Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ma Trận Thị Trường Cây Giống

Ma Trận Thị Trường Cây Giống
Ngày đăng: 26/06/2012

Thời điểm này, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang tìm về Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (Đak Lak) để mua cây giống chuẩn bị trồng rừng, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Tuy nhiên, bà con khó phân biệt đâu là cây giống thật đâu là cây giống giả, bởi hầu hết các cơ sở bán cây giống này đều mang chung một thương hiệu “Ea Kmat”.

Ở Tây Nguyên, lâu nay Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Phát triển Nông - Lâm nghiệp Ea Kmat (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên) được xem là cơ sở ươm và cung cấp giống các loại cây công nghiệp dài ngày có uy tín nhất (đáp ứng gần 50% nhu cầu cây giống cà phê cho các tỉnh Tây Nguyên).

Cụ thể năm 2012, Công ty ươm 2 tấn hạt giống cà phê (đủ trồng mới 2 ngàn ha cà phê), riêng tháng 6 vừa qua đã tiêu thụ được hơn 100 ngàn cây cà phê ghép, 100 ngàn cây cà phê thực sinh, 30 ngàn cây ca cao, hơn 30 ngàn cây hồ tiêu cùng hàng ngàn cây ăn trái khác.

Năm nay, do diện tích cà phê già cỗi cần tái canh trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên khá lớn, cộng thêm tình trạng phá rừng trồng cà phê nên nhu cầu giống cây cà phê đột ngột tăng cao. Do vậy, cây giống cà phê của Công ty Ea Kmat ươm, ghép đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thạc sĩ Trần Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Giống cây chủ lực lâu nay Công ty cung cấp cho nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn là cà phê. Ngoài ra, những năm gần đây do nhu cầu thị trường, nên Công ty cung cấp thêm một số cây trồng khác như ca cao, mac-ca, hồ tiêu và cây ăn trái…

Tuy nhiên, hiện nay đang có trên dưới 100 cơ sở, hộ cá thể trên địa bàn xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột nơi mà Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Ea Kmat đứng chân đều mang thương hiệu của Công ty Ea Kmat. Điều này làm không ít người dân lầm tưởng đó là giống cây trồng được cung cấp bởi Công ty Ea Kmat.

Trong khi đó, các cơ sở này khi bán cây giống đều không xuất hóa đơn, chứng từ nên khi phát hiện giống cây kém chất lượng thì người dân cũng khó trong việc đòi bồi thường. Ông Lê Văn Sơn, ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đak Lak tìm mua giống cà phê thay thế cho vườn cà phê già cỗi của mình cho biết: “Tôi tính mua vài trăm cây cà phê vối có chất lượng về trồng thay thế số cà phê đã già cỗi ở nhà nhưng đến đây thấy cơ sở nào cũng mang tên Ea Kmat, chẳng biết đâu là thật đâu là giả… chẳng may mua phải giống dởm thì biết kêu ai”.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Đak Lak cho biết: Trước đó, Sở cùng các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra định kỳ để thẩm định chất lượng giống cây trồng của các doanh nghiệp, cơ sở ươm và cung cấp giống nhưng thực chất chỉ kiểm tra được những đơn vị có giấy phép như Công ty Ea Kmat. Còn các cơ sở ươm, bán giống không phép, giống kém chất lượng thì khi có đoàn kiểm tra chủ cơ sở đã “nhanh tay” tháo biển, đóng cửa, nên đoàn không thể làm gì được.

Theo tính toán, chi phí cho việc trồng, chăm sóc 1 ha cà phê từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch lên đến hơn 100 triệu đồng. Vì vậy, trong trường hợp mua, trồng phải giống cây kém chất lượng thì thiệt hại sẽ rất lớn. Trước tình trạng trên, Viện đã nhiều lần khuyến cáo nông dân các tỉnh Tây Nguyên phải tìm hiểu kỹ trước khi mua giống, chọn những cơ sở cung cấp giống cây được cơ quan thẩm quyền cấp phép cũng như được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, cơ sở phải có vườn ươm, vườn chồi, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tư vấn…

Thiết nghĩ, để chấn chỉnh tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra đột xuất, phát hiện, xử lý nghiêm khắc những cơ sở ươm, bán cây giống trái phép. Mặt khác, phía nông dân và các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng khi mua giống cây trồng dài ngày, tránh ”tiền mất tật mang”.

Có thể bạn quan tâm

Cơ Giới Hóa Trong Sản Xuất Mía Giúp Tăng Hiệu Quả Sản Xuất Cơ Giới Hóa Trong Sản Xuất Mía Giúp Tăng Hiệu Quả Sản Xuất

Sau khi thí điểm sử dụng 2 máy nâng xếp mía, năm 2013, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã đưa vào vận hành máy làm đất mía. Cùng với vụ thu hoạch mía 2013 - 2014, Dự án Cơ giới hóa trong sản xuất mía ở huyện đã cho thấy hiệu quả bước đầu.

02/02/2014
Hoà Mỹ Phát Triển Mô Hình Tôm Lúa Hoà Mỹ Phát Triển Mô Hình Tôm Lúa

Từ sau chuyển dịch cơ cấu sản xuất năm 2001, nông dân xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau) thực hiện mô hình lúa - tôm kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Qua thời gian “con tôm ôm cây lúa” đã chứng minh hướng đi đúng đắn trên bước đường chuyển dịch sản xuất.

02/02/2014
Yên Thế Xây Dựng Thương Hiệu “Chè Sạch” Yên Thế Xây Dựng Thương Hiệu “Chè Sạch”

Chè là một trong 6 cây trồng chủ lực nằm trong định hướng phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện Yên Thế (Bắc Giang). Những năm gần đây, huyện đã từng bước mở rộng diện tích, chú trọng xây dựng thương hiệu “chè sạch”.

02/02/2014
Thời Tiết Thuận Lợi Cho Gieo Cấy Lúa Xuân Thời Tiết Thuận Lợi Cho Gieo Cấy Lúa Xuân

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Tính đến ngày 15/1, cả nước đã gieo cấy được 1.927.600 ha lúa Đông Xuân, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước.

02/02/2014
Tạo Giống Bưởi Không Hạt Đạt Chuẩn Quốc Tế Bằng Chiếu Xạ Năng Lượng Hạt Nhân Tạo Giống Bưởi Không Hạt Đạt Chuẩn Quốc Tế Bằng Chiếu Xạ Năng Lượng Hạt Nhân

Sau 6 năm nghiên cứu, đưa 1 ngàn cành bưởi đường lá cam lên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để chiếu xạ và ghép cành vào 1 ngàn cây bưởi Tân Triều, các nhà khoa học đã tạo ra 3 giống bưởi không hạt. Đó là những kết quả ban đầu trong việc ứng dụng công nghệ chiếu xạ năng lượng hạt nhân để tạo ra giống bưởi đạt chuẩn quốc tế.

28/11/2013