phân bón vụ hè thu! Không lo thiếu vật tư, phân bón vụ hè thu!

Kết luận thanh tra về hoạt động SXKD giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh (với gần 90% cơ sở vi phạm) ngay trước vụ sản xuất hè thu đã khiến không ít người lo lắng về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

06/06/2015
Nấm Thái Dương triển vọng cho ngành nấm dược liệu ở Đồng Tháp Nấm Thái Dương triển vọng cho ngành nấm dược liệu ở Đồng Tháp

Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp vừa nghiệm thu đề tài “Xây dựng quy trình nuôi trồng, nghiên cứu tác dụng dược lý và dạng bào chế thích hợp cho nấm Thái Dương”. Đề tài do Công ty CP XNK Y tế Domesco thực hiện. Với những kết quả nghiên cứu mà đề tài mang lại hứa hẹn mở ra một triển vọng mới cho việc phát triển ngành nấm dược liệu tại Đồng Tháp.

06/06/2015