Nữ đại gia chè chết ở Trung Quốc bí ẩn đối tác nước ngoài
Càng bối rối bao nhiêu, người nhà của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh, dư luận ở Lâm Đồng và trong nước càng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh cái chết này.
Có thể nói, cái chết đột ngột của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh - GĐ Công ty TNHH Hà Linh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Lâm Đồng - tại Trung Quốc khiến dư luận quan tâm bởi có quá nhiều câu hỏi đặt ra và cần được làm sáng tỏ.
Phía sau con người ấy cũng có không ít chuyện cần được nói tới để dư luận hiểu thêm về một nữ doanh nhân hồng nhan bạc phận, cả đời gắn với cây chè, với sản phẩm trà Ô long, người từng góp nhiều công lao để đưa trà Ô long trở thành sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng và Việt Nam.
Tung tích đối tác nước ngoài vẫn là bí ẩn
Sáng hôm đó, trong ngôi nhà khá khang trang và cũng là trụ sở của Công ty TNHH Hà Linh trên đường Hùng Vương (31 Hùng Vương, TP.Đà Lạt) có khá đông người nhưng lại tĩnh phắc, lặng lẽ bởi họ đang đón đợi thi hài của nữ chủ nhân được đưa về từ Trung Quốc.
Ngồi trước mặt chúng tôi là luật sư Trương Quang Quý - trợ giúp pháp lý của Công ty TNHH Hà Linh, người phát ngôn chính của Công ty trong lúc này, và chị Hà Ngọc Hương - em ruột của nữ doanh nhân xấu số Hà Thúy Linh.
Cả hai lặng lẽ trao đổi với chúng tôi một số vấn đề xung quanh cái chết bất thường của bà Hà Linh (tên thường gọi).
Luật sư Trương Quang Quý nói: “Trước ngày chị Linh sang Trung Quốc (19.9), cả công ty ai cũng hy vọng, với tài ngoại giao của chị Linh, công việc làm ăn của Công ty Hà Linh rồi sẽ chuyển sang một trang mới.
Vì, theo như lời cô ấy nói với tôi thì chuyến đi này, ngoài việc gặp gỡ để bàn thảo với một số bạn hàng cũ về chuyện nợ nần và xuất khẩu hàng, cô ấy còn giải quyết một vấn đề cực kỳ quan trọng là thương thảo với một đối tác hoàn toàn mới để ký hợp đồng lâu dài tiêu thụ trà Ô long;
Và có thể sẽ còn là chuyện góp vốn vào công ty của đối tác này để làm ăn chung...”.
Doanh nhân Hà Thúy Linh.
Chị Hương nói thêm: “Mỗi lần ghé thăm tôi (ở xã Trạm Hành, Đà Lạt, gần nhà máy chế biến của Công ty Hà Linh), chị Linh chỉ nói vài câu, cười oang oang, rồi vội vàng ra xe để đi lo công chuyện.
Nhưng lần thăm cuối cùng trước khi chuyến đi Trung Quốc vừa rồi thì khác.
Hai chị em tâm sự đến hơn tiếng đồng hồ.
Trong câu chuyện hơn tiếng đồng hồ ấy, chị Linh có hỏi tôi: “Nếu ít lâu nữa công ty mở rộng sản xuất - kinh doanh, Hương có quay trở lại làm việc cho chị như trước đây không?”.
Không đợi tôi trả lời, chị giải thích luôn: “Chuyến đi Trung Quốc lần này, chị giải quyết một hợp đồng với một đối tác rất đặc biệt.
Nếu thuận buồm xuôi gió, không những đối tác ấy sẽ là chỗ tiêu thụ hàng của Công ty Hà Linh lâu dài mà có thể còn là một “Mạnh Thường Quân” góp vốn để công ty mở rộng quy mô hoạt động sản xuất - kinh doanh”.
Tôi hỏi đối tác đó là ai thì chị ấy bảo, chuyện này phải bí mật đến giờ chót...”.
Luật sư Quý củng cố thêm thông tin: “Sau mấy lần bàn thảo với đại diện của một đối tác Trung Quốc bí mật nào đó tại TPHCM, trước khi bay sang Trung Quốc, chị Hà Thúy Linh có yêu cầu tôi thảo một hợp đồng mua bán, trong đó phần ghi bên mua được bỏ trống.
Tôi hỏi thì chị ấy bảo rằng, qua Trung Quốc gặp đối tác sẽ ghi vào sau.
Với tư cách là luật sư trợ giúp pháp lý cho công ty, tôi đề nghị chị Linh cho biết tên của đối tác, nhưng chị ấy bảo không được, yêu cầu của đối tác là không tiết lộ cho bất kỳ ai”.
Theo lời kể của chị Hương, bà Hà Thúy Linh từng tiết lộ rằng, đối tác bí ẩn có đề nghị góp 20% vốn vào Công ty TNHH Hà Linh để cùng làm ăn lâu dài, song bà Linh cho biết, sẽ tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, nếu điều đó có lợi cho công ty, có lợi cho tập thể người lao động thì bà sẵn sàng; còn ngược lại, nếu những điều kiện mà họ đưa ra không có lợi thì thôi, sẽ bàn thảo cách hợp tác khác.
Như vậy, cho tới khi bà Hà Linh sang Trung Quốc, người nhà và người lao động trong Công ty TNHH Hà Linh chưa một ai biết danh tính đối tác người nước ngoài bí ẩn đó.
Mãi cho đến khi nhận được tin bà Hà Thúy Linh bị mê man bất tỉnh tại một quán nước, sau đó bị đánh đập, bị cướp tài sản và chết tại một bệnh viện của nước sở tại khi đi cùng với “một người bạn”.
Xâu chuỗi lại toàn bộ vấn đề, luật sư Trương Quang Quý đặt nghi vấn: Phải chăng “người bạn” cùng đi với Hà Thúy Linh vào quán nước ấy chính là đối tác hẹn gặp để bàn chuyện làm ăn, là một trong những mục đích của chuyến đi Trung Quốc lần này của GĐ Công ty TNHH Hà Linh?
Như vậy, phải chăng việc hẹn bà Hà Linh ký kết hợp đồng tiêu thụ trà Ô long và bàn chuyện góp vốn làm ăn lâu dài thực chất chỉ là chiêu thức phỉnh dụ để thực hiện một mưu đồ khác mà hậu quả là bà Hà Thúy Linh đã tử vong một cách oan uổng ở nước ngoài?
“Làm ăn với nước ngoài, không dễ đâu!”
Chị Hương kể cho chúng tôi câu chuyện “làm ăn” của bà Hà Linh: “Hồi năm 2002, chị Linh cùng chồng là Lin Ching Choang (người Đài Loan, tên tiếng Việt là Lâm Thiên Sáng) tách khỏi Công ty Fusheng để ra làm ăn riêng, thành lập công ty mới lấy tên là Công ty TNHH HaiYih.
Tôi là dân làm trà nên ngay từ đầu, chị Linh đã kéo tôi vào làm cho chị ấy.
Lúc này, anh Lâm Thiên Sáng làm GĐ, chị Linh làm Phó GĐ.
Là phó giám đốc nhưng hầu như mọi chuyện của công ty đều một tay chị Linh lo hết.
Những ngày đầu mới thành lập Công ty TNHH HaiYih khó khăn vô cùng.
Là em ruột, tôi thật xót xa khi thấy chị mình đầu tắt mặt tối, căng người đến kiệt sức để giữ cho HaiYih đứng vững.
Một mặt, phải lo cạnh tranh với bên ngoài, một mặt phải cạnh tranh với chính Công ty Fusheng vừa từ đó tách ra, nếu không cứng tay chèo chống, HaiYih sẽ “đổ” ngay từ trong trứng nước.
Tôi còn nhớ, tháng lương đầu tiên tôi nhận của HaiYih là 220.000 đồng.
Nói thật, đó là một con số quá...
bọt bèo; nhưng tôi tự nhủ, làm cho chị ruột mình mất đi đâu mà lo.
Vậy là tôi cũng lao vào lo công việc đến kiệt cùng sức lực.
Hồi đó, tôi định học tiếng Trung để có điều kiện giúp chị nhiều hơn.
Không ngờ, chị ấy gạt phăng, cấm tôi học, ngay cả việc tôi học lỏm qua một người khác cũng bị chị ấy cấm.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu nguyên nhân vì sao chị ấy cấm tôi.
Phải chăng, ngay từ những ngày đầu bước ra làm kinh doanh, chị ấy đã phải tiếp xúc với người nước ngoài...
nên hiểu nhiều thứ hơn tôi và không muốn tôi “dây” vào?”.
Thực ra, trước khi lấy chồng và bước vào thương trường, Hà Thúy Linh đã thường xuyên tiếp xúc với người Đài Loan và Trung Quốc.
Vì hồi đó, khi còn làm trong ngành du lịch, Hà Thúy Linh là thông dịch viên tiếng Trung.
Chúng tôi còn nhớ khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi đi cùng đoàn khảo sát của ngành bưu điện chọn điểm xây dựng bia tưởng niệm ở vùng Cầu Đất - Xuân Trường (Đà Lạt), trong buổi trưa ăn bánh mì uống nước suối dưới một vòm đá bên một con suối giữa rừng, bỗng thông dịch viên Hà Thúy Linh quay sang anh Nguyễn Duy Ninh - GĐ Bưu điện tỉnh Lâm Đồng lúc ấy - nói một câu không ăn nhập gì với chuyện thông dịch viên và cũng không ăn nhập gì với chuyện khảo sát: “Em mê đất này lắm, mê mấy thứ cây trồng...”.
Anh Ninh vốn là người rất nhạy: “Có phải em mê hai thứ cây càphê và chè của vùng đất Xuân Trường - Cầu Đất này không?”.
Câu trả lời của Linh khiến chúng tôi và tất nhiên là cả anh Ninh bất ngờ: “Em mê cây chè!”.
Anh Ninh như đang mở cuốn sách nằm trong vùng ký ức của mình ra: “Xứ Cầu Đất này được sinh ra là để dành riêng cho cây càphê và cây chè.
Càphê Cầu Đất ngon bao nhiêu thì cây chè xứ này cũng tuyệt hảo nhường ấy.
Không phải ngẫu nhiên mà khi mang hai loại cây trồng này sang Việt Nam, người Pháp đã chọn chân đất Cầu Đất này.
Nhưng, tôi xin được lưu ý các vị là, nhất là với Hà Linh vì “em chọn cây chè”, trong tương lai, nếu chọn cây chè cho vùng Cầu Đất thì hãy nhớ lại mấy câu thơ thế này:
“Đầy vườn tươi tốt lá chè xanh/Ngắt hái vò phơi sẵn để dành/Nhắn bảo cố đô bao thượng khách/Ô long có ở nước Nam mình”.
Đó là mấy câu thơ của danh sỹ thế kỷ 19 Đặng Huy Trứ.
Đấy, trong tương lai, nếu chọn cây chè cho Cầu Đất thì phải là cây chè “ngắt hái vò phơi...” chứ không phải “om” trã đất như nông dân ta xưa nay!”.
Nghe anh Nguyễn Duy Ninh “nói chuyện trên trời”, bỗng dưng tôi thấy Hà Linh gật gật đầu như một người tâm đầu ý hợp và đang nhận ra điều gì đó mới lạ, hay ho...
Vì thú thật, với chúng tôi ngày ấy, khái niệm “trà Ô long” xem ra vẫn còn xa lạ lắm!
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2007 đến nay, cây cam trên đất Yên Thành (Nghệ An) đã có sự phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xếp là giống cây chủ lực, nhưng đến nay cam Yên Thành vẫn chưa xây dựng được thương hiệu; bà con trồng cam vẫn loay hoay tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX, Sở NN & PTNT tỉnh Hậu Giang vừa có chuyến khảo sát HTX quýt đường Long Trị, ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ để hỗ trợ HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hoạt động này nằm trong đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến 2020” và đề án 1.000 của tỉnh.
Những năm gần đây, bọ cánh cứng hại dừa phát triển mạnh, gây thiệt hại nặng cho nhiều diện tích dừa ở Phù Cát (Bình Định); mặc dù các chủ vườn dừa đã áp dụng một số biện pháp như: phun thuốc hóa học, đặt muối, ong ký sinh... để phòng trừ, nhưng hiệu quả không cao.
Dù có nguồn gốc, xuất xứ từ những vùng đất khác nhưng khi du nhập vào Gia Lai, những loại cây ăn trái như nhãn lồng, sầu riêng, vải... thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây và cho ra những sản phẩm gắn thương hiệu Gia Lai đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Anh Huỳnh Tấn Lộc, ở ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp. Hôm chúng tôi đến, anh đang tất bật xử lý cho sầu riêng ra hoa để kịp thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, anh Lộc gắn bó với cây sầu riêng từ rất sớm. Hiện anh Lộc có 0,8 ha vườn trồng 160 cây sầu riêng hạt lép, giống Monthon và Ri 6.