Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án, phương án nông, lâm nghiệp

Đối với chương trình trồng mới rừng năm 2015, huyện Vị Xuyên được giao chỉ tiêu trồng 7.300 ha. Ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình. Đến nay, tổng diện tích rừng trồng mới được 1.104,4/7.300 ha, đạt 15,1% kế hoạch.
Mật độ trung bình từ 1.600 - 2.000 cây/ha, tổng số cây đã trồng là 1.748.970 cây; trong đó, Nhà nước cung ứng 885.000 cây, tương đương với 442,5 ha. Tỷ lệ cây sống đạt 94%, số cây chết chủ yếu do một số xã và người dân bảo quản chưa đúng phương pháp và diện tích sau trồng tại một số xã, thị trấn gặp phải thời tiết khô hạn.
Nhân dân tự cung ứng 937.760 cây, tương ứng 581,3 ha. Các loại cây trồng gồm một số giống như Xoan ta, Sa mộc, Bồ đề, Quế là những giống bản địa phù hợp với điều kiện đặc thù riêng tại các xã, thị trấn. Chương trình phát triển, trồng mới cây cam sành năm 2015, nhân dân đã đăng ký trồng 262 ha tại 12 xã, thị trấn.
Diện tích đất đã thẩm định đào hố, bón lót được 124,2 ha/262 ha. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp tục thẩm định đất và hướng dẫn nhân dân chuẩn bị đủ các điều kiện thực hiện đảm bảo thời vụ. Đối với 68,4 ha diện tích cam trồng mới 2013, (Nhà nước hỗ trợ trồng mới 29,8 ha, nhân dân tự trồng 38,6 ha).
Hiện cây cam sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao trung bình đạt 1 - 1,2 m, tỷ lệ sống đạt 94,6%. Diện tích thực hiện năm 2014 là 108,9ha, cây cây sinh trưởng, phát triển bình thường, chiều cao cây 0,7 - 0,8m, tỷ lệ cây sống đạt 98,2%.
Thực hiện Đề án trồng mới cây chanh leo năm 2015, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tiến hành mở 3 lớp/3 xã tập huấn quy trình kỹ thuật cắt tỉa, bón thúc, chăm sóc cho diện tích cây Chanh leo đã trồng năm 2014. Đến nay, tổng diện tích đã cắt tỉa được 50/50 ha, cây đã ra cành mới, đối với những diện tích cắt tỉa sớm cây đã ra hoa, kết quả. Tổ chức cho người dân đăng ký trồng mới 56 ha tại các xã: Đạo Đức, Ngọc Linh, Bạch Ngọc, Việt Lâm, Kim Thạch, Tùng Bá, Trung Thành và xã Ngọc Minh.
Hiện đã tiến hành thẩm định, làm đất, đào hố, bón lót 35,5 ha. Phương án phát triển chăn nuôi bò nhốt thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 – 2016 được thực hiện tại xóm Khuổi Pụt, thôn Bản Ngàn, xã Kim Linh, với quy mô 15 hộ, mỗi hộ được hỗ trợ cho vay để mua 2 con bò sinh sản từ nguồn vay của Nhà nước và Ngân hàng CSXH huyện.
Đến nay, đàn bò hiện có tại xóm Khuổi Pụt là 43 con, trong đó 36 con thuộc phương án và 7 con người dân mới mua thêm; nhân dân đã trồng 9 ha cỏ và làm chuồng trại được 15/15 chuồng. Số vốn thực hiện là 515,25 triệu đồng. Tại Mốc 238, xã Lao Chải, thực hiện tại 12 hộ nghèo, cận nghèo. Tổng kinh phí thực hiện 398 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 278 triệu đồng, nhân dân tự đóng góp 120 triệu đồng, đã mua 4 con bò/4 hộ, làm 12 chuồng/12 hộ; diện tích cỏ đã trồng được 6 ha; 8 hộ đang tìm mua bò về chăn nuôi.
Ngoài ra, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các Phương án năm 2014 như: Phương án sản xuất rau an toàn hướng tới tiêu chuẩn VietGAP, tại thôn Đông Cáp I, thị trấn Vị Xuyên; Phương án hỗ trợ sản xuất lạc giống xã Trung Thành; Phương án trồng mới cây Na dai xã Thanh Thủy; Phương án Chè VietGAP tại thị trấn Việt Lâm và Chương trình cho vay có thu hồi tái đầu tư; Phương án quy tụ dân cư. Triển khai thực hiện Chương trình trồng 650 ha cỏ năm 2015; Chương trình trồng mới cây chè; Chương trình trồng chuối tiêu hồng tại xã Thanh Thủy; Phương án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo chưa có trâu bò để phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản theo Quyết định số 352/QĐ-UBND và thực hiện Nghị quyết 47/NQ-HĐND tỉnh.
Tập trung thực hiện các mô hình như: Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ (Nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện) thực hiện tại thôn Việt Thành, xã Việt Lâm; mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô tại thôn Noong I, xã Phú Linh và thôn Tiến Thành, xã Ngọc Minh; mô hình lúa lai CT16 tại thôn Tát Hạ, thôn Nà Lầu, xã Linh Hồ; mô hình khảo nghiệm giống lúa Thiên ưu 8; mô hình khảo nghiệm giống ngô LVN885, LVN092 tại xã Ngọc Linh; khảo nghiệm giống ngô CP311, CP501, CP511, thực hiện tại thôn Pậu, xã Ngọc Minh và thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa; mô hình gieo mạ tập trung gắn với phát triển quỹ thôn tại thôn Chang xã Việt Lâm...
Với việc triển khai đảm bảo tiến độ các chương trình, đề án, phương án, các mô hình khảo nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp sẽ góp phần vào sự phát triển chung của huyện đang trên đà lớn mạnh, bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2015, sản lượng hồ tiêu ước đạt khoảng 126.000 tấn, giá trị xuất khẩu (XK) khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện tại, tiêu chưa xay của Việt Nam chiếm đến 83% các mặt hàng hồ tiêu, cho nên giá trị đem lại chưa cao.

Song hành với vai trò là “Vùng động lực” trong phát triển KT-XH của tỉnh, Bắc Quang là huyện ít nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhưng chính điều đó đã trở thành cơ hội để huyện Bắc Quang bứt phá, tạo dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (SXNN) bằng chính nội lực của mình.

Vụ hè thu 2015, huyện Hương Sơn đặt kế hoạch gieo cấy 2.400 ha, nhưng do hạn hán, đỉnh điểm, kéo dài nên rút xuống còn 1.588 ha. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác chống hạn, Hương Sơn thực hiện vượt kế hoạch điều chỉnh, gieo cấy đạt trên 1.800 ha, đồng thời, gieo trỉa được 1.900 ha đậu, 500 ha ngô. Những kết quả đó đã phản ánh sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.

Rớt thầu Philippines, gạo thơm đang xuất hiện thêm đối thủ khó chịu là Myanmar đang đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh gay gắt trên thương trường. Không chỉ là chọn gạo thơm hay chăm bẳm vào gạo phẩm cấp thấp, chuyện xác lập những phân khúc xuất khẩu gạo của Việt Nam cần đặt trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải làm lại từ khâu giống đến việc tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Sản xuất rau là nghề truyền thống và thế mạnh của xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Qua sản xuất, nông dân đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong luân canh, xen canh rau màu và việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (RAT) là định hướng phát triển lâu dài của nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, mô hình trồng RAT tại Tứ Xã được triển khai từ năm 2006, đến nay vẫn chưa thực sự có một hướng đi bền vững.