Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Trồng Ớt Lao Đao Vì Rớt Giá

Nông Dân Trồng Ớt Lao Đao Vì Rớt Giá
Ngày đăng: 23/05/2014

Bước vào vụ thu hoạch năm nay, những nông dân trồng ớt ở Bố Trạch (Quảng Bình) chưa kịp vui mừng vì được mùa thì phải khốn khổ với nỗi lo ớt rớt giá. Thời điểm này năm ngoái, giá ớt lên tới 40 nghìn đồng/kg, có khi đạt đỉnh 50 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại giá ớt giảm xuống còn 9-11 nghìn đồng/1kg và xu hướng còn tiếp tục giảm. Tiền bán ớt không bù được chi phí chăm sóc, thu hoạch khiến nông dân lao đao…

Nông dân lao đao

Mô hình trồng ớt xuất khẩu ở Bố Trạch rộ lên những năm trở lại đây, với giá thu mua khá cao lại được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên nhiều người dân phấn khởi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh. Vụ ớt đông - xuân năm nay, toàn huyện Bố Trạch có tổng diện tích trồng lớn nhất toàn tỉnh, với hơn 350ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hưng Trạch (63ha), Cự Nẫm (65ha), Phú Định (52ha)...

Hiện nay, đang vào mùa thu hoạch đại trà, trên những cánh đồng ớt ở Bố Trạch chín đỏ đồng, tuy nhiên người nông dân vẫn không mặn mà với công việc thu hoạch bởi giá quá thấp, tính ra mỗi ngày tiền bán ớt cũng chỉ đủ bù tiền công hái chưa kể đến công chăm sóc, chi phí mua giống...

Ngồi nhìn ruộng ớt chín đỏ rực không buồn hái, ông Trần Rách (75 tuổi), ở thôn Khương Hà 4, xã Hưng Trạch thở dài: “Năm ngoái thấy được giá, năm ni tui không trồng ngô nữa, đầu tư gần 2 sào ớt, vậy mà giá rớt thảm quá. Thu hoạch về đành chịu lỗ bán cho thương lái ngoài chợ. May có mấy đứa cháu thu hoạch giùm cho chứ nếu thuê người hái mà giá ớt thấp thế này thì không đủ bù tiền nhân công”.

Nhiều hộ gia đình trồng ớt ở Bố Trạch đành ngậm ngùi trước thực trạng được mùa rớt giá. Ớt bắt đầu chín rộ trên khắp các cánh đồng, mặc dù rớt giá nhưng nếu không thu hoạch sớm thì sẽ chín rũ và hư hỏng hết, thôi đành “lấy công làm lãi” hi vọng vớt vát được chút ít vốn liếng bỏ ra.

Hai vợ chồng ông Phạm Văn Hữu và Đinh Thị Dinh ở thôn Nguyên Sơn, xã Cự Nẫm than phiền: “Vụ năm ni, gia đình tui trồng hơn 1 sào ớt, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh nên rất sai quả nhưng chưa kịp mừng thì giá ớt rớt nhanh quá. Đầu mùa, thu hoạch bói để bán cũng được 15 nghìn/kg, thế nhưng vào vụ thì xuống còn 10 nghìn/kg, có ngày xuống 7 nghìn/kg. Nghĩ mà nản, tiền công thu hoạch còn chưa bù nổi”.

Theo tính toán của ông Hữu, nếu đi phụ hồ, ngày cũng kiếm được gần 200 nghìn đồng nhưng vào vụ ớt phải ở nhà thu hoạch. Trung bình mỗi ngày, mỗi người hái được khoảng 30kg ớt, giá xuống thấp nên cũng chỉ đủ bù tiền công chứ chưa nói đến tiền giống, tiền phân bón. Nếu giá ớt không lên thì năm nay coi như làm không công.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho biết, vụ mùa năm nay, toàn xã trồng hơn 63ha ớt. Từ đầu vụ bà con nông dân đã được tập huấn về kĩ thuật trồng và phòng ngừa sâu bệnh nên năng suất cao hơn hẳn mọi năm, ước tính năng suất đạt trên 80 tạ/ha.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại giá xuống quá thấp. Từ đầu mùa, doanh nghiệp cam kết sẽ mua với giá tối thiểu 12 nghìn đồng/kg, nhưng giá thị trường có ngày xuống 7 nghìn đồng/kg, bởi vậy nhiều doanh nghiệp tỏ ra chần chừ việc gom hàng trong khi ớt chín đỏ đồng, nhiều gia đình đành chịu lỗ bán cho thương lái ở chợ.

Doanh nghiệp cũng khốn khổ

Không chỉ người nông dân chịu lỗ mà cả những doanh nghiệp, thương lái thu mua ớt cũng khốn khổ vì giá ớt xuống quá thấp.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch cho biết, mùa vụ năm nay, toàn huyện Bố Trạch có 5 công ty đăng ký hợp đồng cung cấp nguồn giống, phân bón cho bà con nông dân sản xuất, đồng thời cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá qui ước tối thiểu là 12 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình trồng ớt cũng được nhà nước hỗ trợ 30% chi phí giống.

Tuy nhiên hiện tại do thị trường bất ổn, giá ớt xuống quá thấp. Doanh nghiệp nếu mua theo giá cam kết thì sẽ phải chịu lỗ nặng.

Chủ một doanh nghiệp trên địa bàn cho hay, hầu hết các doanh nghiệp cũng chưa nhận được tiền giống đã bỏ ra để cung cấp cho bà con sản xuất từ đầu vụ nhưng nếu thu mua theo giá cam kết thì còn chịu lỗ nặng hơn nhiều vì giá thị trường rất thấp và có xu hướng tiếp tục giảm. Hiện, chúng tôi đang cố thương lượng với bà con trồng ớt với mức giá “mềm” hơn nhằm cùng nhau chia sẻ khó khăn.

Chị Lê Thị Luyên (40 tuổi), ở xã Hưng Trạch, một thương lái chuyên thu mua ớt cho biết, hầu hết ớt ở địa phương đều được các doanh nghiệp và thương lái gom lại rồi xuất sang Trung Quốc chế biến và tiêu thụ. Mọi năm thì đắt như tôm tươi không gom kịp hàng vậy mà năm nay thì rớt giá thê thảm, mà cũng không bán được. Hiện tại, tôi đang kẹt một chuyến ở Lạng Sơn do thương lái Trung Quốc không “ăn” hàng.

Cũng theo ông Long, chi phí đầu tư trồng một sào ớt khoảng 3 triệu đồng. Với thời tiết thuận lợi thì năng suất có thể đạt 4 -5 tạ/sào, lợi nhuận hơn hẳn so với trồng lúa. Nhưng với giá như thời điểm hiện tại thì nông dân cầm chắc lỗ vốn, làm công không. Bởi vậy, mùa vụ năm sau sẽ rất khó để vận động người nông dân thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng cánh đồng mẫu lớn.


Có thể bạn quan tâm

Vì sao xuất khẩu thủy sản giảm mạnh? Vì sao xuất khẩu thủy sản giảm mạnh?

Trên bình diện tổng thể, xuất khẩu (XK) thủy sản cả nước trong những tháng đầu năm 2015 chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất so với cùng kỳ trong vòng 5 năm qua, cả về số lượng và giá trị.

08/05/2015
Nông nghiệp Tiền Giang và những nỗ lực hội nhập Nông nghiệp Tiền Giang và những nỗ lực hội nhập

Từ sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác đa phương, khu vực và song phương. Về phía tỉnh, nhằm chủ động hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các chương trình hành động; ngành Nông nghiệp tích cực triển khai các bước đi hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế; liên tục bổ sung, cập nhật và cụ thể hóa các bước đi vào các quy hoạch ngành và sản phẩm.

08/05/2015
Toàn tỉnh có hơn 11.516 ha cây trồng bị hạn hán Toàn tỉnh có hơn 11.516 ha cây trồng bị hạn hán

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến đầu tháng 5/2015, tổng diện tích cây trồng bị hạn hán toàn tỉnh là 11.516,5 ha (chủ yếu là cà phê và lúa nước), lớn nhất từ trước tới nay.

08/05/2015
Tự trộn thức ăn lối thoát cho người chăn nuôi Tự trộn thức ăn lối thoát cho người chăn nuôi

Khi mà những công thức pha trộn thức ăn chăn nuôi (TĂCN) không còn là bí mật, các DN nhập khẩu nguyên liệu TĂCN lại “hầu” chủ trang trại tận chân răng, xu thế tự pha trộn TĂCN đang là lối thoát cho người chăn nuôi nhằm thoát khỏi tình trạng phải nuôi đại lí.

08/05/2015
Quy trình kỹ thuật trồng gấc đem lại hiệu quả cao nhất Quy trình kỹ thuật trồng gấc đem lại hiệu quả cao nhất

Để giúp tăng hiệu quả kinh tế cho mô hình trồng gấc của bà con nông dân, Công ty cổ phần nông nghiệp Đông Phương khuyến cáo áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng gấc....

09/05/2015