Nông nghiệp Việt Nam sửa mình để đón thời cơ
Những yếu kém về giống, bảo quản, chế biến sâu cũng như thay đổi quy mô sản xuất nông nghiệp… là các vấn đề cần phải chú trọng thay đổi, đầu tư sâu của nông nghiệp Việt Nam trước TPP.
Đầu tư mạnh vào giống, kỹ thuật
TS Nguyễn Văn Giáp – Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam, nhận định khó khăn về thị trường, những yếu kém do nội lực khiến phần lớn DN nông nghiệp trong nước hoạt động cầm chừng, thậm chí thua lỗ trong thời gian dài.
Không chỉ vậy, khi TPP được ký kết, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng làn sóng đầu tư từ nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam, kéo theo đó những DN nhỏ trong nước, DN đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư… phải đối mặt với phá sản, bị DN có vốn đầu tư nước ngoài thâu tóm.
Do đó, cùng với việc quản lý sản xuất, kinh doanh, cơ quan chức năng cần phải kiểm soát cả về cạnh tranh công bằng trên thị trường.
Hiện tại, những ngành như sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản… mang lại lợi nhuận “khủng” cho DN, trong khi nông dân phải mua giá cao, dẫn tới giá thành sản xuất cao.
Mía đường cần tập trung đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ để giảm giá thành, tìm chỗ đứng khi TPP có hiệu lực. Ảnh: Thu hoạch mía tại vùng nguyên liệu Hậu Giang.
“Nhà nước cũng phải có chính sách kiểm soát việc mua bán, sáp nhập DN trong nước với DN nước ngoài, ở những ngành chi phối giá thành sản xuất nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, phân bón, giống…” - ông Giáp đề xuất.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dịch vụ khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng thì cho rằng việc cần làm hiện nay, khi đã vào sân chơi quốc tế TPP là đầu tư “đậm” vào khoa học công nghệ, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nông sản, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, hạn chế dần việc xuất khẩu thô nông sản.
Phải giảm giá thành
Ông Phạm Hồng Dương – Chủ tịch Ủy ban mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) nhìn nhận, bên cạnh ngành chăn nuôi, mía đường hiện cũng bị đánh giá là cạnh tranh yếu do kỹ thuật sản xuất lạc hậu, giá thành cao. Trong khi giá thành 1kg đường ở Việt Nam ở mức 10.400 đồng/kg thì ở Thái Lan chỉ 8.000 đồng/kg.
Đặc biệt trong các nước tham gia TPP có Úc – nước xuất khẩu mía đường lớn thứ 3 thế giới với chi phí sản xuất khoảng 20USD/tấn (hơn 400.000 đồng) trong khi ở Việt Nam khoảng 55-60 USD/tấn (hơn 1,2 triệu đồng). Do vậy, sức ép sẽ tăng lên rất nhiều.
Ông Dương cho rằng chỉ có đầu tư vào khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh, may ra mía đường mới có thể tìm được chỗ đứng trong hội nhập.
Theo đó, các DN trong nước có thể ứng dụng các nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật của thế giới hoặc tự đầu tư nghiên cứu dựa trên những nhu cầu của bản thân DN.
“Như tại TTC, chúng tôi đầu tư sản xuất điện, phân bón sinh học từ bã mía… Qua đó, vừa tận dụng các phụ phẩm khi sản xuất đường, lại giúp giảm giá thành sản phẩm.
TTC cũng áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng năng lượng mặt trời… để tăng năng suất, chất lượng cho các vùng mía nguyên liệu” - ông Dương nói.
Còn theo ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, để nâng cao khả năng của ngành chăn nuôi - là ngành cạnh tranh yếu nhất hiện nay, phải làm tốt khâu giống vật nuôi.
Nếu có nguồn giống tốt sẽ góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời theo tính toán còn góp phần làm giảm khoảng 9% giá thành sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết sắp tới Bộ sẽ chỉ đạo tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tập trung cao nhất vào nâng cao chất lượng con giống, kể cả với sản xuất nông hộ lẫn sản xuất trang trại.
Đồng thời tạo hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật để tăng cường quản lý các loại giống đang lưu hành trên cả nước.
Bộ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhiều DN cùng nhập nguồn giống tốt trên thế giới để nâng cao năng suất, chất lượng gia súc, gia cầm tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám mới đây cũng hứa rằng, trong tháng 10, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức làm việc với từng DN chăn nuôi lớn, là những đơn vị có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi các loại, để tháo gỡ, tìm hướng ra cho chăn nuôi trong nước trước sự tấn công ào ạt của sản phẩm chăn nuôi nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Gần đây, thông tin về việc một số hộ cá thể tại Nghệ An đã sử dụng thuốc tránh thai trong quá trình nuôi khiến dư luận rất hoang mang, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi lươn và "thương hiệu" các món lươn xứ Nghệ.
Đây là đề xuất của Sở NN&PTNT nhằm tăng cường mở rộng kênh tiêu thụ cho các sản phẩm thủy hải sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, trong đó có các mặt hàng thuộc thế mạnh của tỉnh như các loài cá biển nuôi lồng bè, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, các loài cá nước ngọt truyền thống...
Trong 9 tháng đầu năm, tình hình sản xuất và sản lượng cung ứng cá tra nguyên liệu trong nước giữ mức ổn định. Tuy nhiên, xuất khẩu có dấu hiệu giảm, cơ cấu thị trường và tỷ giá thay đổi tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra.
Năm 2015, diện tích thả nuôi, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra được dự báo giảm so với năm trước do thị trường nhập khẩu trọng điểm của sản phẩm cá tra Việt Nam gần đây đã giảm mạnh.
Các địa phương cần sớm thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm với bệnh ra ngoài vùng có ổ dịch.