Hoang phế một vùng tôm
Những năm gần đây, người nuôi tôm ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) liên tục chịu cảnh trắng tay vì dịch bệnh và thời tiết. Vì thế, ngoài một số diện tích chuyển sang nuôi ốc hương, hàng chục hecta đìa nuôi tôm khác tại địa phương, nhất là vùng đìa K18 đang bỏ hoang…
Hiện nay trên các đìa nuôi tôm ở các thôn: Xuân Tự, Xuân Vinh, Xuân Đông khung cảnh khá ảm đạm. Tại vùng đìa K18 (thôn Xuân Vinh), hàng chục hecta đìa hoang tàn, phơi đáy, trang trại đóng cửa im ỉm... Chúng tôi gặp anh Cao Xuân Huyền đang lùa đàn bò về nhốt trong trại tôm được xây dựng hoành tráng một thời. Hỏi chuyện, chúng tôi mới biết, do thua lỗ triền miên nên 5 năm trở lại đây, anh Huyền bỏ hẳn nghề nuôi tôm chuyển sang nuôi bò, tuy lợi nhuận không cao nhưng cũng tạm yên tâm hơn nuôi tôm. “Hiện nay, tôi đã bỏ hoang gần 2ha đìa. Khu vực này toàn nước mặn, nhiễm phèn; nhiều gia đình muốn lấp đìa để trồng các loại cây cũng đành bất lực”, anh Huyền nói.
Được biết, khu vực K18 là vùng đìa tôm đầu tiên của xã Vạn Hưng với hơn 21ha. Giai đoạn 1990 - 2005, khu vực này khá trù phú. Hầu hết các hộ nuôi tôm ở đây đều khá giả nhờ liên tiếp trúng tôm. 10 năm trở lại đây, người nuôi tôm trong vùng bị thua lỗ do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, thời tiết bất lợi, dịch bệnh triền miên. Ngoài ra, chi phí đầu tư ngày càng tăng, giá cả bán tôm không ổn định cũng làm người nuôi lao đao.
Anh Đinh Bạt Hướng (thôn Xuân Đông) bắt đầu nghiệp nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng từ năm 1990 với gần 1ha đìa. Một thời gian dài thả nuôi theo kiểu bán thâm canh, cuộc sống của gia đình anh cũng tạm ổn. Đến năm 2000, khi phong trào nuôi tôm trong tỉnh phát triển rầm rộ, anh Hướng đã vay vốn ngân hàng để nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Những vụ đầu, gia đình anh thu lợi nhuận rất lớn.
Mỗi lứa, anh bỏ túi hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Nhưng giai đoạn 2005 - 2010, tôm bị dịch bệnh liên miên, nuôi vụ nào lỗ vụ đó nên kinh tế gia đình anh Hướng ngày càng đi xuống; tiền nợ ngân hàng ngày một nhiều. Không có vốn để tái sản xuất nên anh Hướng đành bỏ hoang đìa tôm, đi làm thuê kiếm sống. Anh cho biết: “Không riêng gì tôi, ở vùng đìa K18 ai cũng vậy, đìa nào cũng trơ đáy. Nhiều người khi nhắc đến chuyện nuôi tôm là thấy sợ hãi”.
Tuy diện tích ao đìa lớn nhưng theo kế hoạch hàng năm, xã Vạn Hưng chỉ duy trì được khoảng 126ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 50% nuôi tôm, 50% ốc hương. Các đối tượng này chủ yếu được nuôi quảng canh với mật độ thưa.
Bà Trần Thị Thu - Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết: “Những năm qua, do nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn nên nhiều diện tích nuôi tôm trên địa bàn xã rơi vào cảnh treo ao, nhất là vùng nuôi K18 đã có hàng chục hecta bỏ hoang; nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi. Năm nay, tuy người nuôi tôm không đầu tư lớn theo kiểu nuôi công nghiệp (chỉ đầu tư nuôi quảng canh), nhưng do thời tiết không thuận lợi khi nắng nóng kéo dài nên hầu hết các đìa đều xảy ra hiện tượng tôm bị bệnh, chậm lớn... Không riêng gì các hộ nuôi tôm, các hộ nuôi ốc hương cũng có chung cảnh ngộ...”.
Tôm nuôi chết liên tục, trong khi đó, người nuôi phải gánh chi phí quá lớn nên dẫn đến lợi nhuận đạt thấp, nghề nuôi tôm không còn hấp dẫn đối với người dân. Hiện nay, nhiều mặt hàng như: thức ăn cho tôm đã tăng từ 25.000 đến 45.000 đồng/bao (loại 20kg); thuốc thú y thủy sản tăng từ 10.000 đến 15.000 đồng/chai (gói) tùy loại, đó là chưa kể những vật tư, thiết bị phục vụ cho việc nuôi tôm cũng tăng lên từng ngày. Thế nhưng, giá thu mua tôm của thương lái chỉ tăng lên chút ít, hiện ở mức 100.000 - 110.000 đồng/kg tôm loại 100 con/kg (nếu kích cỡ tôm nhỏ có giá thấp hơn).
Những người đã từng nuôi tôm ở vùng đìa K18 cho biết, mức giá này tỷ lệ nghịch với chi phí bỏ ra nên người nuôi ít có lãi. Mấy năm nay, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên người nuôi nắm chắc phần thua lỗ...
Giờ đây, không ít người dân ở vùng đìa K18 chấp nhận rời bỏ con tôm để chuyển sang một nghề chăn nuôi mới, tuy thu nhập không bằng tôm nhưng ổn định và an toàn hơn.
Có thể bạn quan tâm
Năm nay là năm thứ 4 nông dân ở các xã vùng ngập mặn, ven biển huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh tiếp tục thu được lợi nhuận cao từ mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cua biển. Với diện tích bình quân 1 ha nuôi tôm sú kết hợp với cua biển, nông dân có thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng.
Theo khung lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản 2015 của Sở NN & PTNT, hiện nay là vụ nuôi chính thứ 2 của năm. Tuy nhiên, tại các vùng nuôi trọng điểm người dân do lo ngại dịch bệnh trên tôm tái phát nên chỉ thả nuôi cầm chừng, nhiều nơi vẫn còn “treo” ao.
Đánh giá từ cơ quan chức năng thì nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thiếu tính bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là rủi ro về dịch bệnh. Những rủi ro này một phần nguyên nhân do nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh chưa chủ động được về nguồn giống, từ số lượng đến chất lượng giống. Trước thực trạng đó, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm, nâng cấp, mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất giống hiện có trên địa bàn tỉnh là giải pháp cho việc giải bài toán về con giống cho nghề nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Ngày 24/7/2015, tại hội trường UBND xã Ngũ Lạc - huyện Duyên Hải, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh, Hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh kết hợp Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học về kỹ thuật sản xuất lươn giống và nuôi lươn thương phẩm cho gần 50 bà con nông dân ở hai huyện, Duyên Hải và Cầu Ngang. Tham gia buổi hội thảo có ông Phạm Nam Dương, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh, Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Duyên Hải.
Cách đây 10 năm, nhận thấy heo rừng dễ nuôi, nguồn thức ăn cho chúng chủ yếu từ thiên nhiên, cựu chiến binh Chung Văn Tuấn, ngụ xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã quyết định chọn nuôi và ông đã thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi này.