Nông Sản Đặc Sản Vào Mùa
Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nên thời điểm này, tại các vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ… ở ngoại thành Hà Nội, người nông dân lại tất bật thu hoạch vụ Tết.
Theo phản ánh của các hộ nông dân, năm nay, giá các mặt hàng này tương đối ổn định.
Sản lượng không đồng đều
Thời điểm cận Tết, khu vườn trồng cam Canh 1ha của gia đình chị Vũ Thị Hoa trên vùng chuyển đổi của xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ lúc nào cũng tấp nập người vào ra. Bên những cây cam Canh chín vàng, sai lúc lỉu, chị Hoa phấn khởi cho biết, năm nay, vườn cam nhà chị được mùa lớn. Với sản lượng bình quân mỗi cây cam cho thu hoạch 120kg, toàn bộ diện tích của gia đình chị thu được trên 20 tấn cam. "Ước tính năm nay gia đình tôi thu được khoảng 1 tỷ đồng từ cam Canh" - chị Hoa nhẩm tính.
Tại vùng trồng cam Canh xã Kim An, huyện Thanh Oai, năng suất, sản lượng chỉ tương đương so với năm ngoái. Ông Đỗ Hùng Cường - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Kim An cho biết, toàn xã có 40ha cam Canh đang cho thu hoạch. Thời điểm này, các hộ tập trung thu hoạch những đợt cuối cùng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Năng suất cam đạt khoảng 1 tấn/sào. Trong khi đó, tại xã Cao Viên, một trong những vùng trồng cam Canh khá nổi tiếng của Hà Nội, hầu hết sản lượng cam của các vườn đều giảm do mưa nhiều, rụng quả non.
Càng gần Tết, không khí tại vùng trồng phật thủ Đắc Sở, huyện Hoài Đức càng trở nên nhộn nhịp. Ông Nguyễn Bá Mùi, thôn Đông, xã Đắc Sở cho biết, do thời tiết mưa nhiều kéo dài từ tháng 6 - 8/2013 nên phật thủ ít quả và nhỏ hơn năm trước. Ước tính sản lượng quả giảm 30% so với năm ngoái. Năm nay, gia đình ông Mùi thu hoạch được 4.000 quả, giá trị đạt khoảng 200 triệu đồng, giảm 1/3 so với năm trước. Trong khi cam Canh và phật thủ có xu hướng chững lại thì bưởi Diễn năm nay lại được mùa với sản lượng tăng 10 - 15% so với năm ngoái.
Đầu ra ổn định
Tuy sản lượng có chút biến động nhưng hầu hết các sản phẩm cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ năm nay đều được tiêu thụ khá tốt. Trong đó, được giá nhất là phật thủ. Đây là loại quả khá đặc biệt vì có mùi thơm, lại để được lâu trong nhiều tháng. Hơn nữa, với hình dáng như bàn tay Phật xòe ra, thứ quả này được dùng để thờ cúng có ý nghĩa mang lại sự bình an, sung túc cho gia chủ trong cả năm.
Do đó, vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng phật thủ để thờ ngày càng cao. Hiện tại, giá phật thủ cỡ trung bình bán xô cả vườn là 150.000 đồng/quả, cao hơn 50.000 đồng/quả so với năm trước; quả nhỏ từ 30.000 - 40.000 đồng/quả. Tại "vựa" phật thủ xã Đắc Sở, đến thời điểm này, mức giá cao nhất được trả tới 3 triệu đồng/quả. Với mức giá này, mỗi hộ trồng phật thủ thu về trung bình từ 200 - 500 triệu đồng, có hộ nhiều thu tới 1 tỷ đồng.
Giá bưởi Diễn năm nay cũng tương đối ổn định. Theo đó, những quả to, ngon loại 1 có giá 50.000 - 60.000 đồng/quả, còn lại bán xô 25.000 - 30.000/quả tại vườn, tương đương so với dịp Tết Quý Tỵ. Ông Nguyễn Văn Cương - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Diễn, huyện Từ Liêm phấn khởi cho biết, toàn xã có 50ha trồng bưởi Diễn, đến nay đã thu hoạch gần hết. Phần lớn các hộ dân đều bán cả vườn cho thương lái. Do được mùa, giá ổn định, bình quân mỗi hộ thu được 200 - 300 triệu đồng từ bưởi Diễn trong dịp Tết năm nay.
Tương tự, giá cam Canh cũng ở mức khá vừa phải. Giá bán xô tại vườn khoảng 50.000 đồng/kg, với cam canh loại 1 có giá 60.000 đồng/kg. Theo các hộ nông dân, mức giá này thấp hơn so với năm ngoái một chút, bởi thời điểm này năm trước, giá cam Canh đạt mức trên 60.000 đồng/kg.
Ông Lê Đức Giáp, một hộ dân trồng cam Canh xã Cao Viên, huyện Thanh Oai lý giải, nguyên nhân là do diện tích trồng cam Canh ngày càng được mở rộng, không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà còn các tỉnh lân cận. Hơn nữa, một số mặt hàng cam khác như cam Cao Phong (Hòa Bình) cũng được đưa về Thủ đô khá nhiều trong dịp Tết năm nay. Điều duy nhất khiến cho người nông dân yên tâm là đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định.
Năm nay, ngoài cây ngũ quả, thị trường cây cảnh Tết Thủ đô đón nhận sản phẩm mới là cây "thất quả", tức là 7 quả trên cùng một cây do ông Lê Đức Giáp (huyện Thanh Oai) trồng. Được biết, giá các loại cây này trung bình 2 - 3 triệu đồng/cây, cao nhất 7 - 8 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Ông Hà Văn Rem, một trong những nông dân có nhiều thâm niên trong việc trồng môn cho biết, nhờ trồng môn mà đời sống người dân trong ấp Đại An (Trà Vinh) không ngừng được cải thiện, nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố đã mọc lên từ thu nhập “trồng môn”.
Bước vào vụ thu hoạch năm nay, những nông dân trồng ớt ở Bố Trạch (Quảng Bình) chưa kịp vui mừng vì được mùa thì phải khốn khổ với nỗi lo ớt rớt giá.
Qua học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi hàu ở các tỉnh ven biển, anh Nguyễn Văn Thiệu đã về quê (khóm 5, Thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đầu tư nuôi hàu bằng bè trên sông nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Tổng kết mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn vụ Đông Xuân 2013- 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh cho biết, bình quân mỗi ha ruộng trong mô hình, nông dân có lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình trên 3,1 triệu đồng/ha.
Thời gian gần đây, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang lên cơn sốt đánh bắt và thu gom con banh lông, khi loài sinh vật biển chưa từng được ngư dân quan tâm đánh bắt này bất ngờ được các thương lái Trung Quốc săn lùng và mua với giá cao ngất ngưởng