Nông Dân Xã Nghĩa Phong Phát Triển Cây Trồng Vụ Đông

Xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) có trên 545ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích cây trồng vụ đông có trên 106ha. Trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã vận động hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây vụ đông, tập trung vào các loại cây rau màu có giá trị thu nhập cao như bí xanh, bí đỏ, cà chua, rau màu các loại…, riêng giá trị sản xuất cây vụ đông đạt 150-200 triệu đồng/ha/năm.
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Luyện, đội 11, xóm 9, xã Nghĩa Phong khi anh đang tranh thủ lấy nước vào cho giàn bí xanh. Vụ đông năm nay, gia đình anh trồng 8,5 sào rau, củ, quả các loại gồm: bí xanh, ngô, su hào, cà chua. Anh Luyện cho biết, gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuyên màu ở Nghĩa Phong.
Để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, anh đào ao nhỏ để chứa nước tưới, trên mặt ao làm giàn cho bí xanh leo; diện tích còn lại trồng ngô và các loại rau màu theo phương thức “mùa nào rau nấy”. Sau mỗi vụ thu hoạch, tổng diện tích cây trồng vụ đông của gia đình anh cho thu nhập 47-48 triệu đồng.
Mỗi năm, anh trồng 3 vụ liên tiếp, tổng thu nhập đạt gần 150 triệu đồng, gấp nhiều lần so với cấy 2 vụ lúa. Bà Trần Thị Mến, ở đội 12, xóm 9 lại chuyên trồng bí xanh. Ngoài 2 vụ lúa trong năm, vụ đông nào bà cũng trồng 2-3 sào bí xanh. Năm nay bí xanh được mùa, bà đã thu được 7 tạ/sào, ước cả vụ thu được trên 35 triệu đồng.
Phong trào trồng cây vụ đông ở Nghĩa Phong phát triển từ năm 2003 nhưng chỉ phát triển mạnh khi Đảng ủy xã có nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, nông thôn theo định hướng sản xuất hàng hóa và giao cho HTXDVNN Nghĩa Phong triển khai.
Hằng năm, HTX tổ chức cho các đội sản xuất đăng ký diện tích trồng cây vụ đông và thực hiện các dịch vụ thỏa thuận, dịch vụ thiết yếu đảm bảo yêu cầu sản xuất của xã viên. Từ năm 2009 đến nay, diện tích cây trồng vụ đông ở Nghĩa Phong đã tăng từ 58ha lên đến 106,27ha.
Đồng chí Khương Văn Tạch, Chủ nhiệm HTXDVNN xã Nghĩa Phong cho biết, để hỗ trợ các hộ nông dân phát triển cây trồng vụ đông, mở rộng diện tích trồng màu 3 vụ, HTX đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân hướng dẫn, vận động các hộ nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày và đẩy sớm lịch thời vụ gieo cấy.
Đây là tiền đề để các hộ nông dân tạo quỹ đất phát triển, mở rộng sản xuất cây vụ đông, đảm bảo gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất. Để sản xuất vụ đông thắng lợi, ngay trước khi thu hoạch vụ lúa mùa, thông qua các đội trưởng đội sản xuất, HTX tổ chức triển khai kế hoạch cụ thể để từng hộ dân đăng ký sản xuất cây vụ đông và trực tiếp cung ứng các loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng thời xây dựng quy trình kỹ thuật, tổ chức chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho các hộ nông dân. Với sự hỗ trợ của HTXDVNN xã Nghĩa Phong, nông dân trong xã đã tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng vụ đông theo đúng quy trình. Vì vậy, năng suất, sản lượng cây trồng vụ đông luôn đạt hiệu quả, giá trị thu nhập trên 1 diện tích cây trồng vụ đông đạt khoảng 150-200 triệu đồng/ha/năm.
Để vụ đông 2014 mang lại hiệu quả cao, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với HTXDVNN tuyên truyền để nông dân mở rộng các loại cây trồng còn trong khung thời vụ như khoai tây, cải bắp, su hào, rau ăn lá…; HTX điều tiết nước kịp thời, hiệu quả cho diện tích cây vụ đông. Cán bộ Ban Nông nghiệp xã tăng cường tập huấn, hướng dẫn để nông dân chăm sóc cây vụ đông đã trồng theo đúng quy trình kỹ thuật của từng loại cây trồng.
Theo dõi chặt chẽ sâu bệnh trên cây vụ đông, đặc biệt là nhóm sâu ăn lá, đục quả để có biện pháp xử lý kịp thời nơi có mật độ cao bằng các thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc “4 đúng”; không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trên diện tích sắp thu hoạch để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm khi cung cấp cho người tiêu dùng; thu hoạch kịp thời các loại rau màu đã đến kỳ thu hoạch theo đúng yêu cầu kỹ thuật, chú trọng công tác bảo quản, sơ, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch…
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và cách làm cụ thể, phù hợp, phong trào trồng cây vụ đông ở Nghĩa Phong đã và đang từng bước góp phần nâng cao đời sống cho nông dân.
Nguồn bài viết: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/201412/nong-dan-xa-nghia-phong-phat-trien-cay-trong-vu-dong-2379286/
Có thể bạn quan tâm

Theo giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương - Lào Cai), chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng Seo Di khi anh chuẩn bị lên đồi hái quýt cho phiên chợ cuối tuần. Sau gần 2 giờ đi bộ lên đồi, tôi có dịp nghe anh kể về hành trình thoát nghèo của gia đình nhờ cây quýt Mường Khương.

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, các trang trại, gia trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa đang “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.

Một thống kê mới vừa được Bộ NNPTNT công bố: Riêng năm 2013, Việt Nam đã phải bỏ ra tới 12,4 tỷ USD để nhập khẩu các loại vật tư nông nghiệp bao gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, máy móc nông nghiệp… phục vụ sản xuất. Riêng con số này đã chiếm tới trên 40% kim ngạch xuất khẩu nông sản toàn ngành. Điều gì đang và sẽ xảy ra với nền nông nghiệp nước ta?

Sau này, khi lên Tây Bắc, tôi thấy bà con dân tộc trên này dùng phổ biến tô mộc để cho vào nước uống. Họ chẻ và băm gỗ tô mộc thành những mảnh nhỏ và đựng trong một ống tre để ở bàn nước. Khi pha trà, họ lấy 1 vài mảnh gỗ tô mộc đó và cho vào ấm cùng với chè.