Nông Sản Địa Phương Chưa Vào Được Nhà Máy
Với gần 1 triệu tấn lúa, trên 200 nghìn tấn ngô và hàng trăm nghìn tấn sắn sản xuất mỗi năm, Nghệ An được coi là địa phương có nguồn nông sản dồi dào. Thế nhưng, lượng nông sản này hầu như đang được tiêu thụ trên thị trường tự do với nhiều vấn đề bất cập, số “vào” được các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn vẫn chưa nhiều.
Với trên 80 trang trại và hơn 480 gia trại, hàng năm, số lượng thức ăn được tiêu thụ trên địa bàn huyện Hưng Nguyên là rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, thì dù lượng thức ăn mà địa phương tiêu thụ hàng năm rất lớn, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy có doanh nghiệp nào vào đặt vấn đề thu mua nông sản trên địa bàn để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, sau dồn điền đổi thửa, đã có một số cánh đồng mẫu lớn được hình thành, sản phẩm nông sản được sản xuất mang tính hàng hóa, nhưng chỉ có vài doanh nghiệp như Công ty VTNN Nghệ An, Công ty TNHH Vĩnh Hòa… vào ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm chất lượng cao về làm hàng hóa.
Sản phẩm nông sản trên địa bàn chủ yếu nội tiêu và tư thương mua đem ra ngoài. “Mỗi năm Hưng Nguyên sản xuất được khoảng 62 nghìn tấn lúa, 5.000 tấn ngô, trên 1.000 tấn lạc, 1.200 tấn đậu đỗ.
Chúng tôi có đủ lượng nông sản cần thiết để các doanh nghiệp có thể vào mua sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng hiện nay, doanh nghiệp và nông dân chưa gặp được nhau.
Để khắc phục vấn đề này, cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, HTX nông nghiệp đứng ra làm dịch vụ thu mua sản phẩm, gom nông sản nhập cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hợp đồng đã được ký từ trước chứ các doanh nghiệp cũng không thể vào thu mua nhỏ lẻ.
Muốn vậy, điều đầu tiên là phải có các cơ chế chính sách giúp các HTX có thể vay được vốn. Ngoài ra, cần có cách làm phù hợp hơn trong hỗ trợ phát triển hệ thống máy sấy trên địa bàn trong phơi sấy nông sản, đáp ứng được yêu cầu thu mua của các doanh nghiệp.
Hiện nay lượng nông sản tiêu thụ tại chỗ chỉ chiếm chưa đầy 2/3 tổng sản lượng trên địa bàn, số còn lại nhiều lúc lâm vào tình trạng bấp bênh, tư thương ép giá. Nếu có được nơi tiêu thụ ổn định, ngoài nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, Hưng Nguyên còn có thể tăng diện tích ngô đông từ 500 ha hiện nay lên khoảng 1.200 ha”- ông Trường cho biết.
Với tổng sản lượng gần 1 triệu tấn lúa, hiện nay mỗi năm Nghệ An dư thừa từ 350 - 400 tấn lúa, ngoài ra, với 55 - 60 nghìn ha ngô, mỗi năm chúng ta có khoảng 200 - 220 nghìn tấn ngô hạt. Như vậy, lượng sản phẩm có hạt có thể đưa vào các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lên tới 500 - 550 ngàn tấn/năm.
Cùng với đó là hàng trăm nghìn tấn sắn được sản xuất từ Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu… và nhiều loại phụ phẩm khác như đậu tương, phụ phẩm cá, khô dầu lạc từ chế biến dầu ăn v.v. Tuy nhiên, thực tế là số sản phẩm này chủ yếu đang được người nông dân tự tiêu thụ, phổ biến nhất là qua hệ thống tư thương.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu - ông Nguyễn Văn Dinh cho biết: Là địa phương ven biển, ngoài lượng sản phẩm nông sản rất lớn từ 13 nghìn ha lúa, 3 nghìn ha ngô, 500 ha khoai lang, 400 ha sắn, hàng năm, Quỳnh Lưu còn có khoảng 20 nghìn tấn cá tạp có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Với 4 nhà máy nhỏ chế biến bột cá trên địa bàn, bình thường có thể đáp ứng tiêu thụ khoảng 50 - 60% lượng cá tạp này, nhưng vào những thời điểm cá về nhiều hoặc mưa bão, thuyền về cấp tập, tình trạng ế thừa, ép giá thường xuyên xảy ra.
Nguyên nhân khiến nông sản Nghệ An chưa “vào” được các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi là do chất lượng nông sản. Chúng ta chưa có được hệ thống lò sấy, máy sấy để có thể đáp ứng được nhu cầu bức thiết về bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch, trong khi điều kiện thời tiết của Nghệ An có rất nhiều bất lợi.
Sản phẩm ngô vụ đông, một vụ sản xuất chủ chốt trong năm, vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện của các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi do khi thu hoạch gặp thời tiết mưa rét, ẩm độ cao, khó phơi sấy.
Bà Nguyễn Thị Kiều Thu - Trưởng phòng Hành chính, Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc Con heo vàng Nghệ An, cho biết: “Nhà máy có dây chuyền sản xuất với công suất thiết kế lên đến 80 nghìn tấn/năm, hàng năm, lượng nguyên liệu cần để phục vụ cho sản xuất rất lớn.
Tuy nhiên, do vẫn chưa xây dựng được lò sấy, nên hiện tại, chúng tôi đang thu mua nguyên liệu từ bên ngoài, sản phẩm nông sản trên địa bàn Nghệ An hầu như chỉ có thể thu mua vào những mùa nắng nóng, thu hoạch rộ và chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng nhu cầu về nguyên liệu của đơn vị”.
Theo bà Thu, bên cạnh hạn chế trong khâu sơ chế, bảo quản, còn có một nguyên nhân rất cơ bản nữa là vấn đề giá cả. Tuy được thu mua tại chỗ nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, việc mua bán giữa nông dân và nhà máy buộc phải qua hệ thống tư thương thu gom, dẫn đến giá nguyên liệu ở Nghệ An luôn cao hơn nguyên liệu được nhập khẩu về từ Lào, từ các tỉnh miền Nam với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.
Đó cũng là nhận định chung của các doanh nghiệp khác “đứng chân” trên địa bàn Nghệ An. Là một trong hai nhà máy sản xuất thức ăn gia súc lớn nhất trên địa bàn tỉnh, nhờ đã xây dựng lò sấy có công suất lớn, từ 2 năm nay, lượng nguyên liệu được Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Golden Star thu mua ngay tại địa bàn Nghệ An chiếm trên 50% tổng nhu cầu.
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh - Phó giám đốc nhà máy, thì việc thu mua hầu như chỉ được tiến hành vào những vụ thu hoạch sắn, ngô rộ và hiện vẫn phải qua hệ thống tư thương vì đơn vị không đủ khả năng rải người đi thu gom ở những vùng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với các yếu tố khác, đó cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho giá thu mua nguyên liệu ở Nghệ An luôn được “đội” cao hơn những vùng khác. Nếu ở thời điểm hiện tại, ngô Nghệ An có giá 630 - 650 nghìn đồng/tạ thì ngô được nhập khẩu từ Ấn Độ, Aghentina về đến tận nhà máy cũng chỉ có giá 560 - 580 nghìn đồng/tạ, trong khi chất lượng không hề thua kém.
Hiện tại, Nghệ An chưa bức bách về tiêu thụ nông sản, tình trạng ế thừa hầu như chỉ xảy ra cục bộ ở những thời điểm thu hoạch rộ. Tuy nhiên, phương thức tiêu thụ sản phẩm như hiện nay đã bộc lộ rất nhiều hạn chế và bất cập. Khi cần, đặc biệt vào những mùa thu hoạch rộ, lượng sản phẩm lớn, nếu không có hợp đồng mua bán từ trước, người nông dân sẽ rất dễ bị ép giá, buộc phải bán rẻ, thậm chí ế thừa.
Bởi vậy, về lâu dài, để nông dân yên tâm sản xuất, việc xây dựng một thị trường tiêu thụ ổn định, vững chắc và an toàn cho nông dân là một điều cực kỳ cần thiết. Phó giám đốc Sở NN&PTNT - ông Nguyễn Văn Lập cho biết: Để làm được điều này, cần phải có mối liên kết chặt chẽ từ sản xuất - chế biến - thu gom và tiêu thụ.
Hiện tại, sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi với các địa phương, người dân trong vấn đề thu mua nông sản hầu như chưa có. Để hai bên có thể “gặp” nhau, trước hết các doanh nghiệp cần làm việc, phối hợp với các cơ quan chức năng trong giải quyết những vấn đề còn bất cập, vướng mắc.
“Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển, mở rộng các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất. Từ đó cũng có thể áp dụng các cơ chế chính sách phù hợp hơn trong xây dựng các hệ thống lò sấy nông sản, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp thu mua.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2015, huyện Ngọc Lặc đặt ra mục tiêu trồng mới 800 ha rừng, hơn 20.000 cây phân tán. Để công tác trồng rừng diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch, thời gian qua, cùng với việc chỉ đạo các đơn vị, địa phương chuẩn bị nguồn giống bảo đảm chất lượng, huyện đã phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện trồng cây phân tán.
Vụ chiêm-xuân 2013-2014 xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, đặc biệt là ở 2 huyện Nga Sơn, Hậu Lộc luôn duy trì ở mức 0.10-5 phần nghìn khiến các trạm bơm vùng triều gặp khó khăn do nguồn nước bị xâm nhập mặn nặng, thời gian bơm bị giảm đến mức báo động, một số cống lấy nước vùng triều phải đóng cửa.
Năm 2014, Công ty CP Nông sản Phú Gia, khu D - Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) đã sản xuất được 55.000 tấn thức ăn chăn nuôi, tăng 10% so với năm 2013, doanh thu đạt 380 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 2,2 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho người lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng...
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2014, kim ngạch XK tôm sang thị trường Hàn Quốc đạt 318 triệu USD, tăng hơn 41% so với năm 2013. Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này trong năm vừa qua với thị phần lên đến hơn 40%.
Trước thực trạng trên, huyện Nga Sơn đã xây dựng Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khắc phục tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế 6 xã ven biển, giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”. Thời gian thực hiện chưa nhiều, song hiệu quả của đề án bước đầu đã được khẳng định.