Nông Dân Xã Suối Cát Âu Lo Vụ Chuối Tết

Đã hạn hán, lại thêm nấm gây bệnh, nhiều nông dân ở xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đang lo vụ chuối Tết thất thu…
Anh Lê Thành Huy - cán bộ khuyến nông xã cho biết, chuối mốc là một trong những loại cây trồng chủ lực của xã. Ngoài chất lượng thơm, ngọt, dẻo, chuối mốc Suối Cát khi chín có màu vàng sáng với lớp phấn trắng mốc bên ngoài, các nhánh đều nhau, trái to đều, chưng bàn thờ ngày Tết rất đẹp nên được người dân ưa chuộng.
Vào vụ Tết, chuối mốc Suối Cát được chuyển đi bán tại nhiều địa phương như: Quảng Bình, Đà Nẵng... Vụ năm nay, cả xã chỉ có 1.000 - 1.200 cây chuối cho buồng, giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cây chuối đã ra buồng vẫn bị chặt bỏ vì nhiễm nấm Panama.
Năm 2014, do nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích chuối của xã trồng trên đồi cao nên việc dẫn nước tưới gặp khó khăn. Những diện tích trồng mới từ tháng 7 - 8, do thiếu nước nên cây chuối bị cằn cỗi, chậm lớn, nhiều cây phải sau Tết mới cho buồng.
Những cây chuối đã trổ được buồng sau khi có mưa thì buồng cũng ít nhánh, trung bình chỉ khoảng 3 - 4 nhánh, trái cũng kém mập. Chính vì thế, giá chuối bán ra không cao. Nếu năm ngoái, anh Hồ Long Sơn (thôn Suối Lau 2) bán chuối giá từ 140.000 đồng đến hơn 400.000 đồng/cặp (2 buồng) thì năm nay, dự kiến giá chỉ bán chỉ còn một nửa.
Chặt bỏ những cây chuối mốc bị nhiễm nấm Panama (nông dân thường gọi là sâu lửa), ông Nguyễn Văn Minh (thôn Suối Lau 2) buồn rầu cho biết, vụ này, nhà ông trồng 5ha chuối, tăng hơn vụ trước 3ha, nhưng khoảng một nửa diện tích đã bị nhiễm nấm. “Bệnh sâu lửa ác ở chỗ cây chuối tơ vẫn xanh mơn mởn, tới khi trổ buồng mới thấy vàng lá, héo rũ dần”, ông Minh than thở.
Năm ngoái, một nửa diện tích chuối nhà ông cũng bị nhiễm nấm Panama. Năm nay, ông làm theo khuyến cáo, trồng chuối trên vùng đất khác và chủ động tưới nước 7 tháng liền, vậy mà cây chuối vẫn bị bệnh. Khoảng 11% trong diện tích gần 1ha chuối của con rể ông trồng gần đó cũng bị nhiễm nấm. Rẫy chuối 1,3ha trồng tại thôn Suối Lau 2 của ông Lê Văn Ưng (thôn Tân Xương 1) phần lớn chưa trổ buồng, nhưng bước đầu đã xác định có khoảng 11% cây nhiễm nấm.
Bên thôn Suối Lau 1, tình hình không khá hơn. Theo ông Mang Văn Thống - trưởng thôn, hiện nay, cả thôn có khoảng 30% diện tích chuối mốc bị nhiễm nấm Panama. Ngoài ra, do hạn hán nên cây chuối phát triển chậm hơn, trổ buồng trễ, nhiều khả năng thu hoạch trật mùa. Do vậy, vụ Tết này coi như người dân thất thu. Ở 2 thôn Khánh Thành Bắc, Khánh Thành Nam, tỷ lệ chuối nhiễm nấm ước 11% và có thể còn tăng do nhiều cây chưa trổ hoặc vừa trổ buồng nhưng chưa thấy rõ dấu hiệu nhiễm nấm bệnh.
Vẫn nuôi hy vọng
Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Cam Lâm cho biết, qua khảo sát tại 3 thôn: Suối Lau 2, Khánh Thành Bắc, Khánh Thành Nam, đã xác định tỷ lệ nhiễm nấm Panama trên cây chuối mốc ở đây từ 10 đến 40%. Những vườn chuối nhiễm nấm buộc phải chuyển sang trồng cây khác ít nhất 1 năm (an toàn nhất phải 5 năm). Hiện nay, Trạm đã gửi thông báo tới các nông dân để khuyến cáo không dùng chuối con ở các vườn bị bệnh làm giống. Khi phát hiện cây bị bệnh, cần đào gốc đem tiêu hủy, rải vôi bột vào hốc để khử trùng đất.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nông dân vẫn hy vọng cây chuối bị bệnh vẫn còn sức nuôi buồng để thu hoạch vào gần Tết nên chưa chặt bỏ. Ông Nguyễn Văn Minh cho biết, chặt cây chuối lúc này, buồng chưa đủ lớn để bán. Nếu Tết năm ngoái, ông bán được 300.000 đồng/cặp thì lúc này may ra bán được 80.000 đồng/cặp.
Ông Đặng Quang Vinh - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, vụ năm nay, toàn xã có khoảng 750ha chuối, trong đó có 50ha trồng mới. Đến thời điểm này, diện tích chuối bị nhiễm nấm Panama khoảng 200ha; tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng, bởi những cây chưa trổ buồng chưa thấy biểu hiện nhiễm nấm…
Có thể bạn quan tâm

Lựa chọn rau sạch, rau an toàn cho mỗi bữa ăn khiến các bà nội trợ luôn lo lắng. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để rau không rõ nguồn gốc, nhiều người bắt đầu tìm đến giải pháp tự trồng rau xanh tại nhà.

Ngay từ đầu năm, song song với việc thực hiện phát triển KT – XH, QP – AN, huyện Vị Xuyên đã tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, đề án, phương án trọng tâm trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt, đảm bảo tiến độ của các chương trình, đề án, phương án và mang lại những kết quả đáng mừng.

Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cho lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nhà nông ngày càng được các địa phương, trong đó có Hậu Giang quan tâm xúc tiến thực hiện mạnh mẽ hơn.

Mùa hè năm nay, nắng nóng liên tục trên diện rộng, nhiệt độ trung bình từ 37-40 độ C khiến nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng 5-7% so với năm trước. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, các Cty, đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh đã chủ động duy trì việc cấp nước ổn định, đủ lượng nước và bảo đảm chất lượng nước theo quy định; dự phòng giải pháp ứng phó với các sự cố bất thường có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, cung cấp nước sạch cho khách hàng sử dụng nước.

Xác định rõ dự trữ hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu của nhân dân trên địa bàn trong mùa mưa bão năm 2015, Sở Công thương đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện phương án chuẩn bị hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường trong mùa mưa bão đến các đơn vị trực thuộc, UBND các huyện, thành phố và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.