Đảm bảo cấp nước an toàn trong mùa hè 2015
Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định hiện có 4 nhà máy cung cấp nước sạch cho hơn 105.600 hộ dân tại Thành phố Nam Định, Thị trấn Gôi, Thị trấn Lâm, Thị trấn Cổ Lễ và các khu dân cư xung quanh với sản lượng nước đạt 20,8 triệu m3/năm. Trong quý I-2015, sản lượng nước thương phẩm của Cty đạt 2,97 triệu m3, phát triển thêm được 1.670 khách hàng mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Bước vào đầu mùa hè 2015, Cty đã chủ động thành lập Ban cấp nước an toàn, xây dựng kế hoạch cấp nước, yêu cầu các phòng, ban phối hợp với các đơn vị: Xí nghiệp sản xuất nước, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch chống thất thoát nước, tổ chức kiểm tra, theo dõi sát sao thực trạng cấp nước, các thông tin phản hồi của khách hàng để có kế hoạch cấp nước phù hợp, kịp thời điều chỉnh phương án cấp nước đảm bảo đủ về lưu lượng và áp lực. Tại Thành phố Nam Định, Cty dự báo nhu cầu nước sạch, xác định nguy cơ thiếu nước tại các vùng có quy hoạch xây dựng khi thành phố mở rộng và phát triển đô thị, chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng chống nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Đào khi 2 trạm bơm nước thải Kênh Gia và Quán Chuột hoạt động.
Năm 2014, Cty đã tiến hành cải tạo bổ sung tuyến ống nước thô DN 800; san tải và bổ sung 2 tuyến ống DN 300 và DN 200 cấp nước cho KCN Hòa Xá, CCN An Xá và khu đô thị Bãi Viên. Triển khai dự án quản trị mạng lưới cấp nước Nam Định: sử dụng hệ thống SCADA để quản lý chống thất thoát nước tại các khu vực, phân vùng tách mạng tối ưu hóa hệ thống mạng lưới cấp nước thành phố, xây dựng hoàn thiện bản đồ mạng lưới cấp nước thành phố. Tập trung thay thế 15 nghìn đồng hồ đến niên hạn kiểm định. Tiếp tục cải tạo nâng công suất (giai đoạn 2) dây chuyền khu xử lý Hợp khối từ 25-35 nghìn m3/ngày đêm, lên 85 nghìn m3/ngày đêm theo yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cải tạo nâng cấp công suất máy móc, thiết bị trạm bơm 1, trạm bơm 2 và hệ thống của nhà máy nước tại thành phố lên đến 105 nghìn m3/ngày đêm. Tại khu vực Vụ Bản, do nguồn nước từ sông Sắt có nguy cơ bị ô nhiễm hữu cơ, Cty đã chủ động đầu tư, bổ sung hệ thống bể lọc xử lý hữu cơ, thay thế máy móc thiết bị trạm bơm 1, trạm bơm 2, nâng công suất từ 3.600-7.000 m3/ngày đêm, đáp ứng mở rộng phát triển khách hàng sang các xã lân cận. Tại khu vực Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), Cty tiếp quản, vận hành nhà máy nước Trực Nội, nhà máy nước Cát Thành; phối hợp cùng huyện Trực Ninh xây dựng dự án nối mạng phát triển khách hàng sang khu vực Trung Lao; xây dựng phương án thay thế một số nhà máy của huyện sử dụng nguồn nước sông tưới tiêu hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại khu vực Ý Yên, Cty cải tạo, nâng cấp công suất hệ thống nhà máy từ 2.000-6.000 m3/ngày đêm, đồng thời di chuyển một số tuyến ống theo yêu cầu mở rộng giao thông của tỉnh, kết hợp đầu tư mở rộng, nối mạng phát triển khách hàng cấp nước phục vụ nhân dân. Thời gian tới, Cty sẽ thường xuyên kiểm tra theo dõi những biến động của các nguồn nước, hệ thống công trình xử lý và mạng lưới đường ống để có giải pháp khắc phục kịp thời khi sự cố xảy ra. Ngoài ra, Cty chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn kỹ thuật và thi công xây dựng phương án dịch chuyển, bảo vệ đường ống. Phối hợp với Cty Điện lực Nam Định đảm bảo cấp điện ổn định để vận hành các nhà máy nước trong mùa hè.
Theo đồng chí Vương Duy Nam, Giám đốc Cty CP Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nam Định cho biết: “Hằng năm, trước hè, Cty đều chủ động chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, nhân viên Cty nghiên cứu và triển khai sớm kế hoạch cấp nước an toàn tại các nhà máy nước do Cty quản lý”. Hiện tại, Cty đang quản lý 15 công trình cấp nước tập trung, cung cấp nước sạch cho 57 xã, thị trấn với tổng công suất là 47.910 m3/ngày đêm, cấp nước sạch cho 442 nghìn người.
Các công trình của Cty đều mới được xây dựng nên đảm bảo đủ khả năng cấp nước an toàn về thời gian, lưu lượng, áp lực nước tới mọi khu dân cư. Để bảo đảm các nhà máy nước hoạt động an toàn, Cty thường xuyên duy trì kiểm tra, đánh giá định kỳ chất lượng nước, đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định, đồng thời phân công cán bộ thường trực 24/24h, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân về sự cố đường nước để xử lý, khắc phục kịp thời.
Nhằm đảm bảo mục tiêu cấp nước an toàn trong mùa hè này, tháng 1-2015, Cty đã tiến hành thử nghiệm lắp đặt hệ thống giám sát SCADA tại 3 nhà máy nước Giao Thủy, Nghĩa An, Liên Bảo. Mọi số liệu về lưu lượng, áp lực nước tại điểm đầu và điểm cuối ở mỗi địa bàn đều được cập nhật liên tục 3 phút/lần trên phần mềm, tạo điều kiện quản lý hệ thống từ trên Cty đến tận địa phương. Thời gian tới, Cty sẽ tiến hành đánh giá trên thực tế hệ thống giám sát SCADA, từng bước tiến tới áp dụng giám sát các chỉ tiêu về độ pH, độ đục của nước trong từ nhà máy đến tận các hộ dân.
Bên cạnh đó, Cty thực hiện chế độ thông báo giờ ngừng cấp nước ngay khi có lịch cắt điện bằng đường công văn và qua hệ thống truyền thanh; phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo ngành Điện đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, ổn định để vận hành nhà máy. Bên cạnh đó, Cty còn phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn, các thôn xây dựng kế hoạch quản lý, vận hành cấp nước hài hòa.
Thời gian tới, các Cty, đơn vị cấp nước tiếp tục triển khai sâu rộng kế hoạch cấp nước an toàn đến từng thành viên, công nhân, viên chức, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thoát, lãng phí nước, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp và đấu nối mạng lưới cấp nước mới trên địa bàn nông thôn. Đảm bảo chất lượng nước, áp lực nước từ nguồn đến tận hộ gia đình kết hợp với tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước, góp phần bảo vệ tài nguyên nước và thiết bị đường ống.
Có thể bạn quan tâm
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phát triển góp phần tăng diện tích trồng lúa hàng năm của An Giang trên 600.000 héc-ta, đạt sản lượng gần 4 triệu tấn.
Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày, thế nhưng tình trạng ô nhiễm vi sinh vật, hoá chất độc hại, kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau, đặc biệt là rau ăn lá, đã ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường. Sản xuất và cung ứng rau an toàn đang là câu chuyện được các cấp, các ngành và cộng đồng quan tâm. Thế nhưng sản xuất rau an toàn vẫn gặp khó...
Thời gian gần đây, vùng biển ven bờ thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có hàng chục chiếc tàu cá làm nghề giã cào thường xuyên hoạt động đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, các tàu cá này chủ yếu đánh bắt bằng xung điện làm môi trường biển bị hủy hoại, nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt khiến ngư dân trong vùng bức xúc.
Để đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An (Phú Yên) đã chủ trì thực hiện dự án Nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm bằng ao xi măng ngoài trời do kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, cán bộ quản lý môi trường và nguồn lợi thủy sản xã An Ninh Tây (Tuy An) làm chủ nhiệm.
Đến nay, những hộ làm nghề nuôi cá bổi ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã thu hoạch được hơn 30 ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha.