Nông Dân Và Doanh Nghiệp Đều Gặp Khó
Hiện nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh đang bước vào thu hoạch niên vụ mía đường năm 2014-2015. Tuy nhiên, với sản lượng đường tồn kho khá lớn tại các nhà máy, giá thu mua mía nguyên liệu thấp, từ đó khiến nhà máy và nông dân đều gặp khó.
Theo nông dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp (một trong những địa phương thu hoạch mía sớm nhất tại ĐBSCL), đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía phải bán mía giá thấp.
Hiện tại, tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch, nhưng giá mía được thương lái mua tại ruộng chỉ dao động ở mức 700-750 đồng/kg (giống ROC 11) và 760-800 đồng/kg (giống ROC 16), bình quân giảm khoảng 100 đồng/kg so với cùng kỳ. Với giá này, những hộ trồng mía đạt năng suất trên 120 tấn/ha mới có lời ít hoặc huề vốn, riêng những hộ có năng suất thấp coi như lỗ.
Trĩu lòng với giá mía
Đang cân mía cho thương lái, ông Lê Minh Trí, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Vụ mía năm nay, gia đình tôi trồng 1,2ha (giống ROC 16), hiện thương lái mua mía chỉ 800 đồng/kg, thấp hơn năm rồi 100 đồng/kg. Tính ra vụ này, mỗi một héc-ta mía, nông dân lợi nhuận chưa đến 10 triệu đồng”.
Tình cảnh khó khăn hơn, khi gia đình anh Nguyễn Văn Khải, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp chỉ bán mía với giá 730 đồng/kg (giống ROC 11), sau khi trừ chi phí đầu tư thì vụ mía năm nay, gia đình anh Khải coi như làm không công. Anh Khải tâm sự: “Sở dĩ không có lời là bởi chi phí sản xuất quá cao.
Ngoài tiền mua mía hom giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mướn nhân công chăm sóc đầu vụ, người trồng mía còn phải tốn thêm tiền thu hoạch mía. Nếu như vụ mía trước, giá thành sản xuất là 735 đồng/kg thì vụ này lên đến 750-760 đồng/kg. Đó là chưa kể khi nước lũ về, chi phí thu hoạch mía còn đội lên”. Theo bà con trồng mía cho biết, vào thời điểm này, giá thuê đốn, vác, cân mía từ ruộng xuống tới ghe khoảng 120.000 đồng/tấn, nhưng khi nước lũ tràn về, giá thuê lên đến 150.000 -160.000 đồng/tấn.
Nông dân gặp khó, các nhà máy đường cũng rơi vào cảnh tương tự. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nhiều nhà máy đang rối bời khi vụ mía đường mới chuẩn bị khởi động, nhưng sản lượng đường của niên vụ trước vẫn còn tồn kho hơn 300.000 tấn, đây là điều ít xảy ra trong nhiều năm gần đây.
Bên cạnh đường tồn kho, một áp lực khác là giá đường bán buôn trên thị trường liên tục sụt giảm. Nếu như những năm trước, giá đường đầu vụ dao động 14.000-15.500 đồng/kg, nay chỉ còn 12.000 đồng/kg. Tuy giá đường thấp nhưng các doanh nghiệp rất khó bán, bởi sự cạnh tranh quyết liệt của đường cát Thái Lan nhập lậu qua biên giới Tây Nam, bán giá thấp thao túng thị trường.
Với giá đường hiện tại, các nhà máy càng chạy nhiều càng lỗ nặng, nên ai cũng dè chừng. Bởi, theo tính toán của các doanh nghiệp, để làm ra 1kg đường phải cần khoảng 9kg mía nguyên liệu và cộng với các chi phí đầu tư khác nên giá thành sản xuất 1kg đường hiện khoảng 12.000 đồng/kg, tương đương với giá bán.
Như vậy, giá thu mua mía nguyên liệu tại ruộng là 800 đồng/kg, nông dân cho là thấp nhưng các nhà máy đường cho rằng đã “ròng gánh giá” với bà con. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho rằng: Dù việc tiêu thụ đường đang rất khó, nhưng VSSA đã làm việc với các nhà máy đường ở ĐBSCL và thống nhất ngày 20-9 sẽ chính thức vào vụ mía mới. Theo đó, các nhà máy sẽ áp dụng giá mua mía tại ruộng là 800 đồng/kg (loại 10 chữ đường).
Các nhà máy căn cứ vào đoạn đường vận chuyển xa hay gần để tính mức thu mua cho phù hợp. Riêng tại Casuco, hiện công ty đang áp dụng mức giá thu mua mía 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp là 880 đồng/kg và tại Xí nghiệp đường Vị Thanh là 905 đồng/kg. Như vậy, nếu so với giá bao tiêu là 830 đồng/kg thì Casuco đã mua cao hơn từ 50-75 đồng/kg.
Tiến độ thu hoạch còn chậm
Từ việc giá thu mua mía thấp nên nông dân chưa mấy mặn mà thu hoạch trong lúc này mà còn ý định neo lại chờ giá tăng lên. Điển hình như hộ ông Lê Thanh Đoàn, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng khi nhiều lần thương lái hỏi mua 7 công mía của gia đình, nhưng ông chưa muốn bán.
Ông Đoàn, cho rằng: “Do giá thu mua mía hiện tại chưa có lợi nhuận nhiều cho nông dân sau một năm ròng rã canh tác nên gia đình chưa muốn bán trong lúc này. Hơn nữa, giống mía ROC 11 hiện chưa đạt năng suất và chữ đường tốt nhất nên tôi muốn chờ thêm một thời gian nữa để mía tăng thêm chữ đường và bán được giá cao hơn”.
Qua quan sát của chúng tôi, hiện tình hình thu hoạch mía của người dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp không mấy sôi động như những năm trước, nhất là những khu vực có truyền thống sạ thêm vụ lúa liếp sau khi đốn mía, như: xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp, Long Thạnh, Tân Long, thị trấn Cây Dương…
Theo lý giải của bà con nông dân ở khu vực trên, năm nay do nhuần hai tháng 9 (âm lịch) nên áp lực sạ lúa liếp không lớn, từ đó, những hộ không phải trồng giống mía ROC 16 và chưa thật sự cần thiết đốn mía trong lúc này đã để mía thêm một thời gian nữa nhằm tăng chữ đường và năng suất.
Từ thực trạng trên, phần nào sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của ngành chức năng. Ông Huỳnh Chí Cường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, thông tin: Vụ mía 2014-2015, Phụng Hiệp trồng được 8.345ha, trong đó các giống mía chín sớm chiếm trên 50% diện tích, hiện chữ đường các giống này đạt trên 9 CCS. Đến nay, nông dân trên địa bàn huyện chỉ thu hoạch khoảng 500ha, trong khi kế hoạch đề ra là từ ngày 20/9-30/9 sẽ thu hoạch khoảng 750ha và lần lượt các tháng tiếp theo là: trong tháng 10 từ 2.500-2.700ha; tháng 11 thu hoạch khoảng 2.500ha và tháng 12 khoảng 2.300ha.
Do đó, để đảm bảo tiến độ và hạn chế áp lực thu hoạch mía khi lũ về, ngành nông nghiệp huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn vận động người dân đẩy nhanh tiến độ, trong đó, ưu tiên thu hoạch ở những vùng trũng hoặc những nơi bà con có tập quán gieo sạ lúa liếp.
Đồng thời, đề nghị các nhà máy đường có chiến lược thu mua hợp lý, nhất là đẩy mạnh công suất ép để mùa mía năm nay đạt kế hoạch đề ra…
Có thể bạn quan tâm
Ngày 19/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chủ trì buổi làm việc với Tổ chức Thương mại sáng kiến bền vững Hà Lan tại Việt Nam (IDH) và Trung tâm Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn miền Nam về Chương trình phát triển cá tra bền vững.
Có được nguồn con giống chất lượng tại chỗ không chỉ mà là mong muốn của người nuôi, mà còn là mục tiêu ngành thủy sản Sóc Trăng hướng tới, vì chủ động được nguồn giống sẽ tạo ra tiền đề cho mô hình nuôi tôm nước lợ phát triển mạnh.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) vừa nghiệm thu dự án “Ứng dụng vắc-xin Alphaject pangal để phòng trị bệnh gan thận mủ cho cá tra nuôi thâm canh trong ao đất” do kỹ sư Đặng Thanh Cường, Trạm Thủy sản thị xã Ngã Bảy làm chủ nhiệm. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, dự án đã thực hiện được mục tiêu là làm giảm tỷ lệ bệnh gan thận mủ trên con cá tra, giảm tổn thất, thiệt hại cũng như tăng thêm thu nhập cho người nuôi cá nhờ tiêm vắc-xin.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là các hạng mục trong Dự án nâng cấp cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) hoàn tất, lượng tàu cá sẽ về neo đậu ở đây tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, các bè nuôi thủy sản xung quanh khu vực cảng đang khiến cho việc lưu thông gặp khó khăn.
Không ít doanh nghiệp ví Đồng Nai là “thủ phủ” sản xuất thức ăn chăn nuôi của cả nước, vì mỗi năm các nhà máy trong tỉnh cung cấp cho thị trường trên 2,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, đây vẫn là nơi hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.