Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nông dân xuất sắc gửi tâm thư bức xúc nạn thức ăn chăn nuôi giả

Nông dân xuất sắc gửi tâm thư bức xúc nạn thức ăn chăn nuôi giả
Tác giả: Việt Tùng
Ngày đăng: 17/12/2015

Bức thư viết tay dài 6 trang giấy của ông cũng chính là tâm tư của hàng triệu hộ nông dân cả nước hiện nay.

Khó vay vốn

Mở đầu lá thư gửi Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường, ông Thiểm giãi bày: “Tôi là một ND chân đất, chỉ biết nuôi con lợn, con cá.

Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước cùng các ngành đã quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ để người dân vươn lên làm giàu, làm chủ cuộc sống, đưa khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đồng thời, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về “Mẫu hình người nông dân mới” với 5 tiêu chuẩn: Nhận thức mới; tư duy mới; ý thức mới; quyết tâm mới và có thu nhập cao”.

Ông Đinh Văn Thiểm và bức thư ông Thiểm gửi cho Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường.

Trong lá thư của mình, ông Thiểm kể về quá trình xây dựng và lập trang trại đầy gian nan của mình.

Năm 1993, ông được UBND xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) cho thuê 3,2ha đất công giáp đê sông Đáy.

Trải qua 22 năm, đến nay ông đã cải tạo và dựng thành một trang trại lợn nái ngoại khép kín với công nghệ hiện đại, có hệ thống chuồng trại, nhà lạnh đảm bảo và 3 ao nuôi cá giống.

“Tính đến nay, tôi đã đầu tư tổng cộng 18 tỷ đồng vào trang trại và là mô hình hiệu quả, hàng năm lãi hàng tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 – 7 lao động địa phương.

Tuy nhiên, nhà tôi ở giữa làng, nên khi vay vốn, ngân hàng chỉ cho vay 200 triệu đồng”- ông Thiểm viết.

Dù là chủ trang trại có tài sản tới cả gần 20 tỷ đồng, nhưng ông Thiểm cũng phải cay đắng nói: Rất khó cho những ND ít vốn, nên cám thường phải mua qua đại lý với giá cao, lãi cao.

Nếu có sẵn tiền chúng tôi có thể lên thẳng công ty mua, như vậy giá sẽ rẻ hơn rất nhiều.

Tôi đã nhiều lần tìm gặp các ngân hàng để xin thế chấp trang trại vay vốn, nhưng họ yêu cầu phải có sổ đỏ, tôi thuê đất công của xã, thì lấy đâu sổ đỏ.

Thực sự nhìn thấy khả năng có thể kiếm lãi từ nuôi lợn mà lực bất tòng tâm.

Ví dụ, tôi đầu tư thêm một trang trại nuôi 1.000 con lợn thịt, cứ 3,5 tháng, trừ chi phí lãi 1,2 triệu đồng/con, một năm nuôi 3 lứa số lãi mang về khá lớn, nhưng không làm gì được vì thiếu vốn.

Ông Thiểm cũng viết: Vì thiếu vốn, nên từ năm 2013 đến nay, tôi có ký hợp đồng cung cấp cám với anh Phan Văn Tứ, ở xã Nghĩa Trung.

Chỉ trong vòng 3 năm, tôi đã tiêu thụ gần 5 tỷ đồng tiền cám.

Chúng tôi đã ký hợp đồng lấy cám đợt sau trả đợt trước, số tiền còn lại tính lãi 1%, hai bên nghiêm túc thực hiện và không vi phạm.

Nhưng đến tháng 2.2015, gia đình tôi phát hiện cám anh Tứ (cám của Hãng Cargill) cung cấp không đủ tiêu chuẩn, khiến gia đình tôi bị thiệt hại rất lớn.

Lợn mẹ đẻ ít, cạn sữa, hay bị chướng hơi chết, lợn con thì lông xù, mông nhọn khách hàng chê.

Tôi đề nghị anh Tứ cho thay cám, nhưng anh Tứ nhất quyết không cho thay, mà vẫn bắt gia đình tôi dùng cám Cargill kém chất lượng do anh ấy bán.

“Sau nhiều lần thương lượng, cuối cùng anh Tứ cũng đồng ý cho tôi thử cám mới 20 ngày, nếu đúng cám kém chất lượng thì tôi xin đổi cám, còn do lợn tôi vẫn dùng cám Cargill của anh Tứ.

Thế nhưng, vừa cho ăn được vài hôm, thì anh Tứ đến bắt tôi trong 2 ngày phải trả hết số tiền tôi còn nợ anh là 460 triệu đồng.

Tôi bảo 5 ngày nữa tôi sẽ trả 200 triệu đồng, còn 260 triệu đồng khi nào bán lợn tôi sẽ trả, nhưng chỉ 2 ngày sau (ngày 5.9.2015), anh Tứ đã cùng 18 người lạ đến trang trại uy hiếp bắt tôi trả tiền.

Lời qua tiếng lại, anh Tứ đã xông vào đánh tôi, đẩy tôi đập đầu xuống nền bê tông khiến tôi bị sưng đầu, mặt mày thâm tím, phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Nam Định”- ông Thiểm viết tiếp.

Không chỉ vậy, 2 hôm sau anh Tứ còn cho khoảng 10 người ngồi trên xe tải chắn ngang đường không cho gia đình tôi chở cám về, đồng thời tuyên bố nếu xe nào chở cám vào chúng sẽ xử lý và san phẳng trang trại của tôi.

Hậu quả là 3 con lợn sề và 8 lợn con bị chết vì đói.

Không ai bảo vệ nông dân

"   Tôi mạnh dạn gửi thư lên lãnh đạo cấp cao giúp cho tâm tư, nguyện vọng của tôi như đã trình bày ở trên, xem có kênh tín dụng nào cho tôi được thế chấp trang trại, tín chấp danh dự, để có tiền đầu tư cho trang trại và sản xuất.

Chỉ vì thiếu vốn mà tôi bị đánh thập tử nhất sinh như vậy…”. Ông Đinh Văn Thiểm

Trong thư, ông Thiểm kể tiếp: Ngày 23.10, đầu tôi đau như búa bổ, ngất liên tục, gia đình tôi đưa lên Bệnh viện Việt – Mỹ (Nam Định), bác sĩ chẩn đoán tôi bị tụ máu não, nên được giới thiệu lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mổ để lấy máu tụ ra.

Hiện gia đình tôi chỉ còn nợ anh Tứ 260 triệu đồng và tôi vẫn đang điều trị.

Song nằm đây tôi vô cùng lo lắng, ai sẽ lo chăm sóc đàn lợn, ao cá.

Tôi yêu con lợn, như Anh hùng Hồ Giáo yêu con trâu, bò vậy.

Không lâu sau khi được đọc bức thư mà ông Đinh Văn Thiểm gửi Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường, PV NTNN đã tìm về nhà ông Thiểm.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Thiểm phân trần: “Những gì cần nói, tôi đã viết trong thư hết cả rồi.

Đúng là người chăn nuôi bây giờ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Khó khăn về vốn, đầu ra và phải đối mặt với cám giả, cám kém chất lượng, song lại chẳng biết kêu ai, không có ai đứng ra bảo vệ.

Như tôi đã viết trong thư, đất thuê làm gì có sổ đỏ để thế chấp ngân hàng.

Vậy nếu không vay được vốn người dân biết lấy đâu tiền để đầu tư?”.

Đưa tay xoa lên vết thương trên đầu, ông Thiểm nói tiếp: “Tôi nghĩ, Nhà nước cần có một cơ chế mở để tạo điều kiện cho người dân vay vốn.

Chẳng hạn, chính quyền xã, huyện đứng ra tín chấp hoặc cấp sổ đỏ cho các chủ trang trại trong một thời gian nhất định, để chúng tôi có đủ căn cứ pháp lý vay vốn với ngân hàng.

Nếu Nhà nước vẫn cứ để ND tự “mò”, tự đứng dậy mà đi, thì có là ND xuất sắc như tôi cũng có lúc “đứt gánh giữa đường” (!?). 

Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường:  Yêu cầu làm rõ sự việc

Ngay sau khi nhận được bức thư của ông Thiểm, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường đã giao Văn phòng T.Ư Hội NDVN chủ trì cùng Ban Kiểm tra, Quỹ Hỗ trợ ND phối hợp nghiên cứu bức thư của ông Thiểm để báo cáo và gửi Chủ tịch.

Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường cũng yêu cầu các đơn vị có văn bản chia sẻ, hướng dẫn những nội dung mà ông Thiểm đề nghị.

P.V

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Đọc thư, thấy trách nhiệm trong đó

Tháng 7.2013, ND Huỳnh Văn Sơn tại ấp 1, xã Tân Đông, Thạnh Hóa (Long An) đã gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ NNPTNT.

Trong lá thư của mình, ông Sơn cho rằng sản xuất của người ND đang gặp rất nhiều khó khăn do khó tiêu thụ sản phẩm, tình trạng giống giả, đặc biệt là vật tư, phân bón giả đã làm ảnh hưởng đến sản xuất của nhà nông.

Sau đó, Bộ trưởng  Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chia sẻ về lá thư này rằng: “Tôi rất cảm động khi đọc những bức thư rất tâm huyết của nhiều bà con ND gửi đến cho tôi.

Tôi thấy những vấn đề được nêu trong bức thư đó thể hiện tâm tư nguyện vọng không chỉ của những người viết mà của hàng triệu bà con ND trên mọi miền của cả nước”. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, khi đọc bức thư đó chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình phải nhanh chóng, quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả hơn chủ trương của Đảng, Chính phủ về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp để cho có hiệu quả cao hơn, nâng cao hơn thu nhập và cải thiện đời sống của bà con ND.                        

A.T

Công an kiểm tra việc ông Đinh Văn Thiểm bị đánh

Về việc ông Thiểm tố bị ông Tứ đánh, PV NTNN đã trao đổi với thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng- Phó Trưởng Công an huyện Nghĩa Hưng.

Ông Thắng cho biết, sau khi sự việc xảy ra, phía công an huyện đã cho người xuống nắm tình hình.

Song ban đầu, ông Thiểm lo ngại điều gì đó nên không chia sẻ, đến khi ông Thiểm đi khám biết bị tụ máu não mới viết đơn gửi Công an huyện.

Tuy nhiên, do thời điểm ông Thiểm tố bị đánh (6.9), nhưng đến 23.9, ông mới làm đơn nên chúng tôi rất khó xác minh.

Hiện chúng tôi đang cho kiểm tra lại xem trong khoảng thời gian trên ông Thiểm có bị ngã ở đâu hay không rồi mới kết luận được.

Còn về việc, ông Thiểm cho rằng, bị người của hãng cám chặn xe chở cám mà ông lấy ở chỗ khác về, ông Đỗ Văn Phin- Trưởng Công an xã Nghĩa Thái cho biết, cũng nắm được sự việc nhưng do hôm đó có quá đông người nên lực lượng công an xã không can thiệp được.

PV NTNN cũng gọi điện cho anh Phan Văn Tứ để trao đổi về sự việc.

Tuy nhiên, anh Tứ từ chối gặp và không trả lời gì thêm.


Có thể bạn quan tâm

Thức Ăn Chăn Nuôi Thách Thức Cho Người Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Thách Thức Cho Người Sản Xuất

Vẫn không ngừng tay múc từng bát cám đổ vào máng cho đàn lợn chị Thanh ở xã Văn Lương, huyện Tam Nông (Phú Thọ) vừa giãi bày: Giá cám bây giờ đắt quá, lãi thấp lắm, không có việc nên chúng em cứ phải nuôi, chứ trừ tiền giống, nhất là tiền mua thức ăn chẳng được bao nhiêu.

23/02/2014
Bắp Biến Đổi Gen Đủ Điều Kiện Làm Thực Phẩm Và Thức Ăn Chăn Nuôi Tại Việt Nam Bắp Biến Đổi Gen Đủ Điều Kiện Làm Thực Phẩm Và Thức Ăn Chăn Nuôi Tại Việt Nam

Sau quá trình dài gần 5 năm tiến hành khảo nghiệm các giống bắp biến đổi gen trong môi trường thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu tại Việt Nam, thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT là bộ này vừa chính thức phê duyệt công nhận 4 giống bắp biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

18/08/2014
Sử dụng carbohydrases trong thức ăn chăn nuôi lợn và gia cầm để giảm chi phí thức ăn Sử dụng carbohydrases trong thức ăn chăn nuôi lợn và gia cầm để giảm chi phí thức ăn

Không phải tất cả các loại ngũ cốc đều giống nhau, do đó, chúng phản ứng khác nhau để bổ sung enzyme. Việc sử dụng các carbohydrases trong thức ăn chăn nuôi có lợi ích tài chính rõ ràng, đặc biệt là khi giá ngũ cốc cao.

09/11/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.